Bố có mỗi một mình, không anh em nhưng đông bè bạn lắm vì tính bố hào phóng, rộng lượng và rất am hiểu cuộc sống, thông kim bác cổ. Từ nhỏ, ông đã làm bạn với sách và âm nhạc. Khi lũ bạn cùng trang lứa còn mải đánh bi đánh đáo, ông đã lóc cóc đeo cái hộp đàn vĩ cầm xinh xinh sau lưng đi bộ dọc đường làng lên nhà thầy dạy đàn duy nhất của cả làng tôi bấy giờ. Hội bạn hiếu kỳ đuổi theo hỏi han đủ kiểu rồi còn đứng mãi phía ngoài cửa sổ nhìn thầy giáo già và cậu học sinh bé tí lũn cũn đánh vật với chiếc “gậy” có mấy sợi dây mầu vàng phía trên kéo đi kéo lại vào cái hộp giống hình số 8 được kẹp cứng giữa vai và cổ khiến cho cái đầu ngoẹo hẳn về một phía… Mỗi khi cái đàn phát ra những âm thanh lạ tai bọn chúng lại há hốc mồm…
Cứ thế, một thời gian sau bọn chúng chả thèm xem nữa vì thấy không còn hấp dẫn thì một ngày âm thanh vừa lạ vừa quen đập vào tai chúng. Ồ, một đứa hiểu biết nhất reo lên: “Bài gì quen quen hôm nọ tao vừa nghe trên đài, tèn ten ten tén ten tèn tén ten ten tèn tén ten tèn tèn ten…”. Thế là chỉ chờ cậu bạn bé loắt choắt ra khỏi lớp là bọn trẻ ùa đến hỏi bài hát gì đấy. Cậu bé cố dấu vẻ mặt đầy kiêu hãnh nói nhẹ nhàng: “Bài Làng tôi đấy” rồi ngân nga hát phụ họa giải thích thêm cho lũ bạn “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”. Ôi lũ trẻ vỗ tay hoan hô như hoan hô một nghệ sĩ lớn. Cậu bé cười híp mắt…
Cũng nhờ biết chơi đàn vĩ cầm mà bố tôi sống sót qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi ông làm pháo thủ đóng quân ở Thái Nguyên thì được xung vào đoàn văn công bởi họ đang cần một người biết chơi đàn. Về sau này, hòa bình, bố tôi về làm công nhân một nhà máy văn phòng phẩm rồi cũng nhờ tài kéo đàn mà ông còn ở trong đội văn nghệ của nhà máy. Ngay kể cả bây giờ, chiếc đàn được mệnh danh “bà chúa âm nhạc” vẫn kén người chơi, chả hiểu sao hồi đó ông lại say mê nó mới lạ. Tôi đem thắc mắc hỏi bố thì ông trầm ngâm bảo: “Bố có mỗi một mình, còn chả nhớ nổi mặt ông nội con vì ông mất sớm quá, bà thì vì thế mà buồn rầu nên tập trung buôn bán cho đỡ cô đơn. Bố chơi đàn vì đơn giản là… chả biết chơi gì và chơi với ai”. Nghe mà thương bố thế!
Bố còn rất mê truyện. Tôi nhớ thuở nhỏ quyển sách mà tôi cầm đọc đầu tiên là tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bố mua không sót số nào, không những thế, nhà tôi la liệt các loại truyện tây tầu kinh điển. Lớp 6, tôi đã đọc Bố già dù chả hiểu gì sất, chỉ thấy ấn tượng mỗi cái đoạn cậu con trai út đi thăm ông bố bị bắn trọng thương ở bệnh viện rồi vô tình ngăn chặn được bọn mafia phe đối lập giăng bẫy bắn ông bố lần nữa cho chết hẳn vì sợ bị trả thù. Sau này và mãi đến giờ, hai quyển truyện mà mỗi năm tôi đều “bố trí” đọc lại một lần là Bố già và Tiếng gọi nơi hoang dã – một quyển tôi rất mê vì nó gần với tính khí bướng bỉnh, “đầu gấu làng” của mình, còn một quyển là vì bố mẹ tặng tôi nhân dịp được học sinh giỏi lớp 5 do tôi rất yêu chó mèo. Quyển truyện đó đã thất lạc tự bao giờ, nhưng tôi vẫn nhớ như in dòng chữ nắn nót và lời đề tặng đầy yêu thương của bố. Chính tình yêu âm nhạc và văn học của ông đã thấm sâu vào tâm hồn của bốn chị em chúng tôi mặc dù, cũng như bố, chúng tôi không ai làm nghệ sĩ hay nhà văn, song đứa nào cũng có một tâm hồn nghệ sĩ, biết rung động trước thơ ca nhạc họa…
Giờ bố tôi chuyển sang đọc truyện, xem tin tức và nghe nhạc trên máy tính. Ngày nào ông cũng dành khoảng hơn 1 tiếng để đọc báo điện tử, bật nhạc cho vợ nghe cùng, đến nhà chơi hôm thì trầm ấm độc tấu ghi ta Vô Thường, sâu lắng piano Richard Clayderman, Paul Mauriat, hôm lại réo rắt bolero Quang Lê, Lệ Quyên, lúc lại dân ca Tân Nhàn, Trọng Tấn… Thi thoảng ông bà lại được lũ con biếu đôi vé xem ca nhạc. Cao hứng hơn, ông lại lôi cái đàn vĩ cầm cũ kỹ từ xa xưa ra kéo cho lũ con cháu nghe. Chúng tôi hay đùa nhau là ông bà có một đời sống tinh thần thật là chất lượng. Nhìn hai ông bà ríu rít như đôi chim cu, lũ con cái mừng ghê gớm.
Không anh chị em, bố có mỗi một mình nên dường như để bù đắp lại thiệt thòi đó, ông đẻ một lèo bốn đứa con, ba thị mẹt rồi cuối cùng mới được thằng con trai. Vậy mà bố tôi rất hiện đại, chả bao giờ phân biệt con trai con gái. Chỉ tiếc hồi đẻ dầy quá, không đủ tiền để gieo mầm âm nhạc cho lũ con nên chả đứa nào chơi được nhạc cụ gì đến nơi đến chốn. Hay cũng có thể chúng tôi không làm được như bố vì cô đơn quá nên đã tìm đến âm nhạc như một cứu cánh – bọn tôi quá đông nên rất bận để đánh mắng hục hặc với nhau trong suốt tuổi thơ. Thật may, trong 7 đứa cháu nội ngoại cũng đã có 1 đứa biết chơi nhạc.
Thi thoảng, bố tôi lại xung phong đưa thằng cháu ngoại đi học đàn để “tổng kiểm tra” về năng lực, trình độ. Hôm nọ sinh nhật cháu, bố mẹ tôi sang dự thì gặp thông gia trò chuyện say sưa lắm. Hôm sau bố tôi kể với tôi: “Bà thông gia thế mà có con mắt nhìn người ra phết. Hôm qua sinh nhật thằng Ti bà bảo với bố: May là thằng cu Tí nó lại được cái gien của nhà ngoại nên mới biết chơi đàn, chứ mà như gien của ông bà nội thì một nốt nhạc bẻ đôi không biết. Khà khà”.
Tôi nhìn bố tôi với nụ cười sung sướng, phúc hậu trên môi, chợt nhận ra tình yêu âm nhạc sâu thẳm trong bố. Bố đúng là đã già thật rồi, nhưng là một ông già hạnh phúc!