TÓM TẮT:
Kế hoạch kiểm toán năm 2023 được xây dựng với 129 nhiệm vụ, giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn kiểm toán/232 đoàn) so với năm 2022. Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030, kế hoạch kiểm tra năm 2023 đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm… Bài viết đã ánh giá kết quả hoạt động kiểm toán Nhà nước năm 2023, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán năm 2024.
TỪ KHÓA: Kiểm toán nhà nước, nhân lực, kiểm toán.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện kế hoạch được ban hành, hoạt động kiểm toán năm 2023 của KTNN đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và đặc biệt là ý kiến của các đại biếu Quốc hội; đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013; tuân thủ Luật KTNN, Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật KTNN và các quy định của pháp luật cũng như đảm bảo định hướng chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2022-2024; phù hợp với nguồn lực của KTNN; cân đối chung giữa Kế hoạch kiểm toán với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN; dự phòng chủ động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh cũng kết quả đạt được, KTNN còn gặp nhiều vấn đề hạn chế.
2. Đánh giá hoạt động kiểm toán Nhà nước năm 2023
2.1. Những kết quả đạt được
Tính đến ngày 15/12/2023, KTNN đã kết thúc 171 cuộc kiểm toán, phát hành 173 báo cáo kiểm toán đúng mục tiêu, tiến độ, đảm bảo chất lượng. Qua đó, KTNN kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 133 văn bản không phù hợp.
Kết quả thực hiện năm 2023 đối với các kiến nghị kiểm toán năm 2022 cũng có sự chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị xử lý tài chính là 57.060,65/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (trong khi cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã được thực hiện. Nếu năm 2022, KTNN đã kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) với tỷ lệ 59% số đầu mối, kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 80% số đầu mối; số cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin (CNTT) đạt 21% tổng số cuộc kiểm toán. Đến năm 2023, KTNN kiểm toán quyết toán NSNN với tỷ lệ 66% số đầu mối, kiểm toán quyết toán NSĐP đạt 83% số đầu mối; số cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, CNTT đạt 23% tổng số cuộc kiểm toán.
Qua kiểm toán năm 2023, KTNN kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 1 dự án; cung cấp 299 báo cáo kiểm toán, tài liệu phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; cung cấp nhiều báo cáo phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; phục vụ cho các đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 và Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội”.
Bên cạnh đó, KTNN đã tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn kiểm toán theo giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Kết quả, tính đến ngày 25/5/2023, KTNN đã ban hành 8 hướng dẫn kiểm toán các lĩnh vực: Báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan Trung ương, NSNN, NSĐP; CNTT; môi trường; công tác quản lý nợ công; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
Đồng thời, KTNN tích cực học tập kinh nghiệm quốc tế về các loại hình, phương pháp, cách thức kiểm toán mới; rà soát, đánh giá sự phù hợp và sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực KTNN Việt Nam theo thông lệ kiểm toán quốc tế; tổ chức tọa đàm, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về lập, thẩm định báo cáo kiểm toán, chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp trong quá trình kiểm toán. Tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và ban hành kế hoạch kiểm toán tổng quát; quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN.
Bên cạnh đó, KTNN làm tốt vai trò là thành viên Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2021-2024, KTNN tham gia cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 58; tham gia Nhóm nòng cốt nghiên cứu về Quy định của ASOSAI; đăng cai tổ chức Hội thảo ASOSAI năm 2023 về chủ đề “Kiểm toán các chương trình phòng chống bệnh truyền nhiễm sau đại dịch Covid-19” tại Hà Nội... Bằng các hoạt động tích cực, thiết thực, KTNN tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt trong Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI). Tháng 9/2023, KTNN đã tham gia Hiệp hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp và tham gia Diễn đàn Các cơ quan Kiểm toán tối cao có mô hình Tòa Thẩm kế của INTOSAI… Những hoạt động tích cực này, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI, thành viên của Ủy ban Chia sẻ kiến thức ASEANSAI, đã góp phần củng cố hơn nữa vị thế của KTNN trong INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI,…
2.2. Những hạn chế còn tồn tại
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, KTNN nhiệm kỳ 2020-2023 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như sau:
Việc nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục về số lượng, cơ cấu đội ngũ giảng viên; tài liệu, giáo trình; cơ sở vật chất… để thành lập Học viện Kiểm toán chưa đáp ứng theo quy định tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Việc thành lập Vụ Tài chính trên cơ sở nâng cấp Ban Tài chính thuộc Văn phòng KTNN không phù hợp với bối cảnh toàn hệ thống chính trị thực hiện theo định hướng của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua nhìn chung chưa đủ hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào làm việc trong cơ quan KTNN. Công tác đánh giá cán bộ, công chức chưa có nhiều đổi mới, chưa thực sự đáp ứng mục đích cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, giúp bố trí, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng lúc, đúng năng lực sở trường...
Một số cấp ủy đảng chưa coi trọng khâu phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức tư tưởng cho công chức trong công tác luân chuyển, điều động nên chưa thực sự tạo được sự thống nhất về mặt nhận thức, quyết tâm thực hiện chưa cao.
Việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm vẫn chưa đầy đủ và chưa sát thực tiễn hoạt động chuyên môn của Ngành, do vậy đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; nội dung các chương trình bồi dưỡng vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa xây dựng được nhiều bài tập tình huống cần giải quyết trong thực tiễn.
Về công tác hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN: Một số quy định tại các luật chuyên ngành có liên quan đến hoạt động KTNN còn chưa có sự đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán nhà nước để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn hoạt động của ngành; công tác hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ như Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, quy trình, quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước, một số hồ sơ mẫu biểu, hướng dẫn kiểm toán còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn.
Về công tác nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán: Công tác khảo sát, thu thập thông tin về các đầu mối, đơn vị, dự án cho việc xây dựng KHKT năm của một số đơn vị còn chưa đầy đủ thông tin, dẫn đến phải điều chỉnh khi triển khai thực hiện. Chất lượng công tác thu thập bằng chứng kiểm toán chưa cao, một số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đảm bảo đầy đủ bằng chứng, chưa phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh kết luận, kiến nghị kiểm toán; tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại một số đơn vị chưa cao, làm giảm hiệu lực kiểm toán. Chất lượng Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN hàng năm trình Quốc hội tuy đã từng bước được nâng lên song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu kỳ vọng, do thông tin đầu vào không được cung cấp đầy đủ, kịp thời nên ý kiến còn chung chung, tác động của Báo cáo tới việc xem xét, quyết định dự toán NSNN của Quốc hội chưa nhiều; chất lượng, tiến độ tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia còn có những hạn chế nhất định.
Đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT và công nghệ cao: Các phần mềm hiện nay mới chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ công tác quản lý điều hành nội bộ, đối với hoạt động kiểm toán mới ứng dụng CNTT vào một số khâu, chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ kiểm toán, đặc biệt trong hai khâu cốt lõi của Ngành là lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Một số phần mềm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ, trong đó có các nguyên nhân chính là việc tiếp cận, đưa ra yêu cầu bài toán chưa sát với thực tế; nghiệp vụ phức tạp hoặc hệ thống hồ sơ mẫu biểu thay đổi.
Một số đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động kiểm toán; tính chủ động trong ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn của một bộ phận công chức, viên chức chưa cao; việc triển khai ứng dụng CNTT vào công việc thực tế còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao (việc cập nhật dữ liệu còn chậm, không đầy đủ, việc luân chuyển xử lý văn bản, ký số còn hạn chế; sự phối hợp giữa các đơn vị trong ứng dụng CNTT chưa chặt chẽ, hiệu quả...); việc kiểm toán CNTT và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực kiểm toán CNTT còn thiếu, kiểm toán viên chưa được đào tạo ứng dụng công nghệ cao cho hoạt động kiểm toán.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành về lĩnh vực CNTT cũng còn bất cập, đặc biệt là việc đào tạo kiểm toán viên trong khai thác, xử lý dữ liệu điện tử từ hệ thống thông tin của các đơn vị được kiểm toán.
Việc truy cập, kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán của các bộ, cơ quan trung ương, các đơn vị được kiểm toán còn gặp những khó khăn nhất định; dữ liệu điện tử thu thập thông qua cuộc kiểm toán chưa được lưu trữ tập trung.
Nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng của cán bộ, công chức của KTNN cỏn chưa đầy đủ.
3. Giải pháp khắc phục hạn chế nhằm thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán năm 2024
Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong thực hiện các Nghị quyết; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho mỗi cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và nâng cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa cấp ủy và lãnh đạo đơn vị được giao chủ trì trong tổ chức và thực hiện từng nghị quyết; phối hợp giữa đơn vị được giao chủ trì với đơn vị tham gia; phối hợp giữa Đảng ủy KTNN với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo KTNN trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.
Hai là, nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đúng kế hoạch được duyệt. Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung, bố trí nhân lực, thời gian để hoàn thành theo kế hoạch. Chú trọng tăng cường công chức có trình độ pháp luật, chuyên môn kiểm toán, kỹ năng, kinh nghiệm xây dựng pháp luật cho các đơn vị tham mưu xây dựng thể chế.
Ba là, bám sát chủ trương Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương để đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục vị trí việc làm của KTNN làm cơ sở thực hiện Đề án cơ cấu phát triển và sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức KTNN giai đoạn 2025-2030 phù hợp với cơ cấu ngạch công chức, viên chức KTNN đã được xác định theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trong công tác rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện phân cấp mạnh mẽ, hợp lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; tiếp tục nghiên cứu kiện toàn, chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của KTNN trong từng thời kỳ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho công chức, viên chức; bổ sung công chức, viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp cho các đơn vị còn thiếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Kiểm toán nhà nước (2022), Quyết định số 1482/QĐ-KTNN về việc ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước.
- Kiểm toán nhà nước (2023), Quyết định 1455/QĐ-KTNN về việc ban hành kế hoạch kiểm toán năm 2024.
- Chính phủ (2015), Luật Kiểm toán nhà nước.
- Chính phủ (2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
- Kiểm toán nhà nước (2023), Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.
Assessing the 2023 audit plan of the State Audit Office of Vietnam and solutions for the 2024 audit plan
Master. Pham Thi Hong Tham
Faculty of Accounting - Auditing, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
The 2023 audit plan of the State Audit Office of Vietnam included 129 tasks, 49 tasks lower than the 2022 audit plan, representing a reduction of 67 audit teams over 232 teams. The 2023 audit plan focused on auditing final settlement reports of ministries, central state agencies, local state agencies, and operational and thematic audits, according to the Development Strategy for the State Audit Office of Vietnam to 2030. The 2023 audit plan also focused on major auditing topics associated with state budget management and topics that were interesting to the National Assembly and the public. This paper evaluated the results of the State Audit Office of Vietnam in 2023 and proposed solutions to help the office implement its 2024 audit plan.
Keywords: the State Audit Office of Vietnam, human resources, audit.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]