Diễn đàn do Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin Năng lượng Việt Nam tổ chức với sự tham dự của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 tại Vương quốc Anh, các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) với thông điệp "Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu", Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí methane vào năm 2030 so với năm 2020, chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo và nhiều sáng kiến toàn cầu khác.
Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; trong đó cụ thể hóa các mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo đúng những gì Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26. Để thực hiện mục tiêu này, nước ta cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác.
Tại Diễn đàn, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đầu tư nguồn năng lượng sạch và các nhà khoa học sẽ cùng nhau chia sẻ, trao đổi, phân tích cơ hội, tìm ra bất cập, thách thức trong việc triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí ở Việt Nam.
Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN & MT) của Quốc hội cho biết, UBKHCN & MT rất quan tâm đến chủ đề của Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam lần thứ Hai, nỗ lực bám sát các yêu cầu thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp để tham mưu cho Quốc hội về những chính sách phù hợp, ban hành các luật nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch ngành năng lượng thành công, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Một số các luật khác cũng cần được soạn thảo mới hoặc sửa đổi nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Mở rộng hơn nữa, việc phát thải ròng về ”0” đòi hỏi có những đột phá về những dự án lớn cần được Quốc hội xem xét và phê duyệt.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cũng cho hay, để hướng tới mục tiêu Net Zero (không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển) vào năm 2050, cơ cấu nguồn điện thay đổi rất nhiều.
Với kịch bản Net Zero, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Mà nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí; các chính sách tài trợ vốn ưu đãi cho ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, công nghệ cao; những điều kiện cấp tín dụng cho vay phát triển dự án năng lượng sạch, kinh nghiệm chính sách quốc tế của các nước đang phát triển về chính sách thu hút nguồn đầu tư, khoản tín dụng đối với đầu tư dự án năng lượng sạch.
Đặc biệt là chủ trương dừng các dự án nhiệt than chưa triển khai đầu tư xây dựng, đồng thời kiến nghị lên cấp thẩm quyền để ban hành các quy định và cơ chế phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng tính cường phát triển các dạng năng lượng xanh và sạch.
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực Hoàng Trọng Hiếu, chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên cả nước đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện.
Tuy nhiên sự phát triển mạnh của các dự án điện gió và điện mặt trời đã dẫn đến mất cân đối nguồn tải theo miền do các nguồn điện gió và điện mặt trời phát triển chủ yếu tại miền Trung và miền Nam. Cùng với đó, việc triển khai các dự án năng lượng sạch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính….
Liên quan đến vấn đề vốn, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến năm hết năm 2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 441.000 tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 32,5% so với năm 2020. Đặc biệt, dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng hơn 212.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% dư nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống.
Dư nợ cấp tín dụng tập trung vào các dự án điện mặt trời và thuỷ điện với dư nợ chiếm 87% tổng dư nợ cấp tín dụng cho năng lượng tái tạo. Các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo vì phải tính đến yếu tố hiệu quả của dự án thông qua các vấn đề: giá điện, thời gian thu hồi vốn, yếu tố thời tiết, khả năng của hệ thống truyền tải, năng lực quản lý của chủ đầu tư…
Để cải thiện được các vướng mắc trên, Việt Nam cần có chính sách đột phá như hình thành Quỹ năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh… từ đó thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức đã vinh danh “TOP 10 nhà đầu tư IPP (dự án điện độc lập) năng lượng sạch uy tín ở Việt Nam 2021” và “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021” nhằm ghi nhận, động viên các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các nguồn điện sạch tiêu biểu; cung cấp các thiết bị điện công nghệ cao, cung cấp dịch vụ xây dựng dự án năng lượng sạch góp phần tăng hiệu quả đầu tư và đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn.