Tác động kinh tế của chương trình trợ giá lúa gạo Thái Lan

Với mục tiêu ban đầu đảm bảo thu nhập cho người nông dân, giờ đây chương trình trợ giá lúa gạo của Thái Lan đang tạo ra những tác động không chỉ đến nền kinh tế Thái Lan mà còn ảnh hưởng đến nền kinh
Tác động của chương trình đến nền kinh tế Thái Lan

Với quyết định thu mua lúa gạo với giá cao hơn 50% giá thị trường nội địa, sau gần 2 năm được thực hiện, Chương trình Trợ giá Lúa gạo Thái Lan (gọi tắt là Chương trình) đã khiến giá gạo Thái Lan cao hơn và kém cạnh tranh hơn so với gạo đến từ các nước Việt Nam, Ấn Độ…. Xuất khẩu gạo của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ điều này.

Theo báo cáo về gạo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong 5 tháng đầu năm 2013, tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan ước đạt 2,5 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo Thái Lan trong năm 2012 đã sụt giảm còn 6,95 triệu tấn, từ mức xuất khẩu kỷ lục 10,6 triệu tấn trong năm 2011. Trong năm 2012, Ấn Độ và Việt Nam đã vượt xa Thái Lan để trở thành 2 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với con số xuất khẩu lần lượt đạt 10,2 triệu tấn và 8 triệu tấn gạo xuất khẩu..Theo dự báo của USDA, xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2013 sẽ đạt 7 triệu tấn, tiếp tục đứng sau Ấn Độ (9 triệu tấn) và Việt Nam (7,4 triệu tấn).

Ngoài tác động đến tình hình xuất khẩu gạo của Thái Lan, Chương trình cũng tạo ra một lượng gạo dự trữ khổng lồ khoảng 17,5 triệu tấn (theo ước tính của USDA) cho Thái Lan, trong đó có 9,5 triệu tấn từ niên vụ 2011/12 và khoảng 8 triệu tấn trong niên vụ 2012/13.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính lượng gạo dự trữ của Chính phủ Thái Lan đạt 17,5 triệu tấn
Theo ước tính của Chính phủ Thái Lan, trong giai đoạn 2011/12, Chương trình Trợ giá Lúa gạo đã gây thiệt hại tài chính khoảng 136,9 tỷ Baht (4,2 tỷ USD), tuy nhiên một số ước tính khác cho rằng con số này phải là 260 tỷ Baht (8,5 tỷ USD). Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã cảnh báo những tổn thất tài chính nói trên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cân bằng ngân sách và tình hình nợ công của Thái Lan.

Dự báo tác động của Chương trình đến nền kinh tế thế giới trong thời gian tới

Với mức giá thu mua nội địa bị đẩy lên cao trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới ở mức thấp, nguồn cung gạo dồi dào, gạo Thái Lan đang được đánh giá là đánh mất vị thế của mình trên thị trường gạo thế giới, và vị trí đó chuyển sang cho Ấn Độ và Việt Nam. Tuy các lời chỉ trích về Chương trình Trợ giá Lúa gạo ngày càng tăng, nhưng Chính phủ Thái Lan hiện vẫn chưa có cam kết cụ thể về việc có tiếp tục duy trì chương trình này nữa hay không cùng với phương án giải quyết ổn thỏa một lượng gạo lớn đang bị ách tắc tại các kho chứa của Chính phủ. Tất cả những điều này có thể khiến thị trường gạo thế giới trở nên bất ổn hơn.

Theo các chuyên gia nhận định, nếu Thái Lan quyết định xả bán gạo ra thị trường thì điều này rất có thể dẫn đến một cuộc chiến về giá gạo. Đặc biệt là giữa Thái Lan với Ấn Độ và Pakistan do mức chênh lệch giá giữa gạo những nước này không cao. Một cuộc chiến giá sẽ kéo giá gạo nói riêng, giá lương thực nói chung trên thế giới giảm xuống thấp hơn nữa và đem lại nguồn lợi lớn cho các nước nhập khẩu gạo.

Về phần mình, Chính phủ Thái Lan hiện đang lên kế hoạch xả dần lượng gạo dự trữ dư thừa thông qua việc đẩy mạnh các giao dịch gạo liên Chính phủ với trọng tâm là các nước: Trung Quốc, Iran và Indonesia. Đồng thời, Thái Lan có kế hoạch bán ra 900.000 tấn gạo mỗi tháng thông qua đấu thầu cùng với hoạt động xúc tiến bán gạo trên thị trường kỳ hạn. Dự báo trong thời gian tới, Chính phủ Thái Lan sẽ thực hiện ráo riết các biện pháp bán gạo và đàm phán với người nông dân về việc hạ mức giá thu mua lúa gạo mới. Điều này được cho là sẽ giảm bớt các lời chỉ trích từ dư luận, vừa tháo gỡ các khó khăn tài chính để tiếp tục duy trì chương trình này cho đến hết mùa vụ thứ 2 niên vụ 2012/13.

Theo một số nhà phân tích, dự kiến Chương trình Trợ giá Lúa gạo có thể sẽ tiếp tục được duy trì cho đến ít nhất năm 2015, thời điểm bầu cử của Thái Lan. Trong ngày 10/7, sau khi kết thúc cuộc họp với các quan chức Chính phủ, ông Parist Boochuey, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Lan cho biết: “Chương trình trợ giá lúa gạo chắc chắn sẽ được duy trì, tuy nhiên chưa có kết luận chính thức về mức giá hỗ trợ”.

Diễn biến của Chương trình trợ giá lúa gạo Thái Lan
• 10/2011: Chương trình trợ giá lúa gạo được bà Yingluck Shinawatra - Thủ tướng Thái Lan hiện tại, đưa ra như lời hứa tranh cử nhằm giành được sự ủng hộ từ những người nông dân.
• 3/6/2013: Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đưa ra cảnh báo với số lỗ hơn 200 tỷ Bath do Chương trình trợ giá lúa gạo gây ra sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính và nợ công của Thái Lan.
• 19/6/2013:  Ủy ban Chính sách gạo Quốc gia Thái Lan đã quyết định giảm 20% giá mua gạo tạm trữ theo chương trình trợ giá lúa gạo, áp dụng từ ngày 1/7/2013. Nông dân Thái Lan đã biểu tình phản đối quyết định này.
• 1/7/2013: Dưới sức ép của các cuộc biểu tình, Chính phủ Thái Lan quyết định giữ nguyên mức giá thu mua gạo tạm trữ như cũ đến vụ thứ 2 niên vụ 2012/13.
• 10/7/2013: Chính phủ Thái Lan tiến hành thỏa thuận mức giá thu mua gạo mới với người nông dân, đồng thời tìm cách giải quyết lượng gạo tồn trữ trong kho.
• 26/7/2013: Dự kiến, Chính phủ Thái Lan sẽ mở thầu bán ra 350.000 tấn gạo, đây sẽ là lần bán gạo tạm trữ đầu tiên của Thái Lan kể từ tháng 9/2012.