Tết Hàn thực, kể chuyện về những món bánh đặc trưng
06/04/2019 lúc 16:30 (GMT)
TCCTTháng ba về, cùng với cái rét ngọt cuối cùng của mùa đông, người ta lại nhớ đến Tết Hàn Thực (3/3 Âm lịch). Và trong ngày tết đặc biệt này, món bánh trôi, bánh chay đã trở thành tâm điểm của đường phố Hà Nội.
Có lẽ vì thế mà nhiều người đơn giản gọi đây là “Tết bánh trôi, bánh chay”.
Theo nghĩa chữ Hán “hàn” là lạnh, “thực” là ăn. “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang màu sắc riêng, đậm bản chất Việt. Vào dịp này, nhiều người dù đi đâu xa cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ và cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình.
Cuộc sống bề bộn, không còn mấy ai bỏ công hì hục nặn bánh, lấy chuyện xem bánh chìm nổi là cái thú nữa. Với một số tiền không lớn (10.000-15.000 đồng) là có thể mang về những đĩa bánh trôi, bánh chay ngon lành.
Những ngày này, khu vực chợ Hôm và phố cổ trở nên nhộn nhịp hơn từ sáng sớm. Có rất nhiều cửa hiệu làm bánh nổi tiếng ở Ngô Thì Nhậm, Hàng Điếu... khách xếp hàng dài để mua được bánh. Nhà hàng phải tăng lượng người làm, người bán mà vẫn không đủ bánh để phục vụ khách.
Nhưng ở đâu đó có những người vẫn vội vã về nhà để tự tay làm cho gia đình những đĩa bánh trôi, bánh chay thơm ngọt, với vị nếp nồng ấm, vị ngọt đường thanh. Cái phong vị ngày Tết Hàn thực, cái hương nếp nồng nàn, vị ngọt đậm đà, béo ngậy vẫn còn tròn đầy trong cuộc sống hối hả hôm nay.
Có người cho rằng, bánh trôi ở Hà Nội mang hương vị riêng, khác hẳn bánh nơi khác, vì có sự kết hợp giữa vị bùi bùi của đỗ, dẻo dẻo, thơm thơm của nếp với mùi thơm của hoa bưởi lẫn với bột sắn dây.
Ngày nay, bánh trôi, bánh chay không chỉ đơn thuần có một màu trắng, mà nó đã được biến tấu với rất nhiều màu sắc hấp dẫn, thú vị mà người ta vẫn thường gọi bánh trôi ngũ sắc.
Bên cạnh hai món loại bánh trôi, bánh chay phổ biến, một số tỉnh thành miền Bắc còn làm bánh quả nhót cho dịp Tết Hàn thực. Đúng như cái tên, viên bánh được nặn hình như quả nhót rồi luộc lên như bánh trôi.
Bánh nhót không có nhân nên tại một vài nơi sau khi luộc chín, bánh sẽ được xào qua với mật hoặc dính thêm vài hạt lạc bên ngoài bánh. Bánh quả nhót lạ miệng, dai dai, ngọt mát lại thơm thơm mùi vừng vô cùng hấp dẫn.