Phát biểu tại Hội thảo “Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và các đối tác có liên quan tổ chức mới đây, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD cho biết, công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương, số lượng vụ việc tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014-2020. Số cuộc gọi đến Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 do CT&BVNTD quản lý, vận hành năm 2020 đã tăng 23% so với năm 2019 và tăng 32% so với năm 2018. Trong đó, 89% cuộc gọi tới Tổng đài đã được tư vấn, hỗ trợ, tăng 63% so với năm 2019 và 91% so với năm 2018.
Tại các địa phương, trong các năm 2011-2012, việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng cơ bản chưa được tập trung. Do đó, số lượng vụ việc tại các tỉnh, thành phố chỉ khoảng 100 vụ việc/năm. Đến giai đoạn 2013-2014, số lượng vụ việc tăng lên khoảng 300 vụ việc/năm.
Giai đoạn 2015-2019 ghi nhận số lượng vụ việc được tiếp nhận và giải quyết tại các Sở Công Thương và UBND cấp huyện đã tăng lên trên 500 vụ/năm. Kết quả thống kê cũng cho thấy, trên 85% vụ việc gửi tới các cơ quan nhà nước tại địa phương đã được giải quyết thành công.
Đại diện Tổ chức GIZ đánh giá, những kết quả như vậy có được là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự chủ động và tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội và đặc biệt là ý thức của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng đã được nâng cao một cách đáng kể.
Tại Hội thảo, các diễn giả và khách mời đã thảo luận về 4 vấn đề chính cần tập trung liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ nhất, về cơ chế hỗ trợ hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các diễn giả và khách mời đã chỉ ra nhiều điểm bất cập trong thực trạng hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng nói chung cũng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng nói riêng, đồng thời đề xuất một số giải pháp có tính khả thi từ quy định pháp luật đến cơ chế hỗ trợ tài chính, cơ chế phối hợp và các cơ chế nhằm khuyến khích sự vào cuộc của toàn xã hội với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ hai, về vấn đề giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cho thấy, trong các phương thức giải quyết tranh chấp, thương lượng và hòa giải là những phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và thường xuyên được sử dụng, đặc biệt trong các tranh chấp tiêu dùng hàng ngày. Đối với vụ việc cần đưa ra tòa án thì cần đẩy mạnh việc áp dụng các thủ tục cần đơn giản, rút gọn để người tiêu dùng dễ tiếp cận và lựa chọn. Các đại biểu cũng kiến nghị sự cần thiết của việc hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp người tiêu dùng, trong đó có tính đến việc triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) và giải quyết tranh chấp xuyên biên giới.
Thứ ba, về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch cho vay tiêu dùng, các chuyên gia đồng tình với quan điểm cho vay tiêu dùng là hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân và liên quan đến nhiều khía cạnh khác của kinh tế, xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu vay tiêu dùng của người dân có sự gia tăng tỷ lệ thuận. Xu hướng thực tế này cũng đã được chứng minh qua việc tăng trưởng tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ tiếp cận những bước đi đầu tiên thông qua việc quy định và làm rõ đặc điểm, cơ chế hoạt động của cho vay tiêu dùng, trong khi đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch cho vay tiêu dùng còn nhiều khoảng trống, chưa theo kịp, chưa đáp ứng sự phát triển của thực tế.
Từ kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong các giải pháp chủ động, vừa thực hiện mục tiêu đảm bảo đời sống của người dân, vừa thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện nền tài chính quốc gia. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng sẽ tạo thêm công cụ hiệu quả để thực hiện giám sát hoạt động của các doanh nghiệp liên quan trên thị trường, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thứ tư, về nội dung trao đổi liên quan đến vấn đề hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin tổng quan nhất về một số kết quả trong công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung giai đoạn 2012-2021 cũng như một số vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, nhiều câu hỏi, phản ánh của các đại biểu đã được đại diện Cục CT&BVNTD giải thích, tư vấn cũng như chia sẻ thông tin.
Về phía mình, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, lấy ý kiến từ xã hội nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo Luật cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.