Sản xuất thông minh đối diện nhiều thách thức trong giai đoạn mới
Thời gian qua, Việt Nam đã có những thành tựu tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và phát triển sản xuất thông minh ở các lĩnh vực công nghiệp nói riêng. Chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) của Việt Nam đã tăng 3 bậc từ xếp hạng thứ 46 (năm 2015) lên xếp hạng thứ 43 (năm 2019), theo báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO. Phát triển công nghệ số tiên tiến Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0 với nhập khẩu thiết bị, công nghệ số đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ và hoạt động sáng chế đứng thứ 46, 48 trong số 150 nền kinh tế trong nghiên cứu.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam là nền tảng tốt cho đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất như Thaco Madaz, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải (Hải Phòng), nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương, giàn khoan tự nâng của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel,…
Dù vậy, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương mới công bố tháng 11/2021 cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản đắp lớp 3D. Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.
Trong khi đó, theo báo cáo của CSIRO, Úc và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tháng 11/2021, một phần nhỏ các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; cùng với tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.
“Thực tế cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức”, ông Nguyễn Đức Hiển nhận định.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) với nhiều chuyển biến liên tục đã tạo ra một tiền đề quan trọng cũng như bước đột phá lớn trong tư duy và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển từ phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực bên trong, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ và chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số với trọng tâm là quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh.
Hơn bao giờ hết, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển sản xuất thông minh cần gắn với quá trình tái cơ cấu lại ngành công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Vấn đề đặt ra là mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các doanh nghiệp đối với sản xuất thông minh, nhà máy thông minh nhìn chung còn thấp, dẫn đến chưa có chiến lược đầu tư cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại còn hạn chế, trình độ, kỹ năng của lao động cũng chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành của dây chuyền, thiết bị tiên tiến.
Một số doanh nghiệp đã có nhận thức rất tốt về tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng vẫn lúng túng trong tiếp cận và triển khai.
“Đây là bài toán rất lớn cần lời giải từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học để cung cấp giải pháp phù hợp cho mỗi doanh nghiệp”, ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đặt vấn đề.
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có sự vào cuộc nhanh chóng để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ trong đồng hành cùng doanh nghiệp chủ động tham gia vào CMCN 4.0, tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại thông qua: tuyên truyền phổ biến thông tin; hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bắt kịp CMCN 4.0 và chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế. Trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất những ứng dụng công nghệ mới, hiện đại phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy sản xuất thông minh.
Theo ông Đào Trọng Cường, ở giai đoạn đầu, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai vào cung cấp các giải pháp kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp hàng đầu của nước ngoài về lĩnh vực phát triển sản xuất thông minh, từ đó định hình và xác định được hướng đi phù hợp để triển khai các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ 4.0, sản xuất thông minh tại một số doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp như Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Masan, Cơ khí Phổ Yên, Cơ khí chính xác Duy Tân, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong,… đã phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ để triển khai các dự án xây dựng hệ thống quản trị sản xuất, ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dự án nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm,… qua đó thu được kết quả ấn tượng, đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030. Với quan điểm đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, Đề án sẽ tập trung vào giải quyết những thách thức, khó khăn còn tồn tại của các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số cũng như triển khai các giải pháp sản xuất thông minh từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp một cách đầy đủ, toàn diện.
Trên cơ sở Đề án, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải quyết 2 nhóm vấn đề lớn trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt.
Thứ nhất, thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, đồng thời có chính sách ưu tiên mang tính đặc thù cũng như là đột phá về hoạt động khoa học công nghệ, về chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nói riêng và hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số, qua đó liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi.
Thứ hai, hỗ trợ và phát triển năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển nguồn lực số và hình thành các nguồn tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, đầu tư phát triển hạ tầng và công cụ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp. Triển khai một số dự án chuyển đổi số có tính đại diện để đảm bảo tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình đã triển khai, gia tăng hiệu quả thực tiễn.
“Chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh là một hành trình dài, cần có cách tiếp cận chiến lược, khoa học, bài bản với bước đi hết sức cụ thể và nhanh chóng mà phải triển khai ngay từ thời điểm này. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng với sự quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc khẩn trương của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, ngành Công Thương sẽ tận dụng được tối đa các cơ hội từ CMCN4.0, nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt”, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Hội thảo chuyên đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra chiều 9/11/2021 là một trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 6/12. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan và hơn 80 đại diện các đại sứ quán, lãnh đạo các ban bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất lớn và các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cùng hơn 600 đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu.
Nội dung trao đổi tại các Hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu nhằm hoàn thiện Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện.