Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, cùng với sự chuyển dịch
tích cực của cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cơ
cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng tăng
sản phẩm công nghiệp chế tạo và chế biến, giảm xuất thô và nâng cao giá trị gia
tăng trong kim ngạch xuất khẩu.
Hoạt động đánh giá tiềm năng xuất khẩu do Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa
và nhỏ Việt Nam được thực hiện ở cấp quốc gia và ở cấp vùng (Bắc, Trung và
Nam), tập trung vào 5 lĩnh vực và ngành hàng là nông nghiệp, công nghiệp, dịch
vụ, thủ công mỹ nghệ và thủy sản.
Đây là một trong những hoạt động trọng điểm, với mục tiêu là xác định các mặt
hàng có tiềm năng xuất khẩu ở cấp quốc gia và của từng khu vực nêu trên, để từ
đó xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển xuất khẩu ở cấp vùng trong giai
đoạn chính của Chương trình.
Ông Miroslav Delaporte, Trưởng đại diện SECO tại Việt Nam nhận xét, ở Việt Nam,
xuất khẩu hiện chiếm tỷ trọng trên 60% GDP và riêng năm 2013 có mức tăng trưởng
15,3%, tức cao hơn hẳn mục tiêu tăng 12% đã được xác định từ trước.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới
thông qua việc vận dụng tốt các điều kiện, chính sách và sự mở rộng về đầu ra
trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu cũng sẽ tận dụng được tiềm năng, cơ hội
trong hội nhập để đóng góp xứng đáng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa; tập trung vào mục tiêu gia tăng tỷ lệ
hàng thuộc ngành chế biến, chế tạo, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.
Báo cáo về tiềm năng xuất khẩu cho thấy những nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu
cao được nhìn nhận bao gồm sắn, cà phê, cao su, mây tre lá, tôm, điện và điện
tử… Điểm đáng chú ý trong đó nhóm này là những mặt hàng có giá trị kim ngạch
cao như cà phê, cao su, điện và điện tử… lại bộc lộ không ít hạn chế.
Đó là chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng thấp (cà phê, điện và điện tử); công
nghiệp phụ trợ kém phát triển (cao su)… Trong khi những mặt hàng có tiềm năng
cao như sắn, tiêu và gia vị, mây tre lá, gốm sứ, cá ngừ… dù nhu cầu thị trường
lớn nhưng giá trị xuất khẩu vẫn ở mức thấp do quá phụ thuộc vào thị trường
Trung Quốc, chưa kể chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, các bất cập còn thể hiện qua các mặt như giá trị gia tăng của các
mặt hàng xuất khẩu thường mang lại thấp (do chưa có thương hiệu, xuất khẩu phần
lớn qua các bên trung gian…); chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng thấp (ngành
nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ); cơ sở hạ tầng chế biến và
vận tải kém …
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng Đánh giá tiềm năng xuất khẩu, điều
đáng quan tâm là Việt Nam vẫn đang dựa vào là lợi thế về chi phí nhân công và
điều này đang trở nên ngày càng không bền vững trong hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt là với nhóm điện tử, dệt may và da giày thì phụ thuộc nhiều vào nguyên
liệu nhập khẩu. Đây là những ngành xuất khẩu truyền thống với kim ngạch xuất
khẩu cao, thặng dư thương mại lớn vừa là những ngành thu hút nhiều lao động.
Các ngành này đặc trưng cho việc khai thác lợi thế hiện tại của Việt Nam về chi
phí nhân công rẻ.
Dựa trên kết quả phân tích, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu
Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra các giải pháp ưu tiên cho từng ngành
hàng như với ngành điện, điện tử cần hỗ trợ nhà cung ứng kết nối với khách hàng
tiềm năng trong khối doanh nghiệp FDI và khách hàng nước ngoài hay hỗ trợ phát
triển các thương hiệu điện tử trong nước sản xuất; Với ngành giày dép là đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực
thiết kế. Với lúa gạo thì cần chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và
đặc sản cho xuất khẩu thời gian tới nhằm thúc đẩy sản xuất quy mô lớn…
Nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định
tới đây Việt Nam sẽ tập trung phát triển các mặt hàng công nghệ mới có giá trị
gia tăng cao, hàm lượng công nghiệp và chất xám cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu
tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Đồng
thời, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng giảm nhập khẩu hàng thô,
tăng tỷ trọng hàng công nghiệp đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo điện tử,
viễn thông, vật liệu xây dựng.
Đánh giá tiềm năng xuất khẩu
TCCT
Đó là chủ đề cuộc Hội thảo do Cục Hợp tác Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 30/7.