Dự báo biên lợi nhuận sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm
Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã cổ phiếu STK - sàn HoSE) vừa cho biết doanh thu trong nửa cuối năm nay có thể đạt gần 1.327 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 149 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sản lượng tăng 109% so với 6 tháng đầu năm. Trong đó, sản lượng sợi tái chế dự kiến sẽ tăng 192%.
Riêng trong quý 3/2024, Sợi Thế Kỷ ước tính sản lượng sẽ đạt 8.500 tấn và quý 4/2024 ước đạt 15.000 tấn, chủ yếu nhờ gia tăng nhu cầu, đặc biệt là trong mùa cao điểm vào giai đoạn cuối năm và Nhà máy Unitex đi vào hoạt động.
Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cũng tự tin cho biết mức mục tiêu sản lượng quý 3/2024 có thể “dễ dàng” đạt được khi nhu cầu hiện đang lên đến 3.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, do công ty đang khắc phục lỗi của hệ thống đóng gói tự động nên mức sản lượng tổng thể sẽ thấp hơn con số 9.000 tấn/quý.
Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ hiện kỳ vọng biên lợi nhuận gộp có thể cải thiện mạnh nhờ gia tăng tỷ lệ sợi tái chế trong cơ cấu sản phẩm lên mức 42,5% tổng sản lượng. Biên lợi nhuận gộp sợi tái chế ước đạt 24% - 27% trong khi sợi nguyên sinh chỉ vào khoảng 3% - 5% tùy vào Price Gap (khoảng chênh lệch giữa mức tăng/giảm chi phi Pet chip đầu vào và sản phẩm sợi đầu ra). Theo đó, biên lợi nhuận gộp nửa cuối năm nay có thể đạt mức 17,9%.
Tính chung cả năm 2024, Sợi Thế Kỷ ước tính doanh thu đạt 1.895 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 94,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 8% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình hoạt động của các nhà máy, Sợi Thế Kỷ cho biết đang gấp rút hoàn thiện dự án Nhà máy Unitex, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 9 năm nay. Nhà máy mày sẽ tập trung sản xuất các mặt hàng cho các thương hiệu thời trang lớn như Nike, Decathlon, Uniqlo, Puma và Inditex.
Đối với Nhà máy Củ Chi, cơ sở này vốn phải tạm ngưng hoạt động từ cuối quý 4/2023 và hiện Sợi Thế Kỷ vẫn chưa có kế hoạch tái khởi động do chưa có đơn hàng. Việc mở lại nhà máy này sẽ mất khoảng 1 tháng do cần tìm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhờ thường xuyên được bảo dưỡng nên nhà máy sẽ đảm bảo đạt công suất tối đa ngay khi tái khởi động.
Đối với Nhà máy Trảng Bàng, nhà máy này có thể cung cấp 3.000 tấn/tháng nên khi có đơn hàng khoảng 4.000 tấn/tháng thì Sợi Thế Kỷ sẽ mở lại Nhà máy Củ Chi.
Đang chờ quy đổi khoản vay nghìn tỷ từ USD sang VND
Kết thúc quý 2 vừa qua, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu thuần đạt 330 tỷ đồng, giảm 25,6% và lỗ sau thuế lên tới 55,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 37,5 tỷ đồng.
Đây là mức lỗ theo quý cao nhất của doanh nghiệp xơ sợi này kể từ quý 4/2016, chủ yếu là do doanh số bán hàng thấp, giá vốn tăng cao và khoản lỗ tỷ giá trong kỳ.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng dư nợ vay của Sợi Thế Kỷ đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 9% so với quý 1/2024. Trong đó, 87% dư nợ là vay bằng đồng USD, do đó việc tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh trong quý 2/2024 đã khiến công ty ghi nhận nhận khoản lỗ tỷ giá khá lớn.
Để hạn chế khoản lỗ tỷ giá trong thời gian tới, Sợi Thế Kỷ cho biết đã liên hệ ngân hàng để quy đổi khoản vay từ USD sang VND và công ty đang chờ được ngân hàng chấp nhận.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu thuần đạt 569 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế tới 54,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 37,3 tỷ đồng.
Năm nay, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu 2.103 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 189% và 342% so với mức nền thấp của năm 2023. Như vậy, sau nửa đầu năm 2024, Sợi Thế Kỷ vẫn còn cách rất xa kế hoạch kinh doanh đã đề ra.