Đó là một cuộc chiến không giống những cuộc chiến thông thường. Xe tăng và tên lửa được thay thế bằng những tờ giấy bạc xanh. Đối đầu với nhau là những công ty sẵn sàng nuốt chửng nhau và ăn cắp bí mật của nhau.

Thẻ thông minh: Lợi thế không còn thuộc về Pháp và cái chết tức tưởi của hãng Gemplus.

Các nhà doanh nghiệp Pháp từng có một thời hết sức ngây thơ, mất cảnh giác trong cuộc chiến kinh tế do Mỹ và một số nước khác bí mật tiến hành ngay trên đất Pháp. Do đó, nhiều nghiên cứu, phát minh độc đáo trong các lĩnh vực sinh học, hàng không, y tế, xe hơi... đã bị đánh cắp, gây thiệt hại kinh tế rất to lớn. Trường hợp của Gemplus, công ty sản xuất thẻ thông minh hàng đầu thế giới, là một ví dụ điển hình.

Ông Marc Lassus, người sáng lập Công ty Gemplus, từng được Tạp chí Kinh tế Challenges xếp thứ 39 trong số những người giàu nhất nước Pháp vào năm 2001. Lúc đó, tài sản của ông ước tính vào khoảng 800 triệu euro (trên 1 tỷ USD). Cũng như nhiều nhà doanh nghiệp thành đạt khác, Marc Lassus sắm một chiếc du thuyền sang trọng được mệnh danh là “Tên lửa trên biển”, vỏ thuyền làm bằng sợi các-bon trị giá 12 triệu euro. Nhưng nhà doanh nghiệp Marc Lassus đã gặp rắc rối kể từ cuối năm 1999, khi ông mắc sai lầm rất lớn là đồng ý để cho Texas Pacific Group (TPG), một công ty đầu tư Mỹ mua lại 1/4 vốn của Gemplus. Gemplus luôn được coi là một doanh nghiệp ăn nên làm ra có tiếng ở Pháp, nên thương vụ này được đánh giá mang tầm cỡ “thế kỷ”. Không ngờ Marc Lassus đã làm một việc tối kỵ là “cõng rắn cắn gà nhà”. Những người Mỹ mới đến lập tức áp đặt lên Công ty này nhân viên của họ, phương pháp kinh doanh của họ. Một phần hoạt động của công ty được chuyển từ Pháp sang Geneva (Thụy Sĩ) và Luxembourg. Họ còn tìm cách chuyển được trụ sở hãng Gemplus về San Diego, bang California. Giờ đây, chỉ còn các phòng nghiên cứu của Gemplus chưa phải rời đi sang các nước khác. Trên thực tế, sau khi trụ sở chính của Công ty bị dời sang Luxembourg, Gemplus không còn là của Pháp. Chủ tịch hội đồng quản trị công ty hiện nay là một người Mỹ: Alex Mandl, một người mà ai cũng biết có quan hệ với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Riêng nhà sáng lập Công ty trong vòng có 2 năm đã trắng tay. Marc Lassus hiện đang mắc nợ 72 triệu euro khi cổ phiếu của công ty rớt dài thảm hại trên thị trường chứng khoán. Tận đáy lòng mình, ông thừa nhận mình đã hy sinh trên chiến trường kinh tế vì mất cảnh giác và ngây thơ.

Người Pháp thức tỉnh thì đã muộn. Họ nhận ra rằng, TPG của Mỹ thực hiện âm mưu phanh thây và cướp bóc công nghệ của Gemplus, nhưng trớ trêu thay, cách làm của người Mỹ lại được tiến hành một cách hoàn toàn hợp lệ. Thất bại đau đớn nhất cho Pháp là ở chỗ: sản xuất thẻ thông minh không phải là một lĩnh vực bình thường như các lĩnh vực khác. Nó mang tầm chiến lược rất quan trọng, vì trong lĩnh vực này, nước Pháp đi trước Mỹ khá xa. Thẻ thông minh vốn là sáng chế của ông Roland Moreno, người Pháp, được cấp bằng sáng chế năm 1974. Nhưng giờ đây, cái tên Gemplus không còn là niềm kiêu hãnh của Pháp, mà đã rơi vào tay người Mỹ. Trường hợp của Công ty Gemplus khiến DST - cơ quan tình báo Pháp, phải báo động. Bài học còn nóng hổi phơi bày ra trước mắt đã làm cho các doanh nghiệp Pháp biết thế nào là chiến tranh tình báo kinh tế ở Pháp.

Mặt trận tình báo kinh tế: Bất chấp thủ đoạn.

Năm 2001, Nghị sĩ Pháp Bernard Carayon từng soạn thảo một báo cáo chính thức về chiến tranh kinh tế, đề cập một mối đe dọa lớn là nước Mỹ. Tuy nhiên, hồi đó, không ai thèm chú ý đến nó. Mặc dù thỉnh thoảng, người ta có nghe phong thanh một vài vụ mất trộm bí ẩn nào đó, mà nạn nhân là những công ty hàng đầu của Pháp. Theo nghị sĩ Carayon, bây giờ đã đến lúc các nhà doanh nghiệp Pháp phải hết sức đề cao cảnh giác bởi không tuần nào không có một doanh nghiệp nào đó của Pháp trở thành nạn nhân của những hoạt động bất chính, thậm chí là hoạt động tội ác của người nước ngoài, nhằm cướp những bí mật công nghệ Pháp. Những vụ như thế không chỉ xảy ra trên đất Pháp mà còn xảy ra ở nước ngoài.

Một trong những vụ nổi đình nổi đám nhất là vừa qua, chi nhánh của Công ty Không gian và Phòng không châu Âu tại Bắc Kinh đã bị trộm hỏi thăm. Chúng mang đi nhiều máy vi tính chứa dữ liệu mật của máy bay siêu tải Airbus A380 và để lại hiện trường xác chết một nhân viên bảo vệ. Cơ quan phản gián Pháp liền mở một cuộc điều tra, vì đây là một hành động tội ác. Hầu như chắc chắn bọn trộm làm việc cho một đối thủ của tập đoàn Airbus. Là ai? Nhiều người nghĩ ngay đến cái tên Boeing, kình định số 1 của Airbus. Tuy nhiên, theo một điều tra viên Pháp, “có rất ít cơ hội tìm thấy bằng chứng”. Đơn giản bởi vì đây là một điệp vụ nhà nghề của tình báo kỹ thuật cao!

Cách đây 4 năm, Công ty SNECMA - nhà sản xuất động cơ máy bay nổi tiếng của Pháp - cũng từng bị một vố đau. Tháng 11/2001, hai bộ phận tối mật của càng hạ cánh máy bay sản xuất tại nhà máy Messier-Dowty, một trong những chi nhánh của SNECMA, ở Bidos, nam Đại Tây Dương đã bị mất cắp. Cuộc điều tra sau đó của DST tỏ ra vô vọng vì vụ án càng điều tra càng rắc rối, không có lối thoát. Đối với SNECMA, hồ sơ vụ án này coi như đã bị xếp xó. Hãng sản xuất săm lốp Michelin của Pháp cũng từng là một nạn nhân đáng thương. Từng có trường hợp một máy chế tạo lốp xe hơi mang tính cách mạng về kỹ thuật, bỗng đột ngột biến mất khỏi một nhà máy của hãng Michelin đặt tại châu Mỹ La Tinh. Kể từ đó, Michelin đã trở thành một trong những doanh nghiệp Pháp có ý thức cao nhất trong việc bảo vệ bí mật công nghệ của doanh nghiệp mình./.

 

  • Tags: