TÓM TẮT:
Với tư cách là một trong những thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) - Tổ chức xã hội bảo vệ NTD có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần giải quyết các tranh chấp tiêu dùng. Bài viết đưa ra khái niệm về tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD, phân tích vai trò của tổ chức xã hội (đặc biệt là Hội Bảo vệ NTD) trong việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng.
Từ khóa: người tiêu dùng, tổ chức xã hội, tranh chấp tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
1. Khái niệm về tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD
Cơ chế bảo vệ quyền lợi NTD là tổng thể các quy tắc xử sự về cách thức, biện pháp, yếu tố có mối liên hệ mật thiết với nhau nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NTD, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế[1]. Cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng là một hệ thống bao gồm 3 bộ phận cơ bản là: Thể chế, thiết chế và các biện pháp bảo đảm thực hiện. Nếu thể chế là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi, cách xử sự của các chủ thể trong quan hệ pháp luật tiêu dùng, thì thiết chế bao gồm Nhà nước và các tổ chức xã hội thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Như vậy, thiết chế đảm bảo cho thể chế được áp dụng và đi vào cuộc sống, nếu không có các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, những quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD chỉ tồn tại trên giấy, không được thực hiện trong thực tế[2].
Thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ NTD gồm các nhóm cơ quan chính sau:
- Cơ quan hành pháp, được giao nhiệm vụ thực thi các hoạt động nhằm bảo vệ NTD trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: thương mại, giáo dục, y tế, truyền thông, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường,...
- Cơ quan tài phán như tòa án nhân dân các cấp, bao gồm Tòa án Nhân dân cấp huyện, Tòa dân sự Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa dân sự Tòa án Nhân dân tối cao.
- Các tổ chức xã hội bảo vệ NTD như: Hội Bảo vệ NTD, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề…
Về mặt khái niệm, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm cụ thể về tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD. Có thể tìm thấy khái niệm này ở Nghị định số 69/2001/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD đã hết hiệu lực thi hành. Theo đó, “Tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD được xác định là tổ chức xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ, nghề nghiệp; là tổ chức đại diện để bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định của pháp luật”[3]. Tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD hoạt động trên các nguyên tắc: mọi hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD phải nhằm mục đích hỗ trợ hoặc đại diện cho NTD bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD không vì mục đích lợi nhuận và tuân thủ các nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật liên quan về hoạt động của các tổ chức xã hội[4]. Để làm rõ hơn đặc điểm của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, có thể so sánh tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD với các tổ chức xã hội khác. Theo đó, một trong những điểm nổi bật nhất của các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD đó chính là đối tượng bảo vệ. Các tổ chức xã hội khác thường được thành lập để bảo vệ quyền lợi của hội viên của mình, tuy nhiên, tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ bảo vệ quyền lợi của hội viên mà còn bảo vệ lợi ích của cộng đồng NTD và toàn xã hội.
Trong các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD thì hoạt động của Hội bảo vệ quyền lợi NTD là chủ yếu và có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Ở Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi NTD gồm: Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam – VINASTAS (từ năm 2018 tách ra thành Hội Bảo vệ NTD Việt Nam VICOPRO) và các Hội ở địa phương. Cụ thể:
Hội Bảo vệ NTD Việt Nam là tổ chức phi chính phủ về bảo vệ quyền lợi NTD duy nhất hoạt động trong phạm vi cả nước cho tới thời điểm hiện tại. VINASTAS được thành lập từ năm 1988 và chính thức triển khai công tác bảo vệ NTD từ năm 1990. Hội có bộ phận văn phòng do một chánh văn phòng thường trực quản lý, giúp lãnh đạo hội triển khai và quản lý các hoạt động, để thực hiện một số công việc cụ thể, và các tổ chức trực thuộc như: Câu lạc bộ Chất lượng, Câu lạc bộ Chống hàng giả và gian lận thương mại, Câu lạc bộ NTD nữ, Câu lạc bộ Nhà báo bảo vệ NTD…
Ngoài các tổ chức trực thuộc Trung ương nêu trên, Hội còn có những tổ chức trực thuộc là những tổ chức độc lập, có tài khoản riêng, sử dụng con dấu riêng như: Tạp chí NTD, Công ty dịch vụ Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Văn phòng khiếu nại của NTD; Trung tâm công nghệ bảo vệ NTD; Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng… Các tổ chức này góp phần quan trọng trong công tác thông tin, hướng dẫn cho NTD, làm cầu nối giữa Hội và NTD, giải quyết khiếu nại cho NTD, mang lại quyền lợi cho NTD, đồng thời phát hiện được những tiêu cực trên thị trường, lấy lại sự công bằng cho xã hội, làm cho thị trường vận hành lành mạnh hơn.
Tổ chức bảo vệ NTD ở địa phương, sau khi Hội Bảo vệ NTD Việt Nam được thành lập, một số Hội Bảo vệ NTD ở các tỉnh, thành phố cũng được thành lập. Giống như Hội Bảo vệ NTD Việt Nam, các hội địa phương hoạt động trong mọi lĩnh vực liên quan đến việc bảo vệ NTD, nhưng trong phạm vi địa phương. Tổ chức của các hội địa phương bao gồm những hội viên, tình nguyện viên, các chi hội trực thuộc hội tỉnh, thành phố. Một số hội địa phương có thành lập các văn phòng để giải quyết khiếu nại của NTD với những tên khác nhau như: Văn phòng Khiếu nại của NTD, Văn phòng Tư vấn và Khiếu nại của NTD; Văn phòng Thu thập ý kiến của NTD… Những hội chưa thành lập văn phòng khiếu nại của NTD nói chung đều có hoạt động giúp đỡ NTD trong những trường hợp bị xâm phạm, đối xử không công bằng…
Giải quyết khiếu nại của NTD chủ yếu được thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải giữa NTD và tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp không hòa giải được, những khiếu nại được chuyển cho các cơ quan chức năng giải quyết. Một số hội cũng có các tổ chức hỗ trợ như: Câu lạc bộ NTD nữ, Câu lạc bộ Chống hàng giả… Đến nay, có 61 Hội bảo vệ NTD ở địa phương được thành lập. Trong quá trình hoạt động, Hội bảo vệ NTD Trung ương và các hội ở địa phương thường xuyên có mối quan hệ phối hợp giúp đỡ lẫn nhau.
2. Vai trò của tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD và Hội Bảo vệ NTD
Với tư cách là một trong những thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD có những vai trò sau:
Thứ nhất, thực hiện và bảo đảm cho các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD được tuân thủ và tôn trọng trên thực tế. Hệ thống pháp luật đã quy định đầy đủ các quyền năng cho việc bảo vệ quyền lợi NTD, nhưng nếu không có các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, khó có thể đảm bảo cho các quy định pháp luật đi vào đời sống và thực thi những quyền năng của NTD. Điều này được chứng minh qua thực tiễn đảm bảo quyền lợi của NTD trong nhiều năm qua, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (Luật Bảo vệ quyền lợi NTD gọi chung là doanh nghiệp) thường nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD hơn khi tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD lên tiếng.
Thứ hai, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD như một địa chỉ tin cậy để NTD có thể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ và tìm kiếm sự bảo vệ quyền lợi của mình. Trong quan hệ tiêu dùng, một trong những đặc điểm nổi bật là sự yếu thế của NTD so với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ (doanh nghiệp). Để khắc phục phần nào sự bất cân xứng trong quan hệ tiêu dùng, vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD rất quan trọng trong việc tiếp thêm “sức mạnh” cho NTD bằng cách: tư vấn pháp lý, đại diện NTD khởi kiện, hỗ trợ tiếp cận với các cơ quan có thẩm quyền,…
Thứ ba, là tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD có vai trò giám sát sự vận hành của thị trường, giám sát cách ứng xử của các nhà sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Thông qua đó, vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD giống như cánh tay nối dài của hệ thống các cơ quan nhà nước và là một bộ phận quan trọng trong hệ thống thiết chế bảo vệ quyền lợi NTD. Các doanh nghiệp có thể không quan tâm đến quyền lợi của một vài NTD đơn lẻ, nhưng với sự hỗ trợ của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, bản thân các doanh nghiệp buộc phải có những chính sách, hành động tuân thủ pháp luật và tránh xâm phạm đến quyền lợi NTD. Bên cạnh đó, những vi phạm của doanh nghiệp đối với NTD sẽ dễ dàng bị đưa ra xử lý khi đặt dưới sự giám sát của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD.
Trong những vai trò trên, đáng chú ý là vai trò của tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi của NTD, thông qua việc Hội Bảo vệ NTD đại diện NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích của NTD. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội Bảo vệ NTD quy định rất rõ 5 nguyên tắc: 1. Tự nguyện, tự quản; 2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; 4. Không vì mục đích lợi nhuận. 5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội[5]. Trên cơ sở các nguyên tắc này, vai trò đại diện NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích của NTD của Hội Bảo vệ NTD trong các vụ việc tranh chấp tiêu dùng đã được Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 quy định. Đây là một trong những điểm tiến bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 so với Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD năm 1999.
Hội Bảo vệ NTD có quyền đồng thời có trách nhiệm đại diện NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng. Khi tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi NTD vì lợi ích công cộng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD có nghĩa vụ sau: (1) Thông báo thông tin về nội dung vụ án theo quy định tại Điều 44 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. (2) Đảm bảo quyền tham gia vụ án của những NTD có liên quan đến vụ án. (3) Chịu các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện. Trường hợp tổ chức xã hội đã thực hiện việc khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi NTD, các tổ chức xã hội liên quan có quyền và nghĩa vụ phối hợp với tổ chức xã hội đã khởi kiện để thu thập chứng cứ, cung cấp thông tin và các hoạt động khác liên quan đến quá trình tố tụng[6].
Như vậy, bên cạnh vai trò đại diện NTD khởi kiện trong các tranh chấp tiêu dùng, Hội Bảo vệ NTD còn cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Hội Bảo vệ NTD được quyền độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho NTD về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
Thực tiễn cho thấy, công tác của Hội Bảo vệ NTD tham gia giải quyết tranh chấp giữa NTD và cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tầm quan trọng vô cùng trong việc bảo vệ quyền lợi của NTD. Công tác tư vấn giải quyết khiếu nại là một trong những công tác trọng tâm của Hội Bảo vệ NTD, thu hút sự tham gia của cả hệ thống Hội Bảo vệ NTD từ Trung ương đến địa phương. Với tôn chỉ và mục đích hoạt động vì quyền lợi NTD, việc tham gia giải quyết tranh chấp giữa NTD và cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đã được Hội hết sức quan tâm, thực hiện nghiêm chỉnh, tận tâm, tận lực. Đặc biệt, Trung ương hội đã duy trì tốt hoạt động của Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại cho NTD tại một số địa bàn trọng điểm trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các Hội tỉnh, thành công tác này cũng diễn ra liên tục, ngày càng chuyên nghiệp, bám sát với tình hình địa phương. Một số tỉnh đã đưa công tác giải quyết khiếu nại NTD xuống tận các Hội, Chi hội cấp huyện để sát với NTD hơn, thuận tiện hơn cho NTD nông thôn và đạt kết quả đáng khích lệ. Hoặc một số Hội tỉnh duy trì đường dây nóng 24/24 tư vấn giải quyết khiếu nại, tạo điều kiện hết sức thuận tiện và nhanh chóng cho NTD[7]. Theo tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam, cả hệ thống Trung ương Hội và Hội tỉnh, thành đã giải quyết được tổng số 327 vụ, kết quả xử lý thành công 321 vụ, đạt tỷ lệ 98,17%.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Nguyễn Trọng Điệp (2015). Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cơ chế bảo vệ quyền của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay. Dự án Trung tâm nhân quyền, tr.35.
[2] Nguyễn Trọng Điệp (2015). Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cơ chế bảo vệ quyền của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay. Dự án Trung tâm nhân quyền, tr.36-38.
[3] Chính phủ (2001). Điều 14 Nghị định 69/2001/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999.
[4] Chính phủ (2011). Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ người tiêu dùng.
[5] Tham khảo thêm Điều lệ của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
[6] Điều 44, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
[7] Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2010). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
- Chính phủ (2011). Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ người tiêu dùng.
- Nguyễn Trọng Điệp (2015). Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (Dự án trung tâm nhân quyền). Cơ chế bảo vệ quyền của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay.
- Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (2018). Điều lệ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
- Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (2020). Báo cáo tổng kết công tác năm 2020.
THE ROLE OF SOCIAL ORGANIZATIONS WHICH PROTECT
CONSUMER RIGHTS IN RESOLVING CONSUMER DISPUTES
PHAM CONG THIEN DINH
Graduate Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
With the role of protecting consumer rights, consumer protection organizations, which are social organizations, play an extremely important role in resolving consumer disputes. This paper presents the concept of consumer protection organizations and analyzes the role of social organizations, especially the Consumer Protection Association, in settling consumer disputes.
Keywords: consumer, social organization, consumer disputes, Consumer Protection Association.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 15, tháng 6 năm 2021]