Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa bám sát chỉ đạo của Trung ương và địa phương đã tập trung thực hiện việc chủ trì, phối hợp triển khai các kế hoạch, phương án kiểm tra chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, phù hợp với tình hình đặc điểm của ngành, địa bàn và đã đạt được một số kết quả khả quan, hạn chế được nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, góp phần tích cực ổn định thị trường.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa trong năm 2023, đơn vị đã kiểm tra 431 vụ; Vi phạm 278 vụ; Xử lý 299 vụ (trong đó xử lý 23 vụ do cơ quan khác chuyển giao) so với cùng kỳ, số vụ kiểm tra giảm 161 vụ, tỷ lệ giảm 27,19%; số vụ vi phạm giảm 62 vụ, tỷ lệ giảm 18,24%. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 4.096,043 triệu đồng, trong đó thu phạt hành chính 3.875,183 triệu đồng, bán hàng tịch thu 220,860 triệu đồng (so với cùng kỳ, số thu nộp ngân sách tăng 627,411 triệu đồng, tỷ lệ tăng 18,09%); đồng thời thu giữ một số hàng hóa trị giá 803,049 triệu đồng.
Trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, xử lý theo hình thức bán 173,773 triệu đồng; Trị giá hàng hoá là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý (ước tính) 627,971 triệu đồng; Trị giá hàng hoá vi phạm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ hoặc biện pháp khác 431,080 triệu đồng.
Ngoài ra, trong năm 2023 Cục QLTT Khánh Hòa cũng đã thanh tra đối với 03 cơ sở gồm Công ty TNHH MTV Vận tải Thương mại Huy Hoàng, Công ty TNHH Vĩnh Thành, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đức Việt. Qua thanh tra, Đoàn thanh tra phát hiện Công ty TNHH MTV Vận tải Thương mại Huy Hoàng sử dụng người quản ký không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đã xử phạt số tiền 45 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Cục QLTT Khánh Hòa đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Kết quả qua kiểm tra 213 cơ sở, phát hiện 28 trường hợp vi phạm không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có giấy phép bán lẻ rượu; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay và không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; cống rãnh thoát nước không được che kín; nơi chế biến, bảo quản có côn trồng, động vật xâm hại; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh…. Đã xử phạt số tiền 286 triệu đồng.
Đồng thời, gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động ký 383 bản cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng tăng giá bán không hợp lý, phát 61 tờ rơi tuyên truyền “Buôn bán, vân chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật” và 45 tờ rơi tuyên truyền “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số quy định mới về hoạt động thương mại điện tử”; dán 2.091 tờ áp phích tuyên truyền “Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu”.