Đánh giá quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

THS. NGÔ TUYẾT MAI ( GV Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước - Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết giới thiệu một góc nhìn tổng quan về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Từ đó, nêu ra những điểm vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung..

Từ khóa: Văn bản, qui phạm, pháp quy.

 1. Đặt vấn đề

Hiện nay, nhu cầu về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, cụ thể ở địa phương, là rất lớn. Ngày 22 tháng 6 năm 2015, Luật Ban hành văn bản QPPL đã được Quốc hội chính thức nhấn nút thông qua. Đây là đạo luật quan trọng trong việc quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của các cấp nói chung và đối với hoạt động quản lý điều hành ở địa phương nói riêng. Số lượng văn bản các cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành trong mỗi năm là không hề nhỏ, nhóm văn bản này đã góp phần rất lớn trong việc cùng với các cơ quan nhà nước trung ương giải quyết các vấn đề bức xúc trong thực tiễn. Điều 4, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, đã trao quyền cho HĐND ban hành nghị quyết QPPL, UBND ban hành quyết định QPPL.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của cơ quan nhà nước ở địa phương

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của chính quyền địa phương hiện nay phải trải qua rất nhiều bước và được quy định chi tiết, cụ thể tại Chương VIII, Chương IX, Chương X và Chương XI của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Theo đó, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản của HĐND và UBND ở từng cấp chính quyền cũng mang nhiều nét khác biệt.

2.1. Quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp

Để thực hiện chức năng quyết định và giám sát của mình, pháp luật quy định HĐND có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL với tên gọi là nghị quyết. Hoạt động xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được quy định từ Điều 111 đến Điều 126 của Luật. Theo đó có thể thấy, thủ tục này đã được quy định khá cụ thể, chi tiết, mang nhiều điểm tương đồng với quy trình ban hành văn bản QPPL của các cơ quan nhà nước ở trung ương. Điểm đáng nói ở đây là hoạt động xây dựng và đánh giá chính sách pháp luật là một nội dung mới được đưa vào trong quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh.

Lập đề nghị xây dựng nghị quyết là giai đoạn đầu tiên trong quy trình này. Chủ thể có thẩm quyền đề nghị xây dựng nghị quyết là UBND cấp tỉnh, các Ban của HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau khi đề nghị xây dựng nghị quyết được Thường trực HĐND chấp thuận, Thường trực HĐND có trách nhiệm phân công cơ quan, tổ chức trình dự thảo, nghị quyết và quyết định thời hạn trình HĐND cấp tỉnh dự thảo nghị quyết. Cơ quan, tổ chức trình phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo dự thảo nghị quyết. Dự thảo nghị quyết sau khi soạn xong sẽ gửi đi lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Sở Tư pháp làm nhiệm vụ thẩm định dự thảo trước khi trình UBND. Tiếp đó, UBND cấp tỉnh xem xét, thảo luận và biểu quyết về việc trình dự thảo nghị quyết. Trong trường hợp dự thảo văn bản không phải do UBND trình mà do các chủ thể khác thì UBND phải tham gia ý kiến bằng văn bản[1]. Ban của HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra dự thảo nghị quyết và cuối cùng là trình HĐND xem xét, thông qua. Chủ tịch HĐND cấp tỉnh ký chứng thực nghị quyết.

Xây dựng, ban hành nghị quyết HĐND cấp huyện được quy định từ Điều 133 đến Điều 137 của Luật năm 2015. Theo đó, văn bản của HĐND cấp huyện và cấp xã không cần lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL. Trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện cũng tương tự như nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, chỉ khác biệt ở khâu không phải thực hiện lập đề nghị. Theo quy định tại khoản 1, Điều 133, nghị quyết của HĐND cấp huyện do UBND cùng cấp soạn thảo và trình. UBND cấp huyện phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Căn cứ vào tính chất và nội dung của văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết. Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm gửi dự thảo nghị quyết đến Phòng Tư pháp để thẩm định. Sau đó, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến, thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết và đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Phòng Tư pháp khi trình UBND cấp huyện dự thảo nghị quyết.

Tiếp theo, cơ quan soạn thảo có trách nhiệm chỉnh lý và gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến UBND cấp huyện. UBND cấp huyện xem xét, thảo luận và biểu quyết về việc trình dự thảo nghị quyết ra HĐND cùng cấp. Ban của HĐND có trách nhiệm thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện trước khi trình HĐND, sau đó gửi báo cáo thẩm tra đến Thường trực HĐND để chuyển đến các đại biểu. UBND có nhiệm vụ soạn thảo và trình dự thảo nghị quyết ra HĐND cùng cấp. Việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp HĐND cấp huyện được quy định tại Khoản 1, Điều 137, Luật năm 2015. Sau khi nghị quyết được thông qua, Chủ tịch HĐND ký chứng thực.

Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành nghị quyết HĐND cấp xã gồm 2 điều, từ Điều 142 đến điều 143, thủ tục chỉ phải trải qua hai giai đoạn là: (1) Soạn thảo nghị quyết của HĐND cấp xã và (2) Xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của HĐND cấp xã. Có thể thấy, Luật quy định HĐND cấp tỉnh khi ban hành văn bản phải trải qua 16 bước, cấp huyện 5 bước, cấp xã chỉ có 2 bước, cấp càng cao nhiệm vụ càng nặng nề hơn.

2.2. Quy trình xây dựng, ban hành quyết định của ủy ban nhân dân các cấp

Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh gồm các bước sau đây: (1) Lập đề nghị xây dựng quyết định; (2) Xem xét, kiểm tra đề nghị; (3) Chủ tịch UBND tỉnh thông qua đề nghị; (4) Soạn thảo quyết định; (5) Lấy ý kiến về dự thảo quyết định; (6) Thẩm định dự thảo quyết định; (7) UBND xem xét, thông qua dự thảo quyết định; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký ban hành. Có thể thấy, thủ tục ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh đơn giản hơn rất nhiều so với quy trình ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh - được quy định cụ thể tại Chương IX, từ Điều 127 đến Điều 132, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Tương tự như nghị quyết của HĐND tỉnh, khi xây dựng quyết định của UBND tỉnh, các chủ thể cũng phải tiến hành hoạt động lập đề nghị xây dựng quyết định. Chủ thể có trách nhiệm đề nghị là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và chủ tịch UBND cấp huyện.

Đề nghị này sẽ do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xem xét, kiểm tra, tiếp đó báo cáo chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Sau khi chủ tịch UBND cấp tỉnh thông qua đề nghị xây dựng quyết định, toàn bộ các bước còn lại trong quy trình ban hành của UBND tỉnh cũng tương tự với các giai đoạn xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp huyện.

Trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành quyết định của UBND cấp huyện gồm các bước sau đây: (1) Soạn thảo quyết định; (2) Lấy ý kiến về dự thảo quyết định; (3) Thẩm định dự thảo quyết định; (4) UBND xem xét, thông qua dự thảo quyết định; (5) Chủ tịch UBND cấp huyện ký ban hành. Soạn thảo dự thảo là bước quan trọng đầu tiên trong quy trình soạn thảo quyết định của UBND cấp huyện - được quy định tại Điều 138 và Điều 139, Luật năm 2015. Sau khi chủ tịch UBND cấp huyện phân công và chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND soạn thảo thì cơ quan soạn thảo có trách nhiệm xây dựng dự thảo quyết định và dự thảo tờ trình. Sau đó, cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo quyết định. Tiếp theo, dự thảo quyết định được chuyển đến Phòng Tư pháp để thẩm định trước khi trình UBND cấp huyện. UBND thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định. Quyết định UBND cấp huyện phải được niêm yết công khai và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

Quy trình ban hành quyết định của UBND cấp xã phải trải qua hai khâu là soạn thảo và xem xét, thông qua ban hành văn bản. Dự thảo quyết định của UBND cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã tổ chức, chỉ đạo việc soạn thảo. Sau đó, dự thảo sẽ được lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan của nhân dân tại các thôn, làng, buôn, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và chỉnh lý dự thảo quyết định. UBND sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định. Chủ tịch UBND cấp xã ký ban hành quyết định.

3. Một số khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở địa phương

Trong những năm gần đây, hoạt động ban hành văn bản QPPL của chính quyền địa phương đã có những bước chuyển mình quan trọng, số lượng cũng như chất lượng của văn bản ngày càng được nâng cao. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, năm 2017, các cơ quan nhà nước ở địa phương đã ban hành được 25.988 văn bản. Trong đó, cấp tỉnh ban hành 4.699 văn bản (1.639 nghị quyết; 3060 quyết định); cấp huyện ban hành 3.710 văn bản (1.478 nghị quyết; 2.232 quyết định); cấp xã ban hành 17.579 văn bản (14.429 nghị quyết; 3.150 quyết định). Tiếp đó, 6 tháng đầu năm 2018, tổng số văn bản được ban hành là 6.574 văn bản (cấp tỉnh ban hành 1.060 văn bản; cấp huyện ban hành 769 văn bản; cấp xã ban hành 4.745 văn bản)[2].

Tại Thành phố Hà Nội, từ năm 2015 đến hết tháng 7/2018, đã ban hành gần 4.500 văn bản QPPL. Trong đó, HĐND và UBND Thành phố đã ban hành 216 văn bản QPPL; các quận, huyện, thị xã ban hành 813 văn bản và cấp xã, phường, thị trấn ban hành 3.390 văn bản[3]. Các cơ quan nhà nước ở địa phương luôn coi trọng, quan tâm sâu sắc đến công tác ban hành văn bản QPPL và xem đây là hoạt động “nòng cốt” đối với toàn bộ sự vận hành của bộ máy nhà nước ở địa phương. Về cơ bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thi hành Luật vẫn còn một số khó khăn, bất cập khiến cho quy trình xây dựng, soạn thảo, ban hành văn bản QPPL ở địa phương phức tạp và thời gian kéo dài.

a) Khó khăn, vướng mắc trong quá trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Hiện vẫn còn một số cơ quan soạn thảo chưa tuân thủ nghiêm bước lập đề nghị xây dựng nghị quyết. Nhiều địa phương cho rằng, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ quy định về biện pháp tổ chức thi hành văn bản của cấp trên, không quy định chính sách mới, nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản, làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của chính quyền địa phương đối với những vấn đề cấp bách của xã hội. Quy định này có thể đã đẩy cơ quan soạn thảo vào tình trạng “đối phó” vì phải thực hiện quy định.

Bên cạnh đó, bước lập đề nghị xây dựng quyết định của UBND cấp tỉnh cũng gặp phải tình trạng tương tự. Có những văn bản đã thực hiện các bước soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, gửi thẩm định khi chưa lập đề nghị xây dựng quyết định. Từ đó dẫn đến việc Sở Tư pháp phải làm văn bản trả hồ sơ và yêu cầu thực hiện lại theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật năm 2015. Vẫn còn nhiều đề nghị xây dựng dự thảo văn bản QPPL địa phương dập khuôn, máy móc, nặng nhiều về hình thức. Cá biệt có những đề nghị sai trình tự, thủ tục luật định. Phần lớn các đề nghị xây dựng dự thảo văn bản dựa vào các văn bản QPPL của cấp trên, còn chủ quan, không dựa trên phân tích đánh giá khách quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên chưa phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do đó, chưa phát huy được khả năng dự liệu các vấn đề phát sinh trong xã hội.

Việc đánh giá tác động chính sách còn mang tính hình thức, chưa được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng, ý kiến của các đối tượng chịu tác động trong các phần đánh giá tác động vẫn còn khá mờ nhạt. Bởi nếu quy định như hiện nay, quy trình ban hành chính sách mất rất nhiều thời gian, việc đánh giá chính sách khó thực hiện, nội dung cần đánh giá tác động còn dàn trải, chưa phù hợp với tính chất của văn bản. Khái niệm “chính sách” cũng chưa được định nghĩa để giới hạn những vấn đề cần phải đánh giá tác động. Do vậy, có những Sở, Ngành khi xây dựng đề xuất ban hành nghị quyết QPPL nội dung còn sơ sài, thiếu thông tin, không đủ cơ sở pháp lý để khẳng định sự cần thiết phải ban hành văn bản; đặc biệt là đề xuất về xây dựng chính sách trong nghị quyết của HĐND do UBND tỉnh trình, chưa đáp ứng đúng các yêu cầu về trình tự, thủ tục, nội dung.

b) Khó khăn, vướng mắc trong việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là trình độ, năng lực công tác của cán bộ, công chức ở các địa phương còn hạn chế, chủ yếu là thừa hành theo văn bản chỉ đạo của cấp trên. Vậy nên một số văn bản do chính quyền địa phương cấp huyện, xã ban hành thường là sao chép, nhắc lại các quy định trong các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng khi tiến hành soạn thảo văn bản QPPL là khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội ở địa phương liên quan đến dự thảo; thu thập và xử lý thông tin, tư liệu có liên quan đến dự thảo. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi các hoạt động này không được quan tâm đúng mức và còn nặng tính hình thức. Không ít trường hợp do thiếu nhân lực, kinh phí mà việc khảo sát, thu thập số liệu bị coi nhẹ và làm tắt.

c) Khó khăn, vướng mắc trong hoạt động lấy ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Mặc dù Luật năm 2015 đã quy định rất chi tiết, nhưng một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của việc lấy ý kiến đánh giá, còn xem nhẹ việc tổ chức lấy ý kiến; cách thức chưa hiệu quả, thiếu công khai, minh bạch; nội dung lấy ý kiến chưa chính xác; tiếp thu ý kiến phản hồi còn tùy nghi. Ngoài ra, đối với khâu phối hợp lấy ý kiến các cấp, các ngành liên quan và nhất là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản đôi khi chưa hiệu quả. Các cơ quan được lấy ý kiến đóng góp chỉ góp ý mang tính hình thức hoặc không góp ý, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, phải đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự thảo nhiều lần.

d) Khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm định văn bản QPPL

Còn tồn tại trường hợp dự thảo văn bản gửi thẩm định không đúng quy định làm ảnh hưởng đến thời gian cũng như gây bị động cho cơ quan thực hiện chức năng thẩm định. Nội dung thẩm định phần lớn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản chứ chưa đi sâu phân tích nội dung. Xuất phát từ chất lượng của một số dự thảo văn bản QPPL chưa cao nên khi tổ chức thẩm định, thẩm tra dự thảo mất nhiều thời gian để góp ý, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật trình bày, dẫn đến chậm tiến độ theo yêu cầu. Cá biệt, trong cuộc họp thẩm định chất lượng văn bản, có những đại biểu dù chưa nghiên cứu văn bản nhưng đã phát biểu là văn bản không cần thiết.

4. Một vài đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

Thứ nhất, do quy định về phạm vi các loại nghị quyết cần phải lập đề nghị khá rộng như đã nêu ở trên, dẫn đến thực tế nhiều nghị quyết HĐND cấp tỉnh chỉ quy định về các biện pháp thi hành. Trong đó, chủ yếu là quy định về biện pháp tổ chức thi hành, không làm phát sinh chính sách vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản. Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng thu hẹp phạm vi văn bản, phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách, đơn cử là nghị quyết về biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên - quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật năm 2015.

Thứ hai, phải tiến hành rà soát để giảm bớt nội dung, cần đánh giá tác động cho phù hợp với tính chất của văn bản QPPL ở địa phương. Quy trình đánh giá tác động chính sách trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh cần điều chỉnh theo hướng tinh gọn, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của địa phương. Cần quy định các yêu cầu cụ thể hơn đối với nội dung các đề xuất chính sách. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản QPPL nên đưa thêm khái niệm “chính sách” nhằm xác định rõ và đúng những gì thực sự tác động đến xã hội, người dân, doanh nghiệp, từ đó, giảm bớt những vấn đề cần phải đánh giá tác động.

Thứ ba, cần hoàn thiện quy định của pháp luật về việc lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo văn bản QPPL. Theo đó, nên quy định trách nhiệm lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản QPPL là bắt buộc - là nghĩa vụ mà chủ thể ban hành phải thực hiện khi tham gia quy trình soạn thảo văn bản, nhằm tránh tình trạng lấy ý kiến tùy nghi. Luật phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong quá trình lấy ý kiến để văn bản ban hành ra được sát với thực tế, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Luôn luôn đề cao sự đóng góp của nhân dân, coi đây là công đoạn quan trọng của quy trình ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp. Bổ sung quy định về nguyên tắc lấy ý kiến đóng góp như việc lấy ý kiến phải được tiến hành liên tục, đúng và đủ đối tượng, các nội dung lấy ý kiến phải được chuyển tải đến các đối tượng thông qua những cách thức phù hợp.

Thứ tư, cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản, khắc phục những “điểm nghẽn” làm giảm chất lượng dự thảo văn bản. Từ đó tránh tâm lý nể nang, phải nêu rõ ý kiến trong báo cáo thẩm định về việc dự thảo nghị quyết, quyết định có đủ điều kiện trình UBND hay không. Văn bản QPPL xây dựng thiếu cụ thể thì chưa ban hành, không nên lấy số lượng văn bản QPPL được ban hành là thước đo hiệu quả.

Thứ năm, cần hoàn thiện quy định của Luật về trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quy trình ban hành văn bản QPPL, bởi sự thiếu trách nhiệm có thể làm giảm chất lượng và khả năng áp dụng vào thực tế của các văn bản. Hiện nay, pháp luật đã quy định về nội dung này song vẫn chưa cụ thể, thiếu cứng rắn, dẫn đến tâm lý coi nhẹ nhiệm vụ. Việc quy định rõ ràng sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để xác định trách nhiệm của từng cá nhân.

5. Kết luận

Như vậy,  Luật Ban hành văn bản QPPL có hiệu lực, từ năm 2016 cho đến nay, việc ban hành văn bản QPPL của các cơ quan nhà nước ở địa phương đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật và Nghị định hướng dẫn. Hệ thống văn bản QPPL địa phương này đã góp phần điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống - xã hội, được triển khai thực hiện thống nhất từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã, đồng thời có tác động rất lớn, tạo ra hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần không nhỏ trong công cuộc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Điều 123, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

2Bộ Tư pháp, Báo cáo Kết quả theo dõi tình hình thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (năm 2018).

3Báo điện tử: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/37789102-nang-cao-chat-luong-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. An Trân. Nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/37789102-nang-cao-chat-luong-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat.html
  2. Bộ Tư pháp (2018). Báo cáo Kết quả theo dõi tình hình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2018.
  3. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
  4. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
  5. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Assessing the process of making legal documents of local state agencies according to the 2015 Law on Promulgation of Legal Documents

 Master. Ngo Tuyet Mai

Lecturer, Faculty of Administrative and Constitutional Law

Hanoi Law University

ABSTRACT:

This article introduces an overview of the process of making and promulgating legal documents of local state agencies, thereby raising difficulties in enforcing the 2015 Law on Promulgation of Legal Documents and proposing some solutions and recommendations to amend and supplement the law.

Keywords: Documents, legal norms, legal regulations.