Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu POM - sàn UPCoM) vừa cho biết, đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei (Nhật Bản) vào cuối tháng 7 vừa qua.
Theo Thép Pomina, chiến lược hợp tác với Nansei được tổ chức theo mô hình từ nguyên liệu đến thị trường, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Với sự hợp tác từ Nansei, Nhà máy Pomina 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ có đủ nguyên vật liệu để vận hành tối đa công suất vào tháng 9 tới đây.
Thép Pomina cũng cho biết thêm, bên cạnh việc hợp tác chiến lược với Nansei, công ty đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với một nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp nhằm khởi động lại dự án lò cao vào năm 2025. Qua đó, công ty kỳ vọng đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công trong thời gian tới.
Trước đó, Thép Pomina đã triển khai dự án lò cao vào năm 2019, và chính thức vận hành vào cuối năm 2020 với công suất đạt 1 triệu tấn/năm. Đến tháng 3/2021, lò cao này đã hoạt động 80 - 90% công suất. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19 và nhu cầu thép giảm sút khi thị trường bất động sản “đóng băng”, Thép Pomina đã phải tạm dừng hoạt động lò cao từ tháng 9/2022, khiến kết quả kinh doanh ngày càng sa sút.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào đầu tháng 3/2024, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thép Pomina thừa nhận đã tính toán sai khi bắt đầu thực hiện dự án lò cao vào đúng dịch COVID-19, không đưa được chuyên gia từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp máy, xây dựng khiến tất cả chi phí tăng vọt.
Thép Pomina được thành lập vào năm 1999 và niêm yết lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2010. Tại thời điểm này, Thép Pomina là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam và có thị phần cao hơn cả Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG).
Hiện tại, Thép Pomina đang có 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất 2,6 triệu tấn. Trong đó, công suất luyện phôi thép là 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng đạt 1,1 triệu tấn. Thép Pomina hiện tập trung chủ yếu vào mảng thép xây dựng với thị trường trọng điểm là các tỉnh miền Nam.
Trong giai đoạn 2010 - 2022, doanh thu của Thép Pomina luôn ghi nhận ở mức 10.000 tỷ đồng mỗi năm, và tạo đỉnh trong năm 2021 với doanh thu 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, công ty đều kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lỗ ròng quanh mức 1.000 tỷ đồng.
Trong quý 1/2024, doanh thu của Thép Pomina giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước, còn 471 tỷ đồng và tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, khiến lỗ gộp tới 6 tỷ đồng. Kết quả, công ty ghi nhận lỗ ròng 225 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp công ty này kinh doanh thua lỗ.
Ông Đỗ Duy Thái cho biết, nếu quá trình tái cấu trúc được thực hiện đúng hướng giá thành sản phẩm của công ty có thể đạt mức thấp nhất thị trường, đặc biệt là tại miền Nam. Qua đó, giúp công ty bảo vệ, tiến tới giành lại được thị phần.
Trong một diễn biến có liên quan, trong tháng 5/2024, cổ phiếu POM của Thép Pomina đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) hủy niêm yết bắt buộc do công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm trong 3 năm liên tiếp.
Sau đó, gần 280 triệu cổ phiếu POM đã được chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 23/5/2024. Tuy nhiên, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần do bị hạn chế giao dịch khi Thép Pomina chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Để khắc phục tình trạng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, Thép Pomina đã cam kết công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 trước ngày 20/6/2024. Tuy nhiên, cho đến nay, công ty vẫn chưa thực hiện.