Chuyển đổi mô hình kinh doanh không phải là câu chuyện của riêng ai và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không mà chắc chắn phải thay đổi. Nhưng chủ động chuyển đổi trên cơ sở ứng dụng công nghệ số sẽ tốt hơn, đỡ phải “vật vã” hơn khi bị dồn vào chân tường, buộc phải thay đổi.
3 năm tăng 4 lần
Công nghệ số đã tiếp sức cho các sản phẩm dịch vụ tài chính như: trí tuệ nhân tạo (AI), máy học thông minh (ML), công nghệ sổ cái phân tán (DLT - sổ cái được lưu trữ trên nhiều server khác nhau, cùng liên lạc với nhau để duy trì dữ liệu giao dịch mới nhất và cập nhật chính xác nhất), Blockchain, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs)…
Các dịch vụ này với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, đã làm thay đổi hàng loạt mô hình kinh doanh truyền thống. Trước hết là với ngân hàng. Ngân hàng Tiên Phong chuyển sang hoạt động theo mô hình tự động LiveBank; VPbank ứng dụng ngân hàng số Timo; Vietcombank chuyển sang ngân hàng số Digital Lab; Vietinbank, Sacombank, Habubank chuyển thành ngân hàng lõi corebank; Ngân hàng Quân đội ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội, Napas với dịch vụ số hóa thẻ nội địa...
Mặc dù đa dạng về hình thức, nhưng các mô hình chuyển đổi nói trên đều hướng đếnsử dụng công nghệ số thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng trực tuyến thông qua internet. Mọi hoạt động của khách hàng đều qua các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng, laptop. Nói cách khác, mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sẽ dần được chuyển dịch sang mô hình tích hợp các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Sử dụng công nghệ số, ngân hàng đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi của khách hàng. Đồng thời, công nghệ số còn giúp ngân hàng đơn giản hoá các quy trình, thủ tục, giấy tờ. Nếu như trước đây dùng quy trình giấy tờ truyền thống, có thể mất vài tuần, nhưng ứng dụng công nghệ số, việc trao đổi thảo luận tức thời tốt hơn, tiền và dịch vụ luân chuyển nhanh hơn, giảm khâu thủ tục giấy tờ và tính minh bạch cao cũng đem lại hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng có điều kiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất và không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tính bảo mật, an toàn thông tin cho ngân hàng. Sự thiết yếu của các kênh số, mạng xã hội trong cuộc sống hàng ngày cho phép các ngân hàng nhanh chóng tiếp cận hàng chục triệu khách hàng với chi phí tối thiểu.
Kết quả của khảo sát “Dịch vụ Ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) năm 2018, các giải pháp về ngân hàng điện tử đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp ngân hàng điện tử, tăng 4 lần so với 21% trong năm 2015.
Thách thức làm thay đổi
Vì sao các ngân hàng đồng loạt chuyển đổi sang mô hình ngân hàng số? Bởi hàng loạt dịch vụ tài chính công nghệ số đang thách thức mô hình kinh doanh truyền thống, có thể kể:
- Mobile Money: Sử dụng tài khoản di động để thanh toán tiền - hàng - dịch vụ rất khả thi trong tình hình hiện nay bởi hầu như tất cả người dân đều sở hữu điện thoại di động.
- Ví điện tử, có tên gọi khác là ví số, là một tài khoản online dùng để thanh toán các giao dịch trực tuyến phổ biến hiện nay. Chỉ cần sở hữu điện thoại thông minh hay laptop, mạng wifi và tài khoản thì có thể thực hiện các giao dịch một cách nhanh chóng dù bất kì nơi nào.
- Code: Thanh toán không cần dùng tiền mặt. Không cần thẻ. Chỉ cần quét mã QR bằng camera trên di động và nhập số tiền cần thanh toán, sau một tiếng “bíp” giao dịch được hoàn tất. Hệ thống sẽ tự động trừ số tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn bằng đúng số tiền cần thanh toán cho nhân viên thu ngân.
- Fintech: Cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup
Không chỉ có ngân hàng, nhiều mô hình kinh doanh truyền thống cũng buộc phải thay đổi khi công nghệ số xuất hiện. Uber và Grap buộc các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun, Taxi Long Biên... xây dựng các kho ứng dụng đặt xe dành cho smartphone. Không chỉ thế, taxi Mai Linh còn lấn sân sang mảng kinh doanh của đối thủ khi cho ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ với giá cước tương tự.
Với các nhà bán lẻ thì sao? Hiện tại, các nhà bán lẻ truyền thống có xu hướng kết hợp mở thêm cửa hàng trực tuyến cho khách đặt hàng. Nếu đi dọc các con phố Hoàng Quốc Việt, Phan Đình Phùng, Ngọc Khánh, Thái Thịnh hay Hoàng Văn Thái (Hà Nội) ta thấy vô số cửa hàng bán trái cây, thực phẩm, đồ gia dụng, mỹ phẩm… vừa là cửa hàng online, để khách hàng chọn mua sản phẩm trực tuyến thông qua các ứng dụng (app) trên thiết bị di động; vừa là cửa hàng thực (cửa hàng offline) để khách hàng cảm nhận trực tiếp sản phẩm.
Công nghệ số đang tạo ra quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh sẽ không chừa một doanh nghiệp nào, hộ kinh doanh doanh nào. Chuyển đổi không phải là câu chuyện của riêng ai và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không mà chắc chắn phải chuyển đổi. Nhưng chủ động chuyển đổi trên cơ sở ứng dụng công nghệ số sẽ tốt hơn, đỡ phải “vật vã” hơn khi bị dồn vào chân tường, buộc phải thay đổi.