Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Phước và Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan; Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng; cục trưởng một số cục thuộc Bộ Công an, vụ chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lương Tam Quang thông tin, thời gian qua, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm nhằm gây mất an ninh, trật tự, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng Tây Nguyên.
Chính phủ tổ chức hội nghị nhằm thống nhất nhận thức, đề ra các giải pháp tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhiều giải pháp đột phá, chưa có tiền lệ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực phát triển đối với Tây Nguyên và bảo đảm an ninh, trật tự vùng Tây Nguyên, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Tại hội nghị, Trung tướng Phạm Thế Tùng - Thứ trưởng Bộ Công an đã báo cáo khái quát về các kết quả đã đạt được thời gian qua; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, nguy cơ, yếu tố tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự và xác định quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, 6 nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước.
Để tạo nền móng vững chắc phát triển Tây Nguyên tương xứng với tiềm năng, lợi thế, củng cố bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương xác định bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân, trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm chính, toàn diện và trước hết.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, muốn giữ vững an ninh, trật tự thì căn cơ nhất là người dân phải có cuộc sống ấm no; cốt lõi của bảo vệ an ninh, trật tự là đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, không để ai bị bỏ lại phía sau; sức mạnh của bảo vệ an ninh, trật tự là sức mạnh lòng dân, sức mạnh của nhân dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng.
Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó lấy phát triển là nguồn lực, cảm hứng để giữ vững an ninh, trật tự Tây Nguyên, đồng thời giữ vững an ninh, trật tự để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát không để ai bị bỏ lại phía sau, giải quyết vấn đề di cư tự do, tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; kiên quyết không hy sinh vấn đề an sinh xã hội, môi trường để tăng trưởng đơn thuần, phải có giải pháp cụ thể bảo đảm đời sống của người dân năm sau cao hơn năm trước; hệ thống chính trị phải trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không để đột xuất, bất ngờ về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Với tinh thần "Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước", Thủ tướng Chính phủ mong đợi và tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, phụ cận với khí thế, động lực mới vượt qua khó khăn, thách thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự thời gian tới.
Chiều cùng ngày, tại thành phố Đà Lạt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng về để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, những tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu, cùng với 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nhân lực) mà Đảng, Nhà nước đã xác định, thời gian tới Lâm Đồng tập trung thực hiện 3 đột phá mang tính đặc thù với địa phương.
Thứ nhất, đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp là hai lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn.
Thứ hai, đột phá phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí.
Thứ ba, dành thời gian nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi để huy động mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp để phát triển nhanh bền vững, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu.
Cũng trong chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ tiếp nhận ủng hộ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.