Theo đó, các ngành đào tạo thạc sĩ đạt chuẩn quốc gia được Trung tâm KĐCLGD – Đại học Quốc gia Hà Nội trao giấy chứng nhận KĐCLGD gồm: Kỹ thuật Điện tử; Hệ thống thông tin, Quản trị kinh doanh; Kỹ thuật cơ Điện tử; Công nghệ dệt, may và Ngôn ngữ Anh.
Với 06 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ được chứng nhận KĐCLGD, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành 1 trong 10 trường đại học có chương trình kiểm định chất lượng sau đại học cao nhất cả nước.
Bảo đảm và Kiểm định chất lượng là xu thế khách quan hiện nay, đặc biệt là với những trường đại học đã tự chủ, rất cần sự đánh giá khách quan, minh bạch của những tổ chức kiểm định chất lượng động lập. Đây là điều kiện quan trọng, khẳng định chất lượng đào tạo, giúp Đại học Công nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, ghi tên mình trên bản đồ giáo dục đại học thế giới.
Phát biểu tại buỗi Lễ, TS.Tạ Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm KĐCLGD - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong hoạt động KĐCLGD, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT để hỗ trợ quá trình kiểm định triển khai linh hoạt và thuận tiện. Quá trình hướng đến chất lượng toàn diện và xây dựng văn hóa chất lượng đã được thể hiện thông qua rất nhiều hoạt động tại Nhà trường “ Nhà trường đã trải qua các thủ tục chặt chẽ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định các qui trình và đánh giá của Hội đồng KĐCLGD. Trung tâm ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm của Nhà trường và các đơn vị trong thời gian vừa qua”. TS.Tạ Thị Thu Hiền cho biết.
Với những thành tưu đã đạt được, đặc biệt là sự lựa chọn nâng cao chất lượng thông qua đảm bảo chất lượng và Kiểm định chất lượng để phát triển, TS. Tạ Thị Thu Hiền cho rằng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, thực hiện các khuyến nghị đã nêu trong Nghị quyết của Hội đồng KĐCLGD và của Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài để Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không ngừng phát triển theo mục tiêu đã xác định “Trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh, đạt tiêu chuẩn quốc tế trong một số lĩnh vực then chốt, là sự lựa chọn hàng đầu của người học, cộng đồng và doanh nghiệp”.
TS. Kiểu Xuân Thực - Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ lời cảm ơn đến Đoàn đánh giá cũng như Trung tâm KĐCLGD - Đại học Quốc gia Hà Nội và khẳng định Nhà trường luôn chú trọng thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện ở tất cả các chương trình của Nhà trường, đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội để từng bước khẳng định giá trị thương hiệu của Nhà trường. Những kết quả và góp ý của Đoàn đánh giá là tham chiếu để Nhà trường vượt qua khó khăn thách thức và định vị đúng thương hiệu của mình và hướng phát triển trong tương lai.
“Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp, với đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ và yêu nghề, ĐHCN Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm là đại học định hướng ứng dụng hàng đầu, là cái nôi để “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực” và Nhà trường – nơi có những chuyên gia giỏi, những người thầy mẫu mực, trong môi trường Sáng tạo, chủ động, tích cực và hội nhập - sẽ tiếp tục thu hút và là niềm tự hào của học viên, sinh viên”. TS. Kiều Xuân Thực nhấn mạnh.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn khẳng định vị trí của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên thế giới, là trường đại học đa ngành, đào tạo đa cấp bậc, với sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhà trường không ngừng nỗ lực để phát triển các phương thức đào tạo đa dạng và linh hoạt về không gian và thời gian, ứng dụng tri thức mới trên thế giới, hướng đến hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế.
KĐCLGD là một có chế giúp Nhà trường có giải pháp cụ thể để cải tiến, nâng cao chất lượng trong quản trị, điều hành và đảm bảo chất lượng mọi mặt hoạt động nhằm thực hiện sứ mệnh và mục tiêu chiến lược. Giấy chứng nhận KĐCLGD là dấu mốc quan trọng, là động lực để Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp tục cải tiến chất lượng, có những giải pháp mang tính đột phá để tiếp tục nâng chất lượng và thương hiệu của Nhà trường lên tầm cao mới.
Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu đổi mới và phát triển Đại học Công nghiệp Hà Nội, với 15 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc gia, nâng tổng số chương trình đạt kiểm định lên 33/66 chương trình đào tạo.
Quốc tế hóa giáo dục không chỉ là xu thế mà còn là một yêu cầu tất yếu để phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo. Trước thách thức đó, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã không ngừng cải tiến, đổi mới và đạt được chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn ABET, Hoa Kỳ đối với các chương trình đào tạo ngành CN kỹ thuật Cơ khí, CN kỹ thuật Ô tô, Khoa học máy tính, CN kỹ thuật Điện tử viễn thông, CN kỹ thuật Điện - Điện tử. Đây là một dấu mốc quan trọng hiện thực hoá mục tiêu phát triển Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành đại học ứng dụng đa lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế.
Trong không khí tưng bừng phấn khởi chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại học Công nghiệp Hà Nội vinh danh các thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu năm học 2023 - 2024 và tri ân nguyên lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ. Theo đó, năm học 2023 - 2024 Đại học Công nghiệp Hà Nội có 1 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND, 3 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT, 1 nhà giáo được vinh danh NGTB, 3 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh PGS; 213 VC, NLĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 290 VC, NLĐ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 06 nhà giáo tiêu biểu cấp trường; nhiều thầy cô giáo và SV đã đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu, ghi tên mình vào bảng thành tích của Trường, của Bộ, Ngành, của quốc gia.
Năm học 2023-2024 là năm học ghi dấu mốc quan trọng trong phát triển văn hóa chất lượng, trong đổi mới mô hình quản trị và thực hiện tự chủ, và tạo sự chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nhà trường tuyển sinh hơn 9.000 NCS, học viên, sinh viên. Chất lượng đào tạo được nâng cao, trong đó có thêm 15 chương trình đạt kiểm định quốc gia và đặc biệt có 5 chương trình đạt kiểm định theo tiêu chuẩn ABET, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó Nhà trường cũng mở mới nhiều chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội như: An toàn thông tin, Bán dẫn; các chương trình đào tạo từ xa, đào tạo bằng Tiếng Anh; … phù hợp với sự phát triển bền vững và hội nhập.
Hoạt động khoa học công nghệ có bước phát triển vượt bậc cả trong với hàng nghìn công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, hàng trăm công bố quốc tế uy tín, hàng nghìn sáng kiến cải tiến, ứng dụng thực tiễn đã mang về cho Nhà trường danh tiếng, vị thế về học thuật và cả giá trị về kinh tế.
Hoạt động Hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế phát triển sâu rộng, mang lại nhiều cơ hội việc làm, thực tập cho sinh viên ở trong nước và nước ngoài. Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 1 năm đạt trên 94%. Năm học 2023-2024 đã thu hút trên 30 tỷ đồng từ doanh nghiệp tài trợ trang thiết bị, học bổng, lương thực tập cho sinh viên.
Cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường, điều kiện dạy - học và nghiên cứu luôn được chú trọng đầu tư, mở rộng cơ sở 1 thêm gần 2 hecta giúp Nhà trường mở rộng không gian phát triển, cải thiện điều kiện học tập, làm việc. Nhà trường triển khai các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, đầu tư cho đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Đặc biệt, quản trị đại học đã và đang đổi mới mạnh mẽ với chiến lược chuyển từ quản lý sang quản trị, tái cấu trúc tổ chức bộ máy, thành lập 3 trường là Trường Ngoại ngữ, Du lịch; Trường Cơ khí Ô tô; Trường Kinh tế và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thành lập trường Điện-Điện tử; Trường Công nghệ thông tin và truyền thông vào đầu năm 2025, chuẩn bị đủ các điều để chuyển đổi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội vào cuối năm 2025. Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, việc triển khai hiệu quả tự chủ đại học đã thúc đẩy sự tích cực, chủ động và tư duy đổi mới trong toàn trường, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động.