Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh

Đây là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thường niên lần thứ 5 năm 2024 (HEF 2024) do UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/9 tới đây.

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm nay dự kiến ​​có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Việt Nam; cùng khoảng 1.200 - 1.500 đại biểu bao gồm: đại diện các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...), các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nhà quản lý và Lãnh đạo đạo các địa phương trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh đạo, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chuyển đổi công nghiệp và phát triển bền vững...

TP. Hồ Chí Minh
Là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, tập trung các hoạt động kinh tế trọng điểm, TP. Hồ Chí Minh có nền tảng thuận lợi để thử nghiệm các chính sách chuyển đổi công nghiệp. (Ảnh: TL)

Thông tin về Diễn đàn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực, chủ động, chớp lấy thời cơ và khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên.

Đặc biệt, khi nhu cầu của người tiêu dùng thế giới với các sản phẩm, dịch vụ xanh ngày càng cao, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), ESG (tiêu chuẩn về Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp),… đã và trở thành điều kiện để chúng ta xuất khẩu hàng hóa ra thế giới đồng thời nâng tầm thị trường nội địa.

Để làm được điều đó, chuyển đổi công nghiệp là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai. Tuy vậy, trong quá trình chuyển đổi này, doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn vì chi phí đầu tư cao, hạ tầng công nghệ kém phát triển, các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận, …

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng lẫn đối tác; hướng đến phát triển bền vững, đạt cả mục tiêu kinh tế - xã hội lẫn môi trường. Là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, tập trung các hoạt động kinh tế trọng điểm, Thành phố có nền tảng thuận lợi để thử nghiệm các chính sách chuyển đổi công nghiệp.

diễn đàn TPHCM
Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới phát thải ròng bằng không". (Ảnh: TL)

Đối thoại chính sách về chuyển đổi công nghiệp

Xác định chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế và thực tiễn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh".

Dự kiến, nội dung phiên toàn thể của Diễn đàn HEF 2024 sẽ xoay quanh các chủ đề: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách đưa quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh kết nối khu vực, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò của Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh gắn với chuyển đổi công nghiệp…

Trong khi đó, 03 phiên thảo luận được tổ chức đồng thời với 03 chủ đề liên quan đến vai trò của C4IR, các mô hình quản trị của các quốc gia/địa phương đi trước trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, từ đó đưa ra hàm ý chính sách cho các nước đang phát triển như Việt Nam và địa phương là TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sẽ có phiên đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ ngành Trung Quốc, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và khách mời, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế nhằm chuyển tải quyết tâm và lộ trình về chính sách chuyển đổi công nghiệp của Chính phủ và các Bộ ngành, cũng như thông điệp về định hướng, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi của Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.

công nghiệp TPHCM
TP. Hồ Chí Minh sẽ ra mắt và khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) - trung tâm thứ hai của Đông Nam Á tham gia vào mạng lưới Trung tâm C4IR toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ Diễn đàn, dự kiến ngày 25/9/2024 TP. Hồ Chí Minh sẽ ra mắt và khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và đại diện lãnh đạo các trung tâm C4IR trên thế giới.

Đây là Trung tâm C4IR (Centre for the Fourth Industrial Revolution) thứ hai của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nơi hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp.

Ngoài ra, năm nay trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 năm 2024 còn có nhiều hoạt động gắn liền với doanh nghiệp, người dân Thành phố xuyên suốt từ tháng 4 - 10/2024, tiêu biểu như: Hội nghị triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2024; Hội thảo “Tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn TP. Hồ Chí Minh - Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm”; Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024; Hội thảo Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh - Động lực mới cho phát triển bền vững; Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp Xanh” cho các doanh nghiệp Thành phố; Hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển giao thông xanh hướng đến phát triển đô thị xanh và bền vững ở TP. Hồ Chí Minh”; Hội thảo “ESG - Chìa khóa cho phát triển bền vững”; Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Thúc đẩy các mô hình kinh tế mới trong bối cảnh chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững; Hội thảo “Giải pháp cho nhà máy thông minh - Smart Factory”; Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành (Techmart) Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh… và nhiều sự kiện quan trọng, thiết thực khác.

Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. 

Thanh Hà