Cuộc chiến bảo vệ bờ mỏ ở Đèo Nai

Được thành lập tháng 8 năm 1960, suốt 45 năm qua, CBCN Công ty Than Đèo Nai đã đồng tâm nỗ lực khắc phục vượt qua mọi khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất bốc xúc được 193 triệu khối đất đá và

Đứng dưới bờ moong mức ± 0 công trường chính, chúng tôi nhìn hất ngược lên đỉnh đồi cao mức + 280 phía bờ trụ Nam thấy bầu trời cao thêm vời vợi. Trên khai trường các phân tầng ở khu Lộ Trí, khu vỉa chính từ phía Đông sang phía Tây và ở cả phía bờ trụ Nam này mọi cảnh vật ít diễn ra sôi động. Như đoán trước điều khách sẽ hỏi, kỹ sư Phạm Thế Phi, Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty đã vội giải thích: “Khu vực này là bờ mỏ, Công ty phải bảo vệ không để đất đá tụt lở làm ảnh hưởng sản xuất ở dưới moong”.

Với đặc điểm Đèo Nai đã có trên 100 năm “tuổi mỏ”, phạm vi ranh giới khai thác và đổ thải được giao quản lý chưa được mở rộng, khai trường hẹp, rất khó cho việc mở diện khai thác, do vậy, Công ty ngày càng phải triển khai khai thác xuống sâu. Cũng từ đây, vấn đề tụt lở bờ mỏ diễn ra mạnh mẽ và có tỷ lệ thuận với mức độ xuống sâu của mỏ. Nhìn theo hướng tay của kỹ sư Phạm Thế Phi, chỉ về phía bờ trụ Nam, chúng tôi nhận biết rõ cả một mảng đất đá hàng trăm ngàn khối từ trên cao đã trượt xuống sát với bờ moong. Các lớp đất đá ở đây dính kết yếu, khi có những trận mưa lớn, tốc độ dịch chuyển đất đá ở trên cao tụt lở càng nhanh hơn và nhiều hơn, dễ gây nguy hiểm cho thiết bị và người làm việc ở phía dưới. Để đảm bảo khai thác dưới sâu an toàn và đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài việc thành lập Ban “Chỉ đạo bảo vệ bờ mỏ” bao gồm các trưởng phòng ban chức năng, các quản đốc công trường, phân xưởng có liên quan và do đồng chí Phó Giám đốc sản xuất trực tiếp làm Trưởng ban, Công ty đã đầu tư xây dựng các công trình thoát nước ở phía trên, ngăn không cho dòng nước mưa chảy vào khu vực bờ mỏ đang tụt lở; bố trí các thiết bị cơ động, có tính năng kỹ thuật cao và những công nhân có tay nghề kỹ thuật vững cùng ý thức trách nhiệm thực hiện mở đường, khoan nổ mìn, bốc xúc chuyển đất đá, cắt tầng giảm góc bờ mỏ theo đúng tiến độ quy định. Công nhân các bộ phận khoan, xúc, vận tải ôtô làm việc ở các vị trí xử lý tụt lở bờ mỏ năng suất thường đạt thấp hơn rất nhiều so với các vị trí khác, Công ty kịp thời bổ sung thêm 10- 35% đơn giá khuyến khích để mọi người yên tâm bám “trận địa”. Công ty còn xây dựng phương án đề phòng và thủ tiêu sự cố, tổ chức cả diễn tập theo các tình huống giả định. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy trình kỹ thuật và kiểm tra giám sát an toàn chặt chẽ trong khi công nhân làm việc xử lý bờ mỏ tụt lở… Do vậy, qua các năm tiến hành xử lý đất đá tụt lở để giảm góc dốc bảo vệ bờ trụ Nam, Công ty chưa để xảy ra sự cố nào làm ảnh hưởng đến khai thác.

Trò chuyện với anh Nguyễn Hồng Quân, sinh năm 1965, thợ khoan bậc 7/7, tổ trưởng tổ máy khoan Tamrock, một thiết bị hiện đại với nhiều tính năng kỹ thuật cao, Công ty mới mua về đưa vào hoạt động giữa năm 2004, chúng tôi hiểu được thêm những gian khổ và tinh thần dũng cảm của thợ mỏ Đèo Nai trong cuộc chiến bảo vệ bờ mỏ. Anh Quân cho biết: Hoạt động trong vùng tầng bè tụt lở, đất đá không ổn định, ty khoan thường hay bị dắt kẹt vừa bị giảm thấp năng suất, vừa hại cả ty và mũi khoan. Những lúc như vậy, tổ đã áp dụng các phương pháp khoan hợp lý để đảm bảo tiến độ và đỡ hao tổn vật tư phụ kiện. Có những tảng đá “độc” độ cứng tới f14- 15 nằm cheo leo ở xa mặt tầng, không thể đưa máy vào được, Tổ đã kéo dây hơi vào và dùng búa khoan tay để xử lý…

“Khó khăn như vậy, tiền lương của tổ có bị thấp lắm không?”

“Không đâu anh ạ. Được Công ty quan tâm điều chỉnh bổ sung, lương bình quân mỗi người cũng được 2 triệu đồng/ tháng”. Anh Quân nhanh nhảu trả lời tôi như vậy.

Được biết, muốn giữ vững nhịp độ sản lượng khai thác ở mức 2,5 triệu tấn/năm, hàng năm, Đèo Nai phải thực hiện tốc độ xuống sâu lòng đất thêm 15 – 20 m, nên việc bảo vệ bờ mỏ ổn định luôn là vấn đề quan trọng có tính quyết định. Hiện tại, khai trường xuống sâu mới ở mức -10m, hàng năm, Công ty đã phải xử lý bốc xúc trên dưới 1 triệu khối đất đá tụt lở, nếu tính theo đơn giá bốc chuyển 1 khối đất đá đưa ra bãi thải là 25.000 đồng thì chi phí sản xuất phải “gánh chịu” thêm trên dưới hàng chục tỷ đồng mỗi năm của xử lý bảo vệ bờ mỏ. Điều này rõ ràng đã làm cho Công ty bị “tổn thất” mất một phần hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, trong tổng sơ đồ phát triển bền vững chung với ngành Than, “trận địa” khai trường của Đèo Nai trong những năm tới sẽ xuống sâu tới mức -170 m so với mặt nước thông thuỷ, khu moong 2K và moong vỉa chính sẽ thông nhập vào với nhau tạo nên đáy “lòng chảo” khai trường rộng tới hàng cây số vuông. Cùng với phải nỗ lực thực hiện các giải pháp tích cực để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, Công ty cũng phải có những giải pháp mạnh hơn với cuộc chiến bảo vệ an toàn bờ mỏ đã và đang tiếp diễn ngày càng căng thẳng theo nhịp độ tăng trưởng phát triển mới của mình.

Tuy vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khắc nghiệt, song với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ và danh dự vẻ vang của một doanh nghiệp Anh hùng, chúng tôi tin tưởng, CNCB Đèo Nai tiếp tục vững bước đi lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, trước mắt năm 2005 này sớm hoàn thành bốc xúc 16 triệu khối đất đá, khai thác 2,6 triệu tấn than và doanh thu 652,277 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CNCB Đèo Bai mong sớm nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học kỹ thuật mỏ và của lãnh đạo các ngành, các cấp những giải pháp bốc xúc đất đá, bảo vệ bờ mỏ an toàn tốt nhất để Công ty giành được các mục tiêu “An toàn – Năng suất – Chất lượng – Hiệu quả - Phát triển” cao nhất trong chặng đường tới.
  • Tags: