Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII mới đây, Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao và xác định nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đã nêu rõ quan điểm “phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài, trong định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030 đã xác định “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp”.
Với mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời gắn với kế hoạch triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10 năm 2022 theo phân công tại Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 tiếp tục được tổ chức vào tháng 11/2021 theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương, phối hợp chuyên môn bởi các bộ ngành liên quan; Tập đoàn IEC là đơn vị tổ chức sự kiện. Sự kiện diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 6/12/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.
Industry Summit 4.0 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công đó, Diễn đàn năm 2021 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới của đất nước giai đoạn hậu Covid-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, quy mô của Diễn đàn bao gồm các hoạt động: 1 Phiên Diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ sẽ diễn ra vào ngày 6/12/2021, chuỗi 10 Phiên Hội thảo chuyên đề được tổ chức xuyên suốt trong tháng 11/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế.
Trong đó, Phiên toàn thể cấp cao sẽ tập trung đi sâu phân tích và làm rõ định hướng chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số; tương lai kinh tế toàn cầu sau đại dịch; đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19; chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số và đề xuất về mô hình và định hướng chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 10 chủ đề chính bao gồm: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh, phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn hứa hẹn quy tụ sự tham gia của khoảng 100 - 150 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế cùng hơn 2000 đại biểu dự trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, các điểm cầu trong nước và quốc tế kết nối trực tuyến qua internet - là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...
Sau Diễn đàn, các nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được Tổ biên tập Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Bên cạnh các phiên hội thảo chuyên đề, trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra hoạt động Triển lãm ảo các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực... là một điểm nhấn rất đáng chú ý của sự kiện. Triển lãm năm nay sẽ được phân chia thành các khu vực trải nghiệm công nghệ sẽ đem đến cho khách tham dự cơ hội được trực tiếp sử dụng công nghệ thực tế ảo, tương tác và giao lưu với các robot thông minh...
Đồng thời, song hành với hội thảo và triển lãm là hoạt động Kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp tiêu biểu về nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các công nghệ số.