Tham dự trực tiếp Lễ phát động tại Hà Nội sẽ có sự hiện diện của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Lãnh đạo UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Bình Dương, cũng như đại diện của Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, một số doanh nghiệp tiêu biểu của các tỉnh, thành phố này và khu vực lân cận.
Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, cùng các cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, do những tác động nghiêm trọng, phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19, năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế xã hội của đất nước nói chung, cũng như đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng.
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng và sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2021 đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương không ngừng được hoàn thiện, đồng thời, có sự hỗ trợ nhằm phát triển mạnh mẽ mạng lưới các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.
Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tại Bộ Công Thương đã được kết nối với trên 50% số tỉnh, thành phố để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng nghìn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước.
Hàng trăm ngàn người tiêu dùng có liên quan đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.
Hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp.
Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại Phiên họp tháng 10/2022.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2021 và trước bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
“Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường. Đồng thời, đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ kiến tạo, một môi trường kinh doanh - tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, hưởng ứng chủ đề nói trên, Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai hàng loạt hoạt động trong khuôn khổ Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 với nhiều điểm mới nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật đến người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tăng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ để các Chương trình trong năm 2022 được tổ chức thành công, hiệu quả, thiết thực.
Bên cạnh Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, Thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng từ ngày 11/3/2022 đến ngày 15/3, với quy mô 120 gian hàng tại Quảng trường Khu đô thị Royal City, 72 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân (tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm) được tổ chức tập trung nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng trong dịp này.