Giai đoạn 2018-2020 có thể nói là rất nhiều sóng gió với người lao động cả nước nói chung và người lao động ngành Công Thương nói riêng. Từ diễn biến rất nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hợp tác song phương, đa phương có hiệu lực, đến diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19… đã tác động không nhỏ đến tới việc làm, an sinh xã hội của người lao động, buộc lực lượng lao động phải có sự thay đổi cả về chất và lượng.
Đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên
Trước những yêu cầu phải đổi mới hoạt động Công đoàn một cách mạnh mẽ và quyết liệt để thực hiện triệt để trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi người lao động. Đặc biệt là đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên công đoàn.
Từ năm 2018-2020, CĐCTVN đã làm việc với các công đoàn trực thuộc về việc chăm lo cho lợi ích của đoàn viên công đoàn và trao đổi các nội dung liên quan đến việc ký thoả thuận hợp tác cho người lao động.
Cụ thể, TCty Thép Việt Nam - CTCP cam kết bán giảm giá thép xây dựng theo tỷ lệ hợp lý cho các công trình xây dựng thiết chế cho người lao động. CĐ Xăng dầu VN và CĐ TCty Thép VN đã ký kết và sử dụng gần 37.000 lít/kg bột giặt Jana do Petrolimex sản xuất cho trên một triệu bộ quần áo bảo hộ LĐ của NLĐ VNSTEEL trong một năm.
TCty Thương mại Hà Nội đã áp dụng chương trình giảm giá 3% tổng giá trị cho người mua có thẻ đoàn viên công đoàn tại chuỗi Siêu thị của Hapro tại Hà Nội. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bán giảm giá cho các siêu thị công đoàn hoặc các tổ chức phục vụ đoàn viên công đoàn sản phẩm bột giặt, nước giặt với mức giá giảm từ 10 - 18%. Giới thiệu các sản phẩm của Công ty Nutifood vào các bữa ăn ca của công nhân... Tổ chức tiêu thụ các sản phẩm giữa các đơn vị trong Ngành với mức giá có lợi nhất cho người lao động.
Đến nay, CĐCTVN đã tiến hành ký 8 thỏa thuận hợp tác phúc lợi đoàn viên. Đã có gần 258.664 đoàn viên được hưởng lợi từ các thỏa thuận với số tiền hưởng lợi ước tính là 73.330 triệu đồng.
Nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên
Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn như: “Tết sum vầy”, “Mái ấm công đoàn”, Quỹ xã hội từ thiện; các tổ chức, chương trình tài chính vi mô công đoàn, trọng tâm phục vụ đoàn viên công đoàn.
Hàng năm, các đơn vị trong Ngành tổ chức hoạt động gặp mặt “Tết sum vầy” tại đơn vị. Hầu hết công đoàn các đơn vị đã phối hợp chuyên môn chi lương, thưởng cho người lao động với mức bình quân là 1 tháng lương. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoạt động khó khăn, mức thưởng Tết thấp. CĐCTVN đã chỉ đạo công đoàn các cấp thăm hỏi, chúc Tết và hỗ trợ đời sống NLĐ. Tổng số tiền dành cho hoạt động chăm lo đoàn viên, CNVCLĐ Tết Nguyên đán toàn Ngành từ nhiều nguồn giai đoạn 2018-2020 là 323,52 tỷ đồng.
Trong 3 năm qua, CĐCTVN đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, sửa chữa nhà, với tổng số tiền là 4,223 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 90 nhà “Mái ấm Công đoàn”; triển khai các hoạt động tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với đối tượng chính sách trong và ngoài Ngành.
Bên cạnh đó, CĐCTVN còn tập trung kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể và các doanh nghiệp dịch vụ cung cấp bữa ăn ca công nghiệp, nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động.
Hầu hết các đơn vị đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho người lao động với mức thấp nhất là 20.000 đồng/bữa/người. Một số đơn vị đã nhân rộng mô hình nhà ăn ca tự chọn, tiêu biểu là một số đơn vị trong Tập đoàn CN Hóa chất VN, TCT Thép VN - CTCP, TCT Thuốc lá VN, Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Nhiều đơn vị phục vụ ăn ca tự chọn cho cả 3 ca, hầu hết các bếp ăn đều phục vụ từ 10 đến 18 món.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động trong đại dịch Covid-19
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, đe dọa đến việc làm, đời sống của người lao động toàn ngành, ngay từ đầu năm, CĐCTVN đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19; các văn bản về việc thực hiện những giải pháp mới trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19; hỗ trợ các đơn vị tiếp cận nguồn cung khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn phòng chống dịch bệnh.
Đối với người lao động phải thực hiện cách ly, công đoàn cơ sở tham gia để doanh nghiệp chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiếu vùng theo quy định của pháp luật.
CĐCTVN đã tổ chức triển khai hỗ trợ đoàn viên, người lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành, có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ là 500.000 đ/lần/người. Đợt 1 hỗ trợ được 491 đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số tiền là 245,5 triệu đồng được trích từ nguồn tài chính tích lũy của CĐCTVN. Tại đợt dịch bùng phát vào cuối tháng 7/2020, CĐCTVN tiếp tục thực hiện hỗ trợ đợt 2 cho 453 đoàn viên, NLĐ số tiền là 226,5 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách của CĐCTVN.
Ba khâu đột phá nửa cuối nhiệm kỳ
Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy chia sẻ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng công nghệ càng hiện đại sẽ càng đòi hỏi lực lượng lao động cao hơn về trình độ lao động, sức khỏe, tâm lý, khả năng sáng tạo và tinh thần làm việc. Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới đối với việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động, phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐCTVN, đòi hỏi các cấp công đoàn nỗ lực đổi mới tư duy, phương thức và nội dung hoạt động, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động.
Do vậy, CĐCTVN xác định các cấp công đoàn phải tập trung thực hiện ba khâu đột phá: Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên, người lao động; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm; Tăng cường nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Muốn vậy, CĐCDTVN sẽ tăng cường vai trò chủ động của Ban Chấp hành công đoàn các cấp; chỉ đạo, phân công trách niệm cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp bám địa cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin, trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở, cán bộ, đoàn viên và người lao động trong phạm vị quyền và trách nhiệm của từng cấp công đoàn.
Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện phần mềm quản lý đoàn viên; triển khai thẻ đoàn viên để thuận lợi hơn trong quá trình quản lý đoàn viên và thực hiện các thỏa thuận hợp tác phúc lợi đoàn viên đã ký kết… Tất cả với mục tiêu chăm lo tốt nhất lợi ích thiết thực của đoàn viên và người lao động ngành Công Thương.