Diễn đàn có sự tham dự của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Lê Hoàng Oanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện; Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ Hà Vũ Sơn; Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền.
Đặc biệt là sự có mặt của đại diện các Hiệp hội, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Diễn đàn hướng tới những mục tiêu quan trọng đối với việc thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.
Thứ nhất, tăng cường vai trò hỗ trợ của nhà nước và thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, sản phẩm địa phương thông qua xây dựng các chương trình liên kết tiêu thụ qua thương mại điện tử với phương thức vận chuyển logistics tối ưu từ các Sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics, giúp doanh nghiệp địa phương giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp thương mại điện tử tăng cường hợp tác, chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm, công nghệ để phát triển thương mại điện tử.
Thứ ba, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường nước ngoài, ứng dụng công nghệ số, kết nối chuỗi cung ứng, chia sẻ giải pháp công nghệ góp phần tối ưu hóa chi phí logistics thương mại điện tử.
Thứ tư, quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm vùng miền địa phương trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số thông qua Chương trình phát động “Ưu tiên dùng hàng Việt” trên các Sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Postmart …
Thứ năm, xây dựng mô hình liên kết vùng trong trong phát triển thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy tiêu thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng nhằm tăng cường cơ chế hợp tác giữa Trung ương và địa phương, giữa các thành viên trong vùng, quy hoạch hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Lãnh đạo thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ mong muốn Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành sẽ có nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ những định hướng quản lý nhà nước và phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử.
Từ đó, doanh nghiệp địa phương có thể nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành thương mại điện tử, phát triển thương hiệu sản phẩm, chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sự hỗ trợ của các bên. Tất cả những điều này đều nằm trong mục tiêu thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử trong liên kết vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng.
Đa dạng các mô hình phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu
Đến với Diễn đàn, các đối tác thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế, logistics trong thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, hỗ trợ tài chính doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp trong thương mại điện tử, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử được triển khai thực tế với nhiều mô hình vận hành khác nhau.
Hiện nay, các loại hình thương mại điện tử đã phát triển đa dạng, phong phú. Có thể thấy một số mô hình tiêu biểu như tiêu thụ nông sản, đặc sản qua Sendo Farm/Postmart; xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp nhỏ địa phương qua nền tảng Shopee International Platform (SIP); xuất khẩu theo mô hình B2B qua Alibaba; xuất khẩu theo mô hình B2C qua Amazon hay giải pháp đến từ Fado - Ratraco Solutions vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới từ khu vực các tỉnh phía Nam qua các thị trường như Trung Quốc, Trung Á, Nga, Châu Âu … bằng hình thức đường sắt liên vận quốc tế.
Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử
Tại Diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử là chủ trương xuyên suốt và là một trong những định hướng trọng tâm của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại, phát triển kinh tế vùng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành cũng như các địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Liên kết vùng trong thương mại điện tử là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước trong các vùng kinh tế để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nội vùng và liên vùng.
Để tăng cường quản lý và định hướng thúc đẩy phát triển liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử hiện nay, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển thương mại điện tử địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt và thị trường xuất khẩu, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm, cần tăng cường phối hợp hai chiều giữa cơ quan nhà nước và địa phương để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.
Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động kết nối với nhau để phát huy sức mạnh lẫn nhau. Bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển. Nâng cao năng lực thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia tại Quyết định 645. Kêu gọi xã hội hóa và sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và chuyển giao về giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế vùng.
Với lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực như nông sản, thủy hải sản, gạo, thủ công mỹ nghệ, thị trường thương mại điện tử tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, phát triển đa dạng, phong phú và hội nhập sâu rộng với thương mại điện tử khu vực.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, các Hiệp hội, sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp sản xuất địa phương đã chia sẻ nhiều nội dung về định hướng quản lý nhà nước, chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động thương mại điện tử, phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…
Bên cạnh các giải pháp, chính sách với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt trên các sàn thương mại điện tử, hưởng ứng Chương trình chung tay ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các Sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Postmart đã cùng chung tay xây dựng chương trình bán hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Đây cũng là hành động thiết thực để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng miền, địa phương trên các Sàn thương mại điện tử.
Với chuỗi sự kiện diễn ra tại Diễn đàn, các doanh nghiệp địa phương sẽ tìm kiếm được những giải pháp hỗ trợ phù hợp, cùng với các cơ quan Trung ương, địa phương hướng tới mục tiêu chuyển đổi số, phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông đặc sản, sản phẩm tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.