Qua 7 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành một địa chỉ tin cậy, thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng liên quan trong lĩnh vực logistics; không ngừng thiết lập và tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan.
Diễn đàn Logictics Việt Nam 2020 diễn ra trong hai ngày 25 và 26/11 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Năm 2020 là năm đánh dấu mốc đặc biệt khi Diễn đàn lần thứ 8, được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề chi phí logistics đã được nêu lên nhiều năm qua nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn. Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng…
Thách thức rất lớn của ngành trong bối cảnh hội nhập
Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng tới trên 30.000 doanh nghiệp.
Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%). Tiếp đó là doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%). Còn lại là doanh nghiệp vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và doanh nghiệp bưu chính chuyển phát (2,34%).
Bộ trưởng nhấn mạnh, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
“Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 01/2020 đã tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, gây ra tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.
Cho đến nay, kinh tế thế giới trong 10 tháng năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Kinh tế-thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chưa kể đất nước còn phải gánh chịu tác động không nhỏ bởi các đợt bão lũ liên tục gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,... phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định.
“Điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 ước đạt 439,8 tỷ USD, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019”, Bộ trưởng thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại,
Các hiệp định này có thể tác động tới việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải, cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.
“Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn với các doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao”, Bộ trưởng đánh giá.
Chuyển đổi số để cắt giảm chi phí logistics
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với quy mô 40 - 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện nay còn cao.
Đối với Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bí thư Thành ủy đưa ra 7 nội dung gợi mở về giải pháp nhằm cắt giảm chi phí và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi số.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực logistics, trong đó khuyến khích doanh nghiệp logistics đầu tư cho hoạt động R&D thành lập các trung tâm nghiên cứu riêng.
Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics như ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa, ứng dụng công nghệ in 3D nhằm giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất; sử dụng hệ thống quản lý vận tải, kết hợp công nghệ điện toán đám mây và định vị vệ tinh cho phép doanh nghiệp truy xuất vị trí hàng hóa, quản lý phương tiện vận chuyển tại các khu vực hẻo lánh hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics bảo đảm sự kết nối giữa các chủ thể tham gia, chú trọng và phát triển nâng cao chất lượng nhân lực logistics 4.0.
Cuối cùng, Bí thư thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, cần phát triển các giải pháp logistics mới nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm như sử dụng năng lượng tái tạo tại các khu cảng, kho vận và phương tiện vận chuyển, tính toán và cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong hoạt động logistics, sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường khi vận chuyển trong thành phố.
Chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, thời gian tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
“Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, tôi yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết”, Phó Thủ tướng nói.