Đấu thầu gạo thất bại liên tục, áp lực đè nặng đối với Chính phủ Thái Lan

Thái Lan vừa qua đã tổ chức phiên đấu thầu gạo lần thứ 6 nhưng cũng như các phiên đấu thầu trước, giới kinh doanh gạo tỏ ra thờ ơ. Các phiên đấu thầu gạo thất bại đang đẩy Chính phủ Thái Lan vào tình

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Eklavya Chandra, giám đốc công ty Phoenix Commodities Ltd. (Thái Lan) cho biết, lượng gạo dự trữ của Thái Lan có thể đạt 16 triệu tấn. Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) dự báo lượng gạo dự trữ của Thái Lan trong niên vụ 2013/14 sẽ tăng mạnh 18% lên mức 14,9 triệu tấn. Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan vừa qua đã tuyên bố lượng gạo dự trữ của nước này đã giảm xuống chỉ còn 7 triệu tấn. Dù con số nào đúng đi chăng nữa thì lượng gạo dự trữ khổng lồ đang gây áp lực chính trị - kinh tế lên Chính phủ Thái Lan trong bối cảnh các phiên đấu thầu gạo của nước này gặp thất bại liên tục. 

Phản bác

Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đã bắt đầu thu mua lúa gạo từ nông dân nước này với mức giá cao hơn khoảng 35 - 40% giá thị trường vào năm 2011 nhằm gia tăng thu nhập của khu vực nông thôn. Chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan đã tạo ra nhiều quan ngại đối với quốc tế. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra từng giành được sự ủng hộ của nông dân nhờ chương trình trợ giá thu mua lúa gạo (Nguồn: Internet)

Trong tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo rằng nếu Chính phủ Thái Lan vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này thì các khoản thiệt hại tài chính sẽ ngày càng phình to ra. IMF cũng đưa ra gợi ý Chính phủ Thái Lan nên thay thế chương trình này bằng các khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các hộ nông dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan đã thẳng thừng phản bác quan điểm trên của IMF, Chính phủ Thái Lan cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittiratt Na-Ranong đã cho rằng IMF cần phải tìm hiểu rõ tình hình của Thái Lan trước khi đưa ra những chỉ dẫn chỉ mang tính lý thuyết. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Niwatthumrong Boonsongpaisan thì cho rằng chương trình trợ giá thu mua lúa gạo đã thực sự đem lại lợi ích, giúp nông dân giảm nợ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa Thái Lan và đánh giá mức thiệt hại tài chính chỉ ở mức nhỏ.

Ông Eklavya Chandra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg tại Hong Kong cho biết, mọi người đều nhận ra rằng với 16 triệu tấn gạo tồn trong kho không thể nào bán ra được trong một hoặc hai năm, do đó giá gạo trên thị trường sẽ không có xu hướng tăng lên; nguồn cung gạo đang tăng lên trong khi đó lượng gạo dự trữ của Thái Lan ở mức cao tạo ra nhiều áp lực hơn nữa lên giá gạo. 

Thất bại

Chính phủ Thái Lan đã và đang thực hiện các phiên đấu thầu gạo nhằm giải phóng lượng gạo dự trữ để lấy chỗ chứa cho lượng gạo của mùa vụ sắp tới và tạo nguồn tài chính duy trì chương trình trợ giá thu mua gạo. Trong ngày 20/11, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện phiên đấu thầu gạo lần thứ 6 với lượng gạo chào bán ra lên tới 452.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ có 4 nhà thầu tham gia phiên đấu thầu này, trong đó loại gạo trắng phổ biến 5% tấm chỉ nhận được đề nghị mua từ ba nhà thầu. Phản ứng hời hợt từ phía các công ty kinh doanh gạo đã nối dài thêm thất bại của Chính phủ Thái Lan trong việc xả bán gạo.

Bộ Thương mại Thái Lan đã cho biết: “Bầu không khi tại phiên đấu thầu được cho là khá yên tĩnh, chỉ có 4 nhà thầu tham gia.”

Năm cuộc đấu thầu bán gạo trước của Chính phủ Thái Lan cũng không gặp thành công khi chỉ chỉ có 293.000 tấn gạo được bán ra trên tổng số 960.339 tấn gạo được chào bán - theo trang oryza.com và chỉ thu hút một số ít công ty tham gia đấu thầu. Các thương nhân kinh doanh gạo cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến các phiên đấu thầu thất bại là do giá gạo Chính phủ Thái Lan đưa ra ở mức cao, trong khi đó giới kinh doanh gạo đang kỳ vọng giá gạo có khả năng giảm xuống nữa trong những tuần tới. Ngoài ra, giới thương nhân ưa thích mưa gạo mới từ vụ mùa hiện tại hơn là mua gạo cũ trong các kho của Chính phủ.

Những con số

Về mặt kinh tế, các khoản thiệt hại tài chính do chương trình trợ giá thu mua lúa gạo gây ra đe dọa đến mục tiêu giữ nợ công dưới mức 50% GDP của Thái Lan. Theo số liệu từ Văn phòng quản lý nợ công thuộc Bộ Tài chính Thái Lan (PDMO), tính đến tháng 9/2013, tỷ lệ nợ công của Thái Lan đạt 45,5% GDP.

Kể từ khi bắt đầu chương trình, Chính phủ Thái Lan đã chi ra khoảng 670 tỷ Baht tương đương 21,2 tỷ USD. Vào tháng 7/2013, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết chương trình trợ giá thu mua gạo gây ra khoản lỗ 136 tỷ Baht tương ứng 4,3 tỷ USD trong niên vụ 2011/12.

Vào tháng 10/2013, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Thái Lan và Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan ông Pridiyathorn Devakula ước tính khoản lỗ phải lên tới 435 tỷ Baht tương đương 13,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Niwatthumrong Boonsongpaisan đã bác bỏ ước tính trên và tuyên bố rằng khoản lỗ do chương trình gây ra không quá 100 tỷ Baht (3,2 tỷ USD) một năm. Dự kiến Chính phủ Thái Lan sẽ vẫn tiếp tục trả khoảng 8,6 tỷ USD để duy trì chương trình trợ giá thu mua lúa gạo trong niên vụ 2013/14.

Hãng đáng giá tín nhiệm Moody’s đã cảnh báo Chính phủ Thái Lan: “Những khoản lỗ hiện tại hoặc trong tương lai từ chương trình trợ giá thu mua lúa gạo sẽ gia tăng khó khăn đối với Chính phủ Thái Lan trong việc đạt cân bằng ngân sách tới năm 2017 và là tín hiệu tiêu cực đối với tình hình nợ do Chính phủ Thái Lan đứng tên.”

Áp lực Nông dân Thái Lan phong tỏa một con đường vào tháng 9/2013 (Nguồn: Internet)

Vấn đề tìm kiếm nguồn tài chính để tài trợ cho chương trình trợ giá thu mua gạo đang đè nặng lên Chính phủ Thái Lan khi doanh số thu về từ việc bán gạo dự trữ rất nhỏ do lượng gạo bán ra được thấp. Theo Hiệp hội nông dân trồng lúa Thái Lan, đã có hàng ngàn lời phàn nàn về việc Chính phủ Thái Lan chưa chi trả tiền mua lúa gạo.

Chính phủ Thái Lan đã phải tuyên bố sẽ phát hành 75 tỷ Baht (2,38 tỷ USD) tiền trái phiếu kỳ hạn 3 năm vào đầu tháng 12/2013 nhằm có tiền chi trả cho nông dân. PDMO cho biết lượng trái phiếu sẽ được phát hành bởi Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC).

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Prasit Boonchoey – chủ tịch hiệp hội – cho biết: “Họ (những người nông dân) đang rất tức giận và nhiều người trong số họ sẵn sàng tham gia một cuộc biểu tình lớn chống lại Chính phủ tại Bangkok. Nhận được tiền vào đầu tháng 12 thì rất muộn nhưng những người nông dân nghèo không làm được gì hơn ngoài việc chờ đợi.”

Ông Suwit Rojanawanich, phó giám đốc PDMO cho biết: “Trái phiếu sẽ được chào bán ra công chúng vào tháng 11 do đó chúng tôi có thể huy động được vốn vào khoảng thời gian nông dân bắt đầu thu hoạch. Tiền sẽ có sẵn vào đầu tháng 12.”

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa làm an lòng người nông dân Thái Lan. Một số nông dân cho biết họ có thể phong tỏa giao thông tại những khu vực của họ nhằm tạo áp lực cho việc thanh toán – như những nông dân trồng cao su đã làm hồi tháng 9/2013; số khác cho biết họ sẽ biểu tình tại Bangkok. Ông Vichien Phuanlamjiak, người đứng đầu một nhóm nông dân tại tỉnh Ayutthaya – một tỉnh canh tác lúa chính của Thái Lan – đã nói rằng: “Nhóm của tôi sẽ đến Bangkok để hỏi Bộ trưởng Bộ Thương mại tại sao chúng tôi vẫn chưa được trả tiền.”