Trước buổi làm việc với Công ty Điện lực Ninh Thuận (PC Ninh Thuận), đoàn công tác Bộ Công Thương đã đi kiểm tra thực tế 2 công trình điện mặt trời mái nhà tại 1 trang trại chăn nuôi và 1 nhà máy chế biến thủy sản.
Theo ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, như Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 hay Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Căn cứ các quy định của Quyết định 13, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, trong đó có các quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà.
Ngày 22/9/2020, Bộ Công Thương ban hành văn bản số 7088/BCT-ĐL hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà, nhằm dẫn chiếu một số khái niệm và hướng dẫn cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến thực thi Quyết định 13. Sau khi Bộ Công Thương có thông báo hướng dẫn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có Công văn 6948/EVN-KD ngày 19/10/2020 hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.
Bộ Công Thương cho rằng, sau khi đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, cần làm rõ các thuận lợi và vướng mắc trong quá trình triển khai tại địa phương, kể cả liên quan đến quy định, chính sách và việc tổ chức thực hiện của các đơn vị điện lực, từ đó đánh giá, tiếp thu và hoàn thiện nhằm khuyến khích điện mặt trời mái nhà phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu cung ứng điện cho cả nước.
Đặc biệt, đoàn công tác Bộ Công Thương cũng muốn lắng nghe những phản ánh, ý kiến thực tế của các chủ đầu tư, các khách hàng về thực tiễn triển khai dự án điện mặt trời mái nhà.
Phát triển mạnh mẽ
Báo cáo tổng quát của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, toàn Tổng công ty đã phát triển được 15.579 khách hàng điện mặt trời mái nhà; với tổng công suất tấm pin lắp đặt là 711 MWp.
Sản lượng điện mặt trời mái nhà khách hàng phát lên lưới trong 9 tháng đầu năm là 250.699.266 kWh. Trung bình hàng tháng EVN SPC nhận điện từ năng lượng mặt trời mái nhà trên 56 triệu kWh. Sản lượng thanh toán tiền mua điện mặt trời mái nhà trong 9 tháng đạt 171.607.706 kWh; số tiền đã trả cho khách hàng là 360.498.903.300 đồng.
Riêng tại tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, Điện lực đã lắp đặt công tơ hai chiều và ký hợp đồng cho 1.415 khách hàng, với tổng công suất hòa lưới là 78,892 MW, tổng sản lượng phát lên lưới ngành điện là hơn 27,230 triệu kWh.
Lũy kế đến ngày 23/10/2020, PC Ninh Thuận đã thống nhất thỏa thuận đấu nối cho 3.340 khách hàng có hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện trung và hạ áp trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 304,5MW. Còn 1.340 khách hàng đã thỏa thuận đấu nối nhưng chưa đưa vào vận hành, với công suất đấu nối là 183 MW.
PC Ninh Thuận đã lắp đặt công tơ hai chiều cho 2.000 khách hàng, với tổng công suất hòa lưới là 121,562 MW, tổng sản lượng phát lên lưới ngành điện là hơn 110,347 triệu kWh. Trong đó, số lượng khách hàng đã ký hợp đồng và thanh toán tiền điện là 1.989 khách hàng, với tổng công suất hòa lưới là 112,458 MW.
Số lượng khách hàng đã gắn công tơ hai chiều để nghi nhận sản lượng nhưng chưa ký hợp đồng thanh toán tiền điện là 11 khách hàng, với tổng công suất hòa lưới là 9,104 MW, tổng sản lượng phát lên lưới ngành điện là hơn 8,197 triệu kWh.
Tiềm năng phát triển lớn như vậy, nhưng PC Ninh Thuận cho biết hiện nay tất cả các trạm biến áp 110/22kV trên địa bàn tỉnh đã đầy tải, có tính đến trường hợp công suất phát của các hệ thống điện mặt trời mái nhà chuyển tải về trạm 110/22kV và trừ đi phụ tải sử dụng. Do đó, Công ty đã tạm dừng tiếp nhận các đề nghị của khách hàng dự định đấu nối đầu tư các hệ thống điện mặt trời đấu nối vào lưới điện 22kV trên địa bàn tỉnh (qua các trạm biến áp chuyên dụng đầu tư mới).
Đối với các khách hàng có nhà ở hiện hữu và đã có hợp đồng lắp đặt hệ thống công tơ điện, PC Ninh Thuận thống nhất thỏa thuận đấu nối vào lưới điện hạ áp hiện hữu cho mỗi vị trí mái nhà đang ở được lắp đặt từ 5kW-30kW/khách hàng tùy thuộc vào khu vực.
Đây cũng là vấn đề chung của khu vực miền Nam khi toàn EVNSPC có 154 đường dây trung thế và 300 trạm hạ thế đã hết công suất đấu nối, dẫn đến 542 dự án đã đăng ký với công suất là 533.896 kWp nhưng chưa được thỏa thuận đấu nối do không giải toả được.
Tháo gỡ vướng mắc
Tuy nhiên, đại diện EVNSPC và PC Ninh Thuận đều cho biết đang gặp khó một số điểm trong quá trình triển khai, liên quan đến thủ tục giấy tờ về bổ sung ngành nghề sản xuất điện mặt trời trong giấy đăng ký kinh doanh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay chi phí đầu tư, lắp đặt công tơ đo đếm.
Cụ thể, đại diện hai chủ đầu tư đang phối hợp với nông dân địa phương thuê trang trại chăn nuôi để phát triển điện mặt trời mái nhà cho biết, PC Ninh Thuận đã hỗ trợ nhiệt tình và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án, tuy nhiên gặp khó ở thủ tục cam kết chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác theo đúng quy định về hồ sơ.
Các chủ đầu tư đều hy vọng sẽ sớm giải quyết vấn đề này để đấu nối trước 31/12/2020 nhằm hưởng mức giá mua điện cố định cho các dự án điện mặt trời (giá FIT 2).
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, những thủ tục này đều là thủ tục mà chủ đầu tư và doanh nghiệp cần phải tuân theo để đảm bảo đúng mọi quy định pháp luật.
Song, cũng có một số phản ánh của khách hàng về việc dù ký hợp đồng đã 2-3 tháng nhưng vẫn chưa được lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng, Sở Công Thương cho biết.
Vấn đề này, theo EVNSPC và PC Ninh Thuận, là do sự phát triển nhanh chóng và khó lường của điện mặt trời mái nhà thời gian qua dẫn đến không kịp bổ sung số lượng thiết bị công tơ lắp đặt cho khách hàng mới. EVNSPC đã khẩn trương đặt hàng thêm, đồng thời luân chuyển và phân bổ lại hợp lý giữa Điện lực các tỉnh, thành phố trong khu vực để đảm bảo phục vụ khách hàng.
Đáng chú ý, ngành Điện cho rằng một vướng mắc nữa nằm ở việc xác định đúng dự án điện mặt trời mái nhà để phân biệt với điện mặt trời nối lưới. Đây cũng là vấn đề mà các chủ đầu tư đang gặp phải, theo phản ánh tại buổi làm việc.
Có trường hợp 10 chủ đầu tư tại dự án trang trại nông nghiệp hữu cơ 30ha đã tiến hành đầu tư 10 dự án điện mặt trời 1 MW, đã ký thỏa thuận đấu nối với Điện lực và lắp công tơ đo sản lượng, tuy nhiên chưa được ký hợp đồng mua bán điện.
Điều cần nói là, doanh nghiệp đầu tư thi công dự án vào tháng 8/2019, sau khi Quyết định 11 hết hiệu lực (31/6/2019), nhưng Quyết định 13 chưa được ban hành (6/4/2020). Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng cho rằng thời điểm này dẫn đến việc áp dụng tiêu chuẩn xác định dự án điện mặt trời mái nhà gặp khó khăn. Đây cũng là lý do PC Ninh Thuận chưa thể xác định đúng loại dự án và mức giá mua điện để ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Liên quan đến những vấn đề phản ánh tại buổi làm việc, ông Bùi Quốc Hùng khẳng định, một trong những yêu cầu đầu tiên của việc triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà là phải bám sát quy định tại Quyết định 13 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Mục tiêu của các cơ chế, chính sách là khuyến khích xã hội hóa, huy động người dân và doanh nghiệp tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà, tuy nhiên cần đảm bảo thực hiện đúng quy định của các Bộ, ngành đã đưa ra, bao gồm cả các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp,…
Về phía mình, đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, tiếp thu những ý kiến, đặc biệt ý kiến của các chủ đầu tư dự án, để tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền, khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn triển khai Quyết định 13.