Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Phan Văn Bản cho biết, ngay sau khi Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam thành công và Nghị quyết được thông qua, Ban Thường vụ đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai xây dựng, ban hành các văn bản phân công nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết đề ra, với khẩu hiệu hành động: “Công đoàn Công Thương Việt Nam đoàn kết, đổi mới, dân chủ, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đoàn viên và công nhân viên chức lao động; vì sự phát triển bền vững ngành Công Thương!”
Nhằm triển khai đồng bộ, có hệ thống, kịp thời, đảm bảo sự thống nhất, đạt kết quả cao trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, Hội nghị sẽ nghe các nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và thông tin nhanh một số kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Đây là Hội nghị được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nội dung đến thành phần triệu tập, phân công truyền đạt các nội dung, thể hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Công đoàn Công Thương Việt Nam ngay trong năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, là việc làm cụ thể, thiết thực, giúp các cấp công đoàn toàn ngành, cán bộ các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết.
Nâng cao công tác tuyên truyền
Theo đó, để triển khai Nghị quyết Đại hội IV, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền.
Trước tiên là tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống công đoàn, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người sử dụng lao động và toàn xã hội thực hiện tốt nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội lần thứ IV Công đoàn Công Thương Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào về vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân và niềm tin với tổ chức công đoàn của đoàn viên, người lao động; tập trung cao nhất trí tuệ của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong Ngành đóng góp xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Công đoàn Công Thương Việt Nam vững mạnh.
Tiếp đó là tuyên truyền, động viên các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động trong Ngành phát huy ý chí tự lực, tự cường năng động, sáng tạo, quyết tâm, cao vượt qua khó khăn, thử thách, thi đua lao động sản xuất, giữ vững việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; giữ vững bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân, củng cố niềm tin về vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; nâng cao hiệu quả công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, vì việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
10 chỉ tiêu phấn đấu toàn khóa
Toàn khóa đề ra 10 chỉ tiêu phấn đấu, trong đó có 7 chỉ tiêu phấn đấu hàng năm và 3 chỉ tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ. Đó là, phấn đấu hết năm 2028 toàn Ngành có 182.258 đoàn viên công đoàn; Ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; 80% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ.
Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã biên soạn, xuất bản Văn kiện Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam (2023-2028) để làm tài liệu cho các cấp công đoàn thực hiện quán triệt, học tập, triển khai thực hiện; Các cấp công đoàn trong ngành cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ, chương trình kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị để tổ chức thực hiện.
Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của Ngành, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người lao động ngành Công Thương, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.