Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2019 ước tính tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,4%; chế biến, chế tạo tăng 10,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%.
Tính chung 7 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,1%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7% (cùng kỳ năm trước tăng 12,9%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 48%; sản xuất kim loại tăng 40,6%; khai thác quặng kim loại tăng 16,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 12,9%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,4%; dệt tăng 11,1%.
Bên cạnh đó, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 3,2% (cùng kỳ năm trước tăng 17%); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 2,9%; sản xuất thuốc lá tăng 1,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,5% (khai thác dầu thô giảm 6,9%, khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1,6%); sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) giảm 5,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô tăng 57,1%; xăng, dầu tăng 45,1%; tivi tăng 23,9%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 16,4%; thức ăn cho thủy sản tăng 14,8%; sơn hóa học tăng 13,4%; điện thoại di động tăng 12,7% (điện thoại thông minh tăng 15,2%); thép thanh, thép góc tăng 12,3%; than sạch tăng 11,6%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 11,5%; bia các loại tăng 10,4%; điện sản xuất tăng 10,1%; ô tô tăng 10%.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo:
- Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2019 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,9% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2%;
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.059 triệu USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới;
- Trong 7 tháng có 24 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và hầu hết thuộc công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể: Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 27,3 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,9%; hàng dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, tăng 7,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16,4%...