Chuyển đổi công nghiệp - Động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống, vừa phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh" diễn ra từ ngày 24-27/9/2024. Đây là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức.

Sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc - Phiên toàn thể Diễn đàn. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố; đại diện các nước, các địa phương của các nước, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5

Tại Phiên toàn thể của HEF 2024, các đại biểu đã nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh gắn liền với chuyển đổi công nghiệp; kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp của Trung Quốc; tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyển đổi công nghiệp phục vụ tăng trưởng và phát triển xanh, bền vững…

Tại các phiên song song, Diễn đàn tập trung vào 3 nhóm thảo luận với các chủ đề: Vai trò C4IR tại TP. Hồ Chí Minh gắn với chuyển đổi công nghiệp; các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dự Lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh và làm việc với các thành viên sáng lập của Trung tâm.

Trung tâm C4IR tại TP. Hồ Chí Minh là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); là trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF. Trụ sở Trung tâm được đặt tại Khu Công nghệ cao (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2024.

Chiều ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Phiên Đối thoại chính sách Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh với các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia; đồng thời kiến nghị những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

đối thoại TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lãnh đạo các bộ ngành đối thoại với các doanh nghiệp

TP. Hồ Chí Minh - trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực

Phiên Đối thoại chính sách được diễn ra sôi nổi, thực chất, dưới hình thức hỏi đáp. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi sâu rộng với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, phát triển xanh, bền vững; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách, đặc thù và bứt phá khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên…

Phát biểu chỉ đạo, kết luận Phiên Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công Diễn đàn lần thứ 5 với khoảng 1.500 đại biểu từ nhiều quốc gia, nhiều ngành, diễn đàn lần sau tốt hơn, toàn diện hơn, nhiều người tham gia hơn lần trước; cảm ơn các đại biểu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong nước tới tham gia, cổ vũ cho Diễn đàn.

Đặt vấn đề "tại sao phải chuyển đổi", Thủ tướng cho rằng tình hình thay đổi thì phải có cách ứng xử phù hợp tình hình, thích ứng với tình hình để tiếp tục phát triển đi lên. Muốn có chính sách, giải pháp hiệu quả thì phải nắm chắc tình hình, dù tình hình hiện nay phức tạp, khó lường, khó định đoán.

Về bối cảnh tình hình hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới có thể đánh giá khái quát: Về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.

Thế giới đang đối mặt những vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để giải quyết, trong đó có vấn đề chuyển đổi, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

thủ tướng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo, kết luận Phiên Đối thoại của Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5

Làm mới các ngành công nghiệp truyền thống và phát triển các ngành công nghiệp mới

Về vấn đề TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam đã, đang chuyển đổi như thế nào, Thủ tướng cho biết đến nay, Việt Nam đã hình thành được hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Sau khi phân tích các yếu tố nền tảng, trụ cột, các định hướng lớn của Việt Nam, chia sẻ về kết quả đã đạt được của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, Thủ tướng nhắc đến một số con số như quy mô GDP năm 2023 đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng 34 trên thế giới theo đánh giá của WB, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế, thu nhập bình quân đầu người từ trên dưới 100 USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 4.300 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong 6 tháng năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%, ngay sau cơn bão Yagi, Chính phủ đã có các giải pháp khắc phục và dự kiến GDP cả năm đạt 7%.

Trong thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng đánh giá TP. Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.

thủ tướng 2
Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử.

Qua tham dự Diễn đàn, Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, mang thương hiệu ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường.

Thủ tướng tin rằng với truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ của Trung ương, của bạn bè, đối tác quốc tế, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh nhất định sẽ đạt được mục tiêu nói trên.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

Muốn làm được điều này, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, mà trước hết là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua TP. Hồ Chí Minh đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các cơ chế, giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này TP. Hồ Chí Minh có điều kiện làm được và phải làm bằng được.

Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng thể chế cùng TP. Hồ Chí Minh; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TP. Hồ Chí Minh vì Thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn.

thứ trưởng Hoài
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trao đổi về vấn đề chuyển đổi năng lượng và các vấn đề liên quan tại Phiên Đối thoại của Diễn đàn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

TP. Hồ Chí Minh phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của TP. Hồ Chí Minh và của Việt Nam.

Thủ tướng nhắc lại, Việt Nam cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế…

Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam về: Ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.

thủ tướng 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cùng các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng cho rằng, trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là các chủ thể cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cung làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào.

Thủ tướng đề nghị TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Việt Hằng