Nhắc đến miền Trung, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển đẹp và hoang sơ. Nói đến con người nơi đây, người ta sẽ nói đến sự mặn mà, chịu thương chịu khó. Dường như những tính chất ấy cũng được thể hiện trong ẩm thực vùng đất này: mặn, cay và đậm đà. Ngay cả các món bánh cũng vậy.
Hội An không chỉ có bánh hoa hồng trắng
- Bánh hoa hồng trắng
Nói đến ẩm thực Hội An, có thể nhắc đến bánh bao, bánh vạc. Hai loại bánh này có chung tên gọi là hoa hồng trắng. Chúng được làm từ bột gạo trắng với tạo hình hoa hồng tại nhà hàng Hoa Hồng Trắng, 533 đường Hai Bà Trưng, thành phố Hội An. Bánh vạc có thành phần chủ yếu là tôm, còn bánh bao là thịt heo cùng các loại gia vị địa phương. Theo người dân ở đây, nhiều người đã thử làm bánh hoa hồng trắng để bán nhưng bất thành vì không đúng vị. Từ đó, các cửa hàng, quán ăn tại Hội An đặt bánh tại nhà hàng Hoa Hồng Trắng và bán lại cho thực khách.
Mỗi chiếc bánh có giá gốc 3.000 đồng và từ 5.000-7.000 đồng tại những nơi khác.
- Bánh tráng đập
Một miếng bánh tráng nướng được trải lên trên lớp bánh ướt mỏng. Người ăn dùng tay đập nhẹ bánh ra từng miếng nhỏ rồi chấm với mắm nêm trộn với thơm cắt nhỏ và mỡ hành. Khu vực làng Cẩm Nam (trục đường chính Hoàng Diệu) là nơi tập trung nhiều quán bán loại bánh này. Mỗi cái bánh có giá 2.500 đồng.
- Bánh đậu xanh nhân thịt
Với hình vuông hoặc tròn, bánh được nén với lớp nhân thịt khô ở phía trong, tạo cảm giác vừa ngọt vừa mặn. Có hơn 50 cửa hàng bánh đậu xanh tại Hội An như lò bánh đậu xanh bà Trinh hơn 40 năm tại 62 Lê Lợi hay Tuyết Hạnh, 49 Nguyễn Thái Học. Một gói bánh 20 cái có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng.
- Bánh tổ, bánh xoài, bánh ú tro, phu thê…
Du khách cũng sẽ bắt gặp các gánh hàng rong và quán nhỏ ven đường bán các loại bánh xoài (tương tự bánh bao chỉ miền Nam), bánh phu thê (bột lọc), bánh ú tro (bột gạo), bánh lăn (bột nếp), bánh bò (bột mì), bánh ít lá gai (bột nếp), bánh tằm (khoai mì, củ sắn) hay bánh tổ (đường đen và nếp hương). Các loại bánh này có giá từ 5.000-0.000 đồng/cái.
Bánh Huế: Đủ mọi hương vị
- Bánh ram ít
Đây là món ăn được kết hợp từ bánh ram và bánh ít, và phải “kẹp” lại ăn mới đúng điệu. Vốn là món ăn từng được dùng trong cung đình Huế, bánh được làm từ bột nếp và nhân tôm tươi, thịt ba chỉ… Bánh được nhồi thật dẻo rồi chia thành hai phần, mỗi phần sau đó chia thành từng viên nhỏ trước khi cho nhân vào giữa. Một phần được hấp chín gọi là bánh ít, phần kia chiên vàng gọi là bánh ram. Một đĩa 6 cái có giá từ 30.000 đồng.
- Bánh gói, bánh nậm
Bánh gói, bánh nậm được làm từ bột gạo và bột năng hấp tôm, thịt, hành lá, nấm và gói trong lá dong hoặc lá chuối. Điểm khác biệt giữa hai loại bánh là hình dáng. Bánh gói có hình trụ lục giác trong khi bánh nậm được cán dẹp hình chữ nhật. Cách ăn để nếm trọn hương vị của bánh: Mở gói bánh, chan nước mắm trực tiếp vào gói bánh và ăn, không cần dùng đĩa đựng. Một đĩa 6 cái bánh nậm có giá từ 30.000 đồng.
- Bánh bèo, bột lọc, bánh xèo
Bánh bèo chén Huế được làm từ bột gạo và ăn cùng tôm cháy, hẹ phi và da heo chiên giòn. Một khay 20 chén có giá từ 30.000 đồng.
Bánh bột lọc có hai loại mặn, ngọt. Bánh mặn có nhân tôm, thịt ba chỉ thái nhỏ, còn bánh ngọt có nhân đậu xanh và được gói lá. Bánh có giá 5.000 đồng/cặp.
Bánh khoái có hình dạng giống bánh xèo nhưng nhỏ, dày và giòn hơn, được làm từ bột gạo xay với trứng gà, bột nghệ. Nhân bánh được chế biến từ giá đỗ, giò, tôm và đôi khi là cá kình. Bánh có giá 25.000 đồng/cái.
Một số địa chỉ bán bánh tại thành phố Huế: O Lé, Kiệt 104, Kim Long (bánh nậm, bánh lọc, bánh ram ít); Bà Đỏ, 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm (bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc); Bà Cư, 107 Nguyễn Huệ (bánh bèo); Hạnh, 11 Phó Đức Chính (bánh khoái).
Quảng Bình: Không thiếu bánh ngon
- Bánh xèo Quảng Hòa
Bánh được làm từ gạo lức, khi chiên lên có hoa văn nổi đều và ăn cùng cá chuối, nộm, rau sống, bánh tráng và nước chấm. Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Cá chuối thực ra là chuối sứ được ngâm với phèn hoặc chanh rồi cắt nhỏ, luộc và uốn thành hình con cá. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối rồi kẹp vào bánh tráng.
Bánh bột lọc: làm từ bột sắn lọc hấp với tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị địa phương. Tôm dùng cho bánh là loại nhỏ ở cửa sông. Bánh ăn cùng với nước mắm.
Một số địa chỉ bán bánh tại TP Đồng Hới (Quảng Bình): Tứ Quý, 17 Cô Tám; Cubê Cutê, 35 Lê Thành Đồng; Mệ Xuân, 15 đường Lê Thành Đồng.