CPI tháng 9/2019 tăng do những nhóm hàng nào?

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước do các nguyên nhân chính.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước. CPI tháng 9/2019 tăng 2,2% so với tháng 12/2018 và tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 9 tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 3,15% làm CPI chung tăng 0,18% do trong tháng có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới.

CPI tăng
Nhóm hàng lương thực vẫn góp phần tăng CPI

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,56%, trong đó lương thực tăng 0,3% do giá gạo tăng ở một số địa phương bị ảnh hưởng của mưa lũ; thực phẩm tăng 0,76%.

Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,12%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09% do nhu cầu sắm sửa quần áo và giày dép cho năm học mới...

Tính chung quý III/2019, CPI tăng 0,48% so với quý trước và tăng 2,23% so với quý III/2018, trong đó giáo dục tăng 5,91%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,95%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,81%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 1,84%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,74%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,14%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,87%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,97%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là: giao thông giảm 1,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,59%.

CPI bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 2,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 9/2019 tăng 2,2% so với tháng 12/2018 và tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2018.

CPI
 Bình quân 9 tháng CPI tăng thấp nhất trong cùng kỳ so với các năm trước

 

Theo phân tích Tổng cục Thống kê, CPI 9 tháng năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu: Giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 20/3/2019 theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào dịp Tết và thời tiết nắng nóng trong quý II/2019 và quý III/2019 làm cho giá điện sinh hoạt 9 tháng năm 2019 tăng 7,69% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,18%.

Bên cạnh đó, các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 và Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế làm chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,36% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,13%). Chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,35% do một số địa phương điều chỉnh tăng học phí trong năm học mới...

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI như: Giá xăng dầu giảm 3,46%; giá gas giảm 5,97%; chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 0,55%...

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng khoảng 2,52% cùng kỳ năm trước nhưng là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm qua (năm 2017 là 3,79%, năm 2018 là 3,57%).  CPI vẫn tăng thấp hơn dự kiến do tác động của việc NHNN cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành, kiểm soát lãi suất cơ bản ở mức 1,91% trong 9 tháng. Thứ hai là giá xăng dầu giảm 2,9% so với tháng 8 làm giảm CPI 0,12%; giá gas, giá vận tải đường sắt giảm làm dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,22%; giá điện giảm 0,16%...

Riêng trong quý III, CPI so với tháng trước đều tăng. Tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng 0,4 - 0,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn thấp hơn dự báo tại phiên họp quý II, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Tuấn Hưng