Nhận diện ngành chủ lực
Công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nổi bật trong đó là đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2025. Quyết định 68 tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu, gồm linh kiện; phụ tùng; nguyên vật liệu và phụ liệu; và vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng phục vụ công nghiệp công nghệ cao.
Số lượng các ngành công nghiệp hỗ trợ rất rộng, nên một số ngành chủ lực đã được Bộ Công Thương nhận diện để ưu tiên để hỗ trợ, bao gồm công nghiệp điện tử, ô tô, dệt may, da giày, năng lượng... Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có những dung lượng thị trường đủ sức hấp dẫn.
Ngoài ra, với xuất phát điểm chất lượng nguồn nhân lực thấp; nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật hiện chưa theo kịp với thực tiễn sản xuất. Do đó, bên cạnh việc xúc tiến, hỗ trợ mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp hỗ trợ; Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng đến đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Trong 2 năm, Bộ Công Thương phối hợp cùng Samsung đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Năm 2020, hai bên tiếp tục dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên chế tạo khuôn mẫu - lĩnh vực cốt lõi có vai trò thiết yếu trong tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.
Đồng thời, thành lập 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 2 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, và miền Nam; đang triển khai một Trung tâm tại vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung. 3 Trung tâm này được trang bị hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp về kỹ thuật, nhân lực, quản trị kinh doanh, làm chủ và đổi mới máy móc, kỹ thuật, công nghệ, với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ doanh nghiệp có thêm cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu.
Phát triển công nghiệp hạ nguồn
Những nỗ lực đó đã mang lại những chuyển biến mạnh mẽ. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đến nay, số doanh nghiệp CNHT phát triển lên trên 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.700 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy (chiếm gần 4,5% số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo); tạo việc làm cho hơn 700.000 lao động, với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh ước đạt gần 1 triệu tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới.
Tính đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD các sản phẩm dệt may, gần 70 tỷ USD các sản phẩm điện tử, linh kiện. CNHT trong nước đã có thể cung cấp phụ tùng linh kiện nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô, xe máy; phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị.
Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; linh kiện điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40%.
Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và Quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).
Nhưng quan trọng hơn, với hàng loạt chính sách ưu đãi và những hỗ trợ cụ thể, bước đầu đã tạo ra thị trường công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, là những ngành sản xuất lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh như điện tử, máy tính, điện thoại, xe máy, máy móc thiết bị và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng… Chính các ngành công nghiệp hạ nguồn là không gian rộng lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng.