Một trong những người nắm rõ “hậu trường” của hành trình này là GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Ông tâm sự với TT&VH:
- Mấy ngày nay tôi vẫn theo dõi diễn biến của hội nghị, ngày nào tôi cũng chờ tin. Tối hôm trước đã có tin rồi, nhưng tôi vẫn hồi hợp chờ đợi đến phút cuối cùng. Tôi biết khả năng thành công là nhiều, nhưng cũng không dám nói trước điều gì, bởi tình hình cũng không đơn giản. Và cuối cùng sáng 1/8 lúc 6h30 giờ Việt Nam, hồ sơ Hoàng thành Thăng Long đã được thông qua với sự đồng thuận rất cao. Và một con số rất đẹp nữa là Hoàng thành được ghi vào danh sách di sản thế giới thứ 900. Đây là tin vui cho tất cả.
Từ chỗ bị “hoãn lại” đến “cần công nhận ngay”
* Sao ông lại nói rằng để thành công “không đơn giản”, thưa giáo sư?
- Để có thành công này, chúng ta đã có một cuộc mà tôi gọi vui là “lật ngược tình thế”. Theo quy định của UNESCO sau khi thẩm định hồ sơ, họ xếp các hồ sơ vào 4 loại. Loại thứ nhất là những hồ sơ đề nghị công nhận ngay; Loại 2 - lùi lại sau thời gian ngắn; Loại 3 - hoãn lại để bổ sung, hoàn chỉnh và có thể để lâu hơn mới xét công nhận; và loại cuối cùng là loại 4 - không chấp nhận.
Hồ sơ của ta lúc đầu là xếp vào loại thứ 3 (hoãn lại) nhưng chúng ta đã giải trình được tất cả các vấn đề, kết hợp với sự vận động tại hội trường, cuối cùng đã đưa được từ loại 3 (hoãn lại) lên loại 1 (cần công nhận ngay), tức là vượt qua 2 bậc. Đây là một thành công rất rất lớn. Thành công này có đóng góp góp của các nhà khoa học trong nước và cả các nhà nghiên cứu quốc tế, và trực tiếp là của đoàn VN tại phiên họp của UNESCO.
* Ông có thể nói rõ hơn về cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục này?
- Hành trình đến với danh hiệu DSTG của hồ sơ Hoàng thành cho tới năm ngoái đã tiến triển rất tốt đẹp. Kết quả thẩm định tại chỗ của các chuyên gia của Trung tâm Quốc tế về Di tích và di chỉ (ICOMOS) - tổ chức tư vấn uy tín nhất của Uỷ ban DSTG của UNESCO gồm những chuyên gia hàng đầu thế giới - vào tháng 10 năm ngoài đã đánh giá rất tốt về Hoàng Thành, cho rằng đạt mọi tiêu chí của DSTG, và không yêu cầu bổ sung bất cứ điều gì vào hồ sơ.
Nhưng đến đầu năm nay, nhận được báo cáo thẩm định hồ sơ của ICOMOS chúng tôi hết sức sửng sốt; thậm chí các chuyên gia quốc tế yêu mến VN đã giúp chúng ta xây dựng hồ sơ Hoàng thành còn rất kinh ngạc. Báo cáo của họ một mặt họ đánh giá rất cao giá trị của khu di sản Hoàng thành. Mặt khác họ cũng nêu lên một số hạn chế như: Về quy mô, họ cho rằng quy mô như vậy là hẹp quá; về kết quả nghiên cứu khảo cổ cổ học, họ cho rằng chưa được mở rộng lắm, và đặc biệt trong khu lõi của di sản chưa được giải phóng mặt bằng hoàn toàn, vẫn còn các công trình xây dựng ở đây, và chưa thống nhất về mặt quản lý. Họ cũng nêu rằng khu bảo vệ xung quanh còn quá mỏng và nêu lên một số hạn chế về khoa học, đặc biệt là những khó khăn về bảo tồn khu di sản này.
Nhưng khi xem xét kỹ, thì rõ ràng ý kiến của ICOMOS về phương diện khoa học chưa cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học của ta. Báo cáo của họ không phủ nhận giá trị của Hoàng thành, nhưng đề nghị ta phải làm tốt một số yêu cầu thì sau đó sẽ tiếp tục được xem xét và công nhận sau. Cho nên lúc đó có tin đưa ra ở đây đó nói rằng hồ sơ Hoàng thành bị loại là sai. Hồ sơ Hoàng thành chưa bao giờ bị loại bỏ cả, nhưng nếu bị xếp loại 3 có thể bị hoãn lại (có thể là vài ba năm).
UNESCO không bao giờ “nhượng bộ” về tiêu chí
* Và chúng ta đã vượt qua bằng cách nào, thưa ông?
- Một mặt chúng ta phải giải trình về phương diện khoa học đối với tất cả những vấn đề họ nêu lên. Khu di sản Hoàng thành tuy hẹp nhưng là trung tâm của Cấm thành, cho nên có bề dày lịch sử văn hóa với 13 thế kỷ liên tục là trung tâm chính trị, trong đó trên 8 thế kỷ là thủ đô của nước Đại Việt trước đây và nước VN hiện đại. Diện tích tuy hẹp nhưng lưu giữ được những dấu ấn lịch sử văn hóa rất lâu dài. Và đặc biệt hội tụ được các tiêu chí mà UNESCO đặt ra với một DSTG...
Cùng với việc thuyết minh những giá trị trên, một mặt, chúng ta cũng cam kết thực hiện một số khuyến nghị của ICOMOS, trong đó có cam kết rằng khu di sản này sẽ được giải tỏa hết (các công trình) và được thống nhất quản lý. Và trên thực tế chúng ta đã làm được rồi. Trong tháng 6, một cuộc họp do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì đã yêu cầu các cơ quan còn ở trong vùng khu di sản phải di dời hết. Đồng thời chúng ta cũng cam kết, các công trình xây dựng mới không ảnh hưởng đến di sản... Ngay cả quy mô của di sản chúng ta cũng hứa sẽ nghiên cứu thêm đề xuất của ICOMOS, là khi đủ điều kiện thì mở rộng thêm khai quật khảo cổ học. Như vậy, kèm theo các giải trình về khoa học, chúng ta còn có một số cam kết của Chính phủ. Trên cơ sở đó, cuối cùng ICOMOS cũng đề nghị Ủy ban DSTG thảo luận và có ý kiến quyết định về vấn đề này. Đây là một cuộc vận động cả trên phương diện khoa học và ngoại giao trên một nền tảng là phải rõ ràng về khoa học. Bởi các tiêu chí này thì UNESCO không bao giờ “nhượng bộ”.
Cần mở cửa sớm để đón khách tham quan
* Từ hành trình đến với DSTG của Hoàng thành, ông có suy nghĩ gì về việc bảo vệ di sản này trong thời gian tới?
- Sau khi đươc công nhận DSTG, nhiều vấn đề sẽ được đặt ra và chúng ta phải triển khai. Trước hết là phải bảo tồn thật tốt, và phải mở cửa ngay để đón khách tham quan.
Thời gian này, khu vực Hoàng Thành Hà Nội có 4 điểm mở cửa thường xuyên, nhưng bên di chỉ khảo cổ Hoàng thành ở 18 Hoàng Diệu thì chỉ mở cửa định kỳ. Hiện nay,chúng ta đang tiến hành 2 dự án lớn và phải hoàn thành trong tháng 8 này. Dự án thứ nhất là tổ chức trưng bày các sưu tập tiêu biểu tại Hoàng Thành Hà Nội (trưng bày 150 hiện vật tiêu biểu nhất và 2 nhà trưng bày chuyên đề khoảng 700 hiện vật). Còn bên di chỉ 18 Hoàng Diệu thì đang ra sức tu sửa lại, một số điểm lấp cát bảo vệ, còn phần lớn các điểm là được bảo tồn ngoài trời, nhưng phải sửa sang mái che, và phải làm hành lang bên trên để du khách có thể tiếp cận với di sản. Ngoài trưng bày các hiện vật gốc tại hiện trường, còn có phần thuyết minh bằng video, và các hình ảnh phục dựng lại bằng công nghệ 3D để du khách hình dung được giá trị to lớn của di sản. Các công việc này đang làm rất khẩn trương, và chậm nhất là giữa tháng 9, di chỉ này sẽ mở cửa rộng rãi và phải phục vụ khách tham quan.
* Xin cám ơn ông.
Cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục
TCCT
“Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là di sản thế giới”, cái tin nhắn gửi về từ Brazil của TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản vào lúc gần 7h sáng qua - chỉ ít phút sau khi UNESCO chính