TÓM TẮT
Là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, song đồng bằng sông Cửu Long cũng đang là vùng điển hình của nghịch lý giữa tiềm năng và khó khăn, cùng với những thách thức không nhỏ về phát triển bền vững. Trong đó, 3 rào cản, thách thức lớn nhất hiện nay đối với vùng, đó là: đặc điểm, điều kiện tự nhiên và những hệ lụy từ sự phát triển của vùng, tăng trưởng kinh tế sụt giảm và nút thắt yếu kém về logistics, hạ tầng. Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và yêu cầu phát triển bền vững đối với vùng, bài viết đề xuất 5 giải pháp, bao gồm: hoàn thiện thể chế vùng; quy hoạch phát triển vùng; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng; đầu tư phát triển hạ tầng vùng; và nâng cao hiệu quả quản trị vùng.
Từ khóa: điểm nghẽn, phát triển bền vững, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
1. Đặt vấn đề
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực và kinh tế nông nghiệp, đóng góp rất lớn vào đảm bảo an ninh lương thực và kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của quốc gia. Về địa - chính trị, đây cũng là vùng có đường hàng hải quan trọng kết nối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và hành lang kinh tế với Tiểu vùng sông Mê Kông. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng đang là nơi điển hình và rõ nhất của các “điểm nghẽn” quốc gia. Do vậy, để phát triển nhanh và bền vững khu vực này đang rất cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, thể hiện sự quyết tâm và mang tính đột phá.
2. Tổng quan về vùng ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí nằm liền kề vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông, bao gồm 13 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang và thành phố Cần Thơ. Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số hơn 17,7 triệu người, chiếm 12,8% diện tích tự nhiên và hơn 17,9% dân số cả nước, có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Hiện nay, khu vực này đóng góp khoảng 58% sản lượng lúa, 40% sản lượng thủy sản (nuôi trồng), trên 36% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước(1).
Về kinh tế, ĐBSCL có 2 trụ cột kinh tế chính, đó là nông nghiệp và thủy sản, gồm thủy sản nuôi và thủy sản tự nhiên, nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Các hợp phần kinh tế khác như công nghiệp, xây dựng và dịch vụ của vùng hầu như đều dựa trên 2 trụ cột kinh tế này. Hai trụ cột kinh tế chính trên lại dựa vào nền tảng chính là đất và nước. Đất và nước của ĐBSCL phụ thuộc vào dòng chảy và quá trình vận chuyển phù sa của sông Mêkông, nước mưa và sự tương tác với biển, thủy triều.
Trong toàn bộ lưu vực Mêkông, ĐBSCL có vị trí đặc biệt do tiếp giáp với biển. Do vậy, ĐBSCL chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều từ Biển Đông, tạo nên chế độ thủy văn nội địa và dòng chảy độc đáo. Dòng chảy đảo chiều và mực nước thay đổi trong ngày gọi là “nước ròng, nước lớn”; thay đổi 2 lần trong tháng theo âm lịch gọi là “nước rong, nước kém”; và 2 mùa gọi là “mùa khô và mùa nước nổi”. Chế độ thủy văn này hình thành sinh thái, văn hóa, lối sống và sinh kế của cư dân ĐBSCL. Chế độ thủy triều cũng có tác dụng súc rửa, tự làm sạch cho đồng bằng.
Trong khoảng 160 triệu tấn phù sa của sông Mêkông, có khoảng 100 triệu tấn phù sa và 16.000 tấn dinh dưỡng theo phù sa được bồi đắp cho vùng đất này, chưa tính lượng cát, sỏi. Lượng phù sa và cát sỏi này có vai trò rất lớn, tạo nên địa hình địa mạo của ĐBSCL, giúp bồi lấn và duy trì bờ biển, tạo nên năng suất thủy sản ven biển, với lượng khai thác khoảng 500.000 - 726.000 tấn/năm(2).
3. Thách thức phát triển bền vững đối với ĐBSCL
3.1. Về điều kiện tự nhiên và những hệ lụy từ sự phát triển
- Sụt lún và sạt lở: Nạn sạt lở bờ sông, bờ biển chủ yếu do thủy điện và khai thác cát. Đồng bằng sông Cửu Long được tạo nên do quá trình bồi đắp của phù sa, cát sỏi trong quá trình kiến tạo đồng bằng. Trong quá trình đó, sạt lở và bồi đắp là một quá trình tự nhiên. Tuy nhiên điều đáng lo ngại trong 25 năm vừa qua, sạt lở có khuynh hướng trội hơn bồi đắp, nhất là trong 10 năm và 5 năm gần đây nhất, tình hình sạt lở ngày càng gia tăng. Hiện nay, hơn 50% tổng chiều dài bờ biển của ĐBSCL đang bị sạt lở dữ dội, có nơi bờ biển lùi sâu đến hơn 50m, làm trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất ven biển(2). Sạt lở bờ sông cũng đang diễn ra dữ dội trên diện rộng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL là 891km. Tuy nhiên, trong quá khứ (những năm 1990 trở về trước), trong quá trình kiến tạo đồng bằng, tổng lượng bồi đắp của ĐBSCL lớn hơn tổng lượng sạt lở. Trong quá khứ cũng không có hiện tượng sạt lở trên diện rộng và trung bình trong 6.000 năm qua, đồng bằng được mở rộng về phía Đông với tốc độ 26m/năm và về hướng mũi Cà Mau với tốc độ 16m/năm, tức là khuynh hướng bồi luôn trội hơn khuynh hướng lở(2). Ngoài ra, theo báo cáo của Đại học Utrectch, Hà Lan cũng cho biết sụt lún liên quan đến khai thác nước ngầm ở ĐBSCL ngày càng tăng dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong 25 năm (1991 - 2016), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm do khai thác nước ngầm. Tốc độ sụt lún trung bình hiện nay do khai thác nước ngầm là 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Như vậy, vấn đề sụt lún của ĐBSCL đáng lo ngại hơn nhiều so với nước biển dâng (trung bình chỉ khoảng 3mm/năm)(2).
Có 2 nguyên nhân chính làm tăng sạt lở từ sau năm 1990 trở lại đây, đó là tải lượng phù sa mịn giảm và lượng cát bị mất đi do khai thác cát trên sông Mêkông. Số liệu của MRC cho biết, so giữa 1992 và năm 2014, tải lượng phù sa mịn sông Mêkông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Số liệu phù sa nói trên chưa bao gồm thành phần cát, sỏi di chuyển ở đáy sông. Trong 10 năm (1998 - 2008), cát trên sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác rất nhiều. Báo cáo của giáo sư Bravard (Đại học Lyon) và tiến sĩ Goichot (WWF) cho biết, từ năm 1998 đến năm 2008, sông Tiền đã mất khoảng 90 triệu tấn vật liệu đáy sông, sông Hậu mất 110 triệu tấn. Tốc độ khai thác hàng năm khoảng 27 triệu mét khối (57 triệu tấn) trong khoảng từ năm 2008-2012(2).
- Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, El Nino, La Nina: Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống và sản xuất ở ĐBSCL với các biểu hiện như tăng nhiệt độ, nắng nóng, mưa trái mùa, tăng tần suất các sự kiện cực đoan. Về nước biển dâng ở ĐBSCL, dự báo đến cuối thế kỷ XXI là 74cm; và 75cm cho vùng Biển Đông và Biển Tây(2). El Nino là hiện tượng xảy ra theo chu kỳ 2 - 7 năm một lần; và có những lần cực đoan dẫn đến khô hạn và cũng là nguyên nhân ban đầu của hạn - mặn ở ĐBSCL, thứ đến là tác động của thủy điện Mêkông gây tồi tệ thêm tình hình.
- Vấn đề đê bao: Trong những năm qua, rất nhiều diện tích ở 2 túi nước Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã bị hệ thống đê bao khép kín để canh tác lúa vụ ba và hệ quả là những khối nước khổng lồ ngoài các ô đê bao khép kín này không được hấp thu vào các vùng đồng ngập lũ đã gây gia tăng ngập ở các vùng hạ lưu và chảy hết ra biển trong mùa lũ. Đến mùa khô hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không có nước để bổ sung cho dòng chính đẩy mặn ra, làm gia tăng xâm nhập mặn vùng ven biển. Canh tác lúa ba vụ trong đê bao khép kín cũng làm cạn kiệt nguồn thủy sản tự nhiên, là nguồn sinh sống chủ yếu cho những người nghèo không có đất ở nông thôn. Đất đai ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt chất dinh dưỡng, làm gia tăng chi phí canh tác do đê bao khép kín ngăn không cho nước lũ vào đồng tẩy độc rửa trôi và bồi lắng phù sa, tốn kém chi phí cho gia cố, bảo dưỡng đê bao.
3.2. Về kinh tế
Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nếu 2 thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với TP. Hồ Chí Minh còn nghiêm trọng hơn. Nếu như vào năm 2000, GRDP của TP. Hồ Chí Minh chỉ nhỉnh hơn ĐBSCL, thì nay, GRDP của ĐBSCL tụt xuống còn khoảng 3/4 so với TP. Hồ Chí Minh(3). Mặt khác, nông nghiệp là ngành quan trọng nhất trong cơ cấu GRDP của vùng, song lại không phải là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng. Nông nghiệp hiện tạo ra 34% GRDP của vùng và được đầu tư lớn thứ 2 (khoảng 32.000 tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 3%. Có thể thấy, thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại của vùng không còn nhiều dư địa tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản(4). Điều này cũng dẫn đến một thách thức khác, đó là tỷ lệ di dân lớn sẽ xảy ra ở những địa phương có cơ cấu nông nghiệp cao. Thực tế, hiện tượng di dân xảy ra ngày càng nhiều ở các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh,...
Ngoài ra, ĐBSCL cũng đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Từ chỗ luôn ở vị trí cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Do vậy, nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL sẽ càng trở nên “thất thế” trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022.
Về logistics và hạ tầng: có thể thấy logistics, hạ tầng đường bộ là một trong những điểm nghẽn cơ bản kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL. Giao thông liên kết vùng yếu so khu vực khác trên cả nước, nhất là hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc, mặc dù gần đây, Chính phủ có chủ trương và hiện đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối vùng với TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ đường quốc lộ thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, chỉ chiếm 10,9%. Về đường cao tốc, ĐBSCL hiện có hơn 100km đường bộ, chiếm khoảng 7% chiều dài đường cao tốc của cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên và thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của vùng cho cả nước. Hạ tầng giao thông đô thị trong vùng cũng chậm phát triển so với các đô thị khác trên cả nước; thấp so yêu cầu của quy chuẩn (16-26%). Mặt khác, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò rất quan trọng ở ĐBSCL, song lại thiếu đầu tư trầm trọng với ngân sách đầu tư giảm từ 2-3% tổng ngân sách đầu tư giao thông giai đoạn 2011 - 2015 xuống chỉ còn 1,2% trong giai đoạn 2016-2020(3). Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường thủy chưa được quy hoạch gắn kết hiệu quả với giao thông đường bộ, để phát huy thế mạnh đặc thù của hệ thống sông, kênh đường trong thủy khu vực.
Yếu kém giao thông, thiếu các trung tâm logistics cấp vùng đủ mạnh đã làm hạn chế rất lớn đến thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế của vùng, như nông nghiệp, thủy sản...; không hỗ trợ được cho những ngành, dịch vụ mới và cũng sẽ hạn chế rất nhiều trong phát triển ngành thương mại điện tử, vốn đang là xu thế của quốc tế. Ngoài ra, ĐBSCL cũng thiếu các trung tâm công nghệ và ứng dụng, là nhân tố quan trọng hỗ trợ thúc đẩy các cụm ngành phát triển. Mặc dù đã xuất hiện những cụm ngành như lúa, cá, tôm… nhưng để phát triển đúng chuẩn cụm ngành, thì khoảng cách vẫn còn là thách thức.
4. Giải pháp phát triển vùng ĐBSCL
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành: (i) Vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; (ii) Có trình độ phát triển khá so với cả nước; (iii) Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) Kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao; (v) Bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; (vi) Quốc phòng và an ninh được bảo đảm; (vi) Tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (vii) Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần có các giải pháp đồng bộ giúp giải quyết các xung đột trong phát triển, tránh được sự chồng chéo và mâu thuẫn trong quy hoạch và thực hiện, đảm bảo hài hòa các lợi ích cả ngắn hạn và lâu dài, cục bộ và toàn diện, trong bối cảnh phát triển mới và biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều thách thức. Theo đó, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, hoàn thiện thể chế vùng. Cần rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đối với đồng bằng sông Cửu Long nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu phối hợp làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và đến sức mạnh tổng hợp của cả vùng. Nhất là các cơ chế, chính sách có tính liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững của vùng thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, thương mại hỗ trợ cho kinh tế nông nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản, hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản, hàng hóa; xây dựng cơ chế phối hợp giữa đồng bằng sông Cửu Long với đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Một số các cơ chế, chính sách khác, như: chính sách đất đai tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; cơ chế, chính sách phát triển vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm sinh thái tự nhiên, điều kiện của vùng và tiểu vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu; các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Kh'Mer.
Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng Luật Đồng bằng cho khu vực này. Luật sẽ là cơ sở pháp lý đảm bảo tính nhất quán và tích hợp các hoạt động quản lý phát triển đối với vùng; tăng cường hiệu quả và tính minh bạch bằng việc định ra những mục tiêu chung được Luật xác định rõ.
Hai là, về quy hoạch phát triển. Đối với ĐBSCL, bài toán quy hoạch không chỉ là phân tích hiện trạng, tiềm năng, mà phải phân tích kịch bản biến đổi khí hậu làm thay đổi tiềm năng và hiện trạng trong tương lai.
Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương đã có của vùng ĐBSCL và xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch mới cần tiếp cận theo hướng chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ”; tổ chức không gian lãnh thổ vùng theo hướng hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng; tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái.
Theo đó, cần triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đã xác định rõ: phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/ 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ba là, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng. Xây dựng cơ cấu kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và để thực hiện được chuyển hóa thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội. Các nhiệm vụ cụ thể được triển khai dựa trên nền tảng thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình mới, đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động do khai thác dòng sông ở vùng thượng lưu và trung lưu của các quốc gia khác trong khu vực.
Phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL phải thay đổi cơ bản, từ mô hình sản xuất, tập quán sản xuất, sinh kế, nếp sống, hạ tầng và mạng lưới dân cư; phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm và điều kiện của vùng để chủ động sống chung với lũ; khai thác và sử dụng hiệu quả nước lợ, nước mặn; ứng phó với thiên tai bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng.
Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và viễn thông, công nghệ thông tin; phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chế biến tinh, chế biến sâu góp phần gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và nông nghiệp, trong đó phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng. Phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics của vùng, hoàn thiện quy hoạch và đầu tư phát triển Trung tâm Logistics tại Cái Cui (Cần Thơ) và mở rộng dịch vụ logistics hàng không. Phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Bốn là, đầu tư phát triển hạ tầng vùng. Cần ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, bảo đảm kết nối đồng bộ, hợp lý và hiệu quả giữa các phương thức vận tải. Chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy là trọng tâm.
Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, cần đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An, hành lang kinh tế dọc Sông Tiền - Sông Hậu, hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, hành lang kinh tế biên giới từ Long An đến Kiên Giang. Chủ động huy động nguồn lực, kêu gọi hợp tác công - tư (PPP) cho các công trình giao thông, trung tâm logistics, hạ tầng kinh tế thương mại mà nguồn vốn Trung ương chưa đưa vào danh mục đầu tư gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.
Tập trung sớm hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP. Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh; nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu, các cầu; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng. Phát triển các cụm cảng hàng hóa, cụm cảng hành khách và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa. Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó có Cảng Trần Đề là cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng. Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cảng Container và các đoạn tuyến đường sau cảng, kết nối thuận lợi cảng biển với mạng giao thông quốc gia. Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không trong vùng, như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cần Thơ, Cà Mau,…
Năm là, nâng cao hiệu quả quản trị vùng. Tạo lập cơ chế điều phối, liên kết vùng hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, Hội đồng vùng cần phát huy vai trò điều phối trong phạm vi toàn vùng ĐBSCL, xác định cụ thể vai trò, nhiệm vụ của từng địa phương trong mô hình phát triển kinh tế bền vững của vùng ĐBSCL, phát huy được lợi thế so sánh, giảm thiểu các tác động tiêu cực giữa các địa phương trong quá trình phát triển. Đồng thời tăng liên kết vùng giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, quản trị vùng cần tập trung tập trung nghiên cứu để đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của vùng và cả nước nói chung.
Tài liệu trích dẫn:
(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Kỷ yếu Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Nhà xuất bản Dân trí. (2) Phan Ánh Hè (2019). Quản lý tích hợp - Giải pháp phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu long. Tạp chí Khoa học Chính trị, Số 6/2019.
(3) VCCI-Fulbright (2023), Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.
(4) Trung Chánh (2017). Thách thức cho tăng trưởng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, <https://thesaigontimes.vn/thach-thuc-cho-tang-truong-kinh-te-dbscl>.
Tài liệu tham khảo:
- - Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Kỷ yếu Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Nhà xuất bản Dân trí.
- - VCCI-Fulbright (2023), Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.
- - Phan Ánh Hè (2019). Quản lý tích hợp - Giải pháp phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Chính trị, Số 6/2019.
- - Trung Chánh (2017). Thách thức cho tăng trưởng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, <https://thesaigontimes.vn/thach-thuc-cho-tang-truong-kinh-te-dbscl>.
- - Ngô Công Thành (2020). Tích hợp quy hoạch: Từ khái niệm đến thực tiễn, <https://kinhtevadubao.vn/bai-1-nhan-thuc-dung-ve-tich-hop-quy-hoach-12292.html>.
Removing bottlenecks for sustainable development
of the Mekong Delta with synchronous solutions
Ph.D Phan Anh He
National Academy of Public Administration
Abstract:
The Mekong Delta has important location, geopolitics, and geoeconomics features. However, this region is also a typical case of the paradox between potential and difficulties. The region also faces sustainable development challenges. The three biggest barriers and challenges to the Mekong Delta are characteristics, natural conditions, and consequences from the declining regional economic growth and logistics, infrastructure bottlenecks. To realize the goals of the Political Bureau's Resolution No. 13-NQ/TW of April 2, 2022 and sustainable development for the Mekong Delta, this paper proposed five solutions, including: perfecting the regional regime; planning the regional development; building a reasonable economic structure for the region to adapt to climate change; investing in regional infrastructure development; and improving regional governance efficiency.
Keywords: bottleneck, sustainable development, the Mekong Delta.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2024]