Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ rất có tiềm năng và cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, nhưng hiện tại năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Tiềm năng và cơ hội lớn
Anh Nguyễn Duy Đức, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema) tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh - Hà Nội cho biết: Với thế mạnh là những dòng sản phẩm như công nghệ tấm, sơn tĩnh điện, khung giá đỡ…, Indema đang là đối tác cho nhiều doanh nghiệp trong nước và Nhật Bản, Hàn Quốc.
Công ty mới thành lập từ năm 2014 với khởi đầu với 14 con người, vài chiếc máy đơn giản trong nhà xưởng rộng vỏn vẹn 600m2, đến nay đã có 180 người lao động, mở rộng xưởng tới 34 nghìn m2. Từ doanh thu 6,1 tỷ đồng trong năm đầu tiên đến nay đã tăng lên 83 tỷ đồng/năm. Thực tế qua sự phát triển của công ty cho thấy, lĩnh vực công nghệ hỗ trợ vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội.
Đồng quan điểm này, anh Trần Anh Trung, Phó Chủ tịch Công ty NC Network Việt Nam chia sẻ, mong muốn mở rộng đối tác, tìm kiếm thị trường, tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất lớn là nhu cầu của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Hà Nội.
Thực tế tại Việt Nam, khoảng cách giữa yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu linh kiện, phụ tùng. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng là 36,64 tỷ USD, tăng hơn 11,4% so với 2018.
Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp với ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa đạt của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40 - 45%. Đối với ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%...
Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Samsung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Mới chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung.
Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, phát triển công nghệ hỗ trợ là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp thành phố Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về công nghệ hỗ trợ như điện - điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao.
"Trong bối cảnh khó khăn, thách thức của dịch COVID-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cần nhanh chóng biến nguy thành cơ, chủ động đón đầu các cơ hội, quảng bá, giới hiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm" - ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama cũng cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động vận hành, tìm hiểu, đổi mới quy trình để đáp ứng những yêu cầu rất tỉ mỉ, chính xác cụ thể về chất lượng của khách hàng. Để tạo được uy tín, phải “chuẩn” từng chi tiết: chuẩn chất lượng, chuẩn thời gian giao hàng. Từ đó, mới có những hợp đồng lớn, dài hạn, bền vững.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong các cơ quan quản lý đánh giá đúng tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, được tiếp cận các thông tin về đầu tư, chính sách, chương trình hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, thành phố cũng như các hiệp hội, nhất là các chương trình xúc tiến giao thương, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ…
Để tạo cú hích cho ngành công nghiệp hỗ trợ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghệ hỗ trợ. Nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra như: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghệ hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng;…
Bộ Công Thương được Chính phủ giao 13 nhiệm vụ cụ thể trong đó có xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giầy đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng 5 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng…