Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với thói quen tiêu dùng. Trong bối cảnh mọi người sinh hoạt, làm việc tại nhà nhiều hơn thì những thói quen tiêu dùng trước đây như giao dịch trực tiếp đã chuyển thành những giao dịch từ xa, giao dịch qua mạng. Do đó công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng phải có những cách thức mới thích ứng với xu hướng này.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 19/3, bà Quỳnh Anh thông tin: Xương sống của tất cả các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời từ năm 2010 hiện đang được sửa đổi để phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của xã hội.
Theo đó, Luật sẽ được bổ sung trên cơ sở thống nhất với quy định của các luật khác hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong đó có những quy định về kinh sản xuất kinh doanh tiêu dùng bền vững; những quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người dân ở vùng cao; quy định bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa, giao dịch qua mạng xã hội…
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), xu hướng kinh doanh mới trên môi trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực. Tuy nhiên bên cạnh đó là những vi phạm như kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng thậm chí làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và môi trường đầu tư kinh doanh.
Từ thực tiễn công tác quản lý thị trường cho thấy, hiện nay các đối tượng chủ yếu tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng sản xuất tại nước ngoài, thông qua những kênh bán hàng như internet, facebook... để giao dịch với hành vi rất tinh vi nên rất cần có sự phối hợp của các các doanh nghiệp và các đơn vị khác phối hợp chặt chẽ để xử lý đúng đối tượng, hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý trường là tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử. “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng đề án về kiểm tra xử lý đối với các vi phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử, dự kiến ban hành trong năm 2022 để tổ chức triển khai thực hiện”, ông Huy cho biết.
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhận định: Bối cảnh mới gắn với những xu thế phát triển mới và yêu cầu mới của người tiêu dùng hiện nay như một cuộc cách mạng tiêu dùng, tạo ra chuyển biến về chất trong tiêu dùng.
Theo ông, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và cũng có nhiều thành quả trong công tác bảo vệ người tiêu dùng; từ hành lang pháp lý, cách thức triển khai các công cụ khác nhau để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó là nỗ lực của doanh nghiệp và tự thân người tiêu dùng với sự thay đổi cách sống, cách tiêu dùng. Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều việc cần quan tâm và làm tốt hơn nữa trong công tác này.
Đối với một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là thanh toán trong thương mại điện tử, theo TS.Thành, nhiều nước đã có Luật Bảo vệ tiêu dùng tài chính xử lý nhiều vụ việc liên quan đến thanh toán qua ngân hàng, tranh chấp về thiệt hại tiền bạc… Do đó Việt Nam cũng nên nghiên cứu xem xét Luật về bảo vệ tiêu dùng tài chính xử lý các vấn đề liên quan đến dòng tiền, dòng hàng...
Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, các hiệp hội ngành hàng… trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Đối với công tác thực thi của cơ quan nhà nước, bên cạnh việc xử lý các hành vi tiêu cực và công tác truyền thông, chúng ta nên quan tâm hơn nữa đến việc thúc đẩy những nhân tố tích cực để sự phát triển lấn át sự tiêu cực.
Mặt khác, trong bối cảnh cuộc sống không ngừng thay đổi, khoa học công nghệ cũng phát triển mạnh mẽ, ý thức của chính doanh nghiệp và người tiêu dùng thông thái là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.