Đầu tư dự án Khoa học công nghệ phục vụ mỏ than Núi Béo

Ngày 4/12/2013, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng Dự án Khoa học và Công nghệ “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công ngh
Đây là một trong hai dự án khoa học công nghệ lớn mà Bộ Khoa học và Công nghệ giao Bộ Công Thương quản lý với tổng kinh phí 401.582 triệu đồng, trong đó 46.470 triệu đồng, từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chủ trì Dự án. Dự án do Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin triển khai thực hiện trong thời gian từ 01/2013 đến tháng 06/2016.

Hành trình Dự án

Trong những năm qua, sản lượng than khai thác của Vinacomin tăng trưởng với tốc độ cao nhưng điều thấy rõ là sản lượng khai thác lộ thiên ngày càng giảm. Do vậy, các mỏ hầm lò cần phải tiến hành theo hai hướng đổi mới công nghệ khai thác nhằm nâng cao sản lượng khai thác và đầu tư xây dựng mỏ mới, tầng khai thác mới. Hướng chủ đạo đảm bảo ổn định và nâng cao sản lượng khai thác là tập trung đầu tư các mức sâu tại các mỏ hầm lò đang hoạt động cũng như mở các mỏ mới ở các trữ lượng vỉa than chưa huy động vào sản xuất như các mỏ khu vực Bảo Đài, Đông Triều và vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại các mỏ hầm lò Việt Nam hiện chủ yếu mở vỉa bằng lò bằng hoặc giếng nghiêng, chỉ có Công ty than Mông Dương mở vỉa bằng 1 cặp giếng đứng giếng với đường kính 6m xuống mức 97,5, nhưng công tác thi công đào giếng cũng như lắp đặt thiết bị trục tải giếng được thực hiện từ rất lâu 1972 và do các chuyên gia Liên Xô thực hiện và hoàn thành đưa vào hoạt động từ năm 1980.

Ông Vũ Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, nhằm phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác, được sự cho phép của Chính phủ, Tập đoàn giao cho Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin chủ trì công tác tư vấn thiết kế mỏ hầm lò Núi Béo, trong đó bao gồm tư vấn thiết kế giếng đứng và sân ga đáy giếng với sự phối hợp thiết kế của Công ty thiết kế mỏ Giproshakt LB Nga. Công tác thi công xây dựng giếng đứng giao cho Công ty xây dựng hầm lò 1 – Vinacomin, công tác chế tạo và lắp đặt hệ thống trục tải giao Công ty Chế tạo máy - Vinacomin chủ trì phối hợp với đối tác có năng lực của nước ngoài thực hiện. Dự án “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo” là một dự án quan trọng của Tạp đoàn, bởi ngành than tiếp tục đảm đương nhiệm vụ khai thác than ngày càng nhiều hơn và xuống sâu hơn, trong đó chủ yếu sử dụng giếng đứng. Với việc thực hiện Dự án, ngành Than có thể tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất chế tạo một số thiết bị. Kết quả của Dự án không chỉ phục vụ riêng Than Núi Béo mà còn phục vụ chung cho các đơn vị trong ngành.Với quy hoạch phát triển sản lượng than và kế hoạch sẽ xây dựng các mỏ hầm lò mới thì vấn đề làm chủ công tác tư vấn thiết kế thi công và xây dựng quy trình công nghệ đào chống lò giếng đứng cũng như thiết kế chế tạo nội địa hoá các hệ thống trang thiết bị trục tải giếng đứng là hết sức cần thiết cho sự chủ động thi công xây dựng, tăng số lượng và khối lượng thi công và gia công thiết bị cơ khí trong nước, đem lại hiệu quả kinh tế do nội lực Việt Nam tự thiết kế, thi công đào chống lò và chế tạo gia công cơ khí, phát triển và nâng cao trình độ cơ khí trong nước.


Ông Vũ Mạnh Hùng ký kết hợp đồng với ông Nguyễn Anh Tuấn
 Viện trưởng Viện KH-CN Mỏ Xuất phát từ các vấn đề trên, song song với việc triển khai dự án xây dựng mỏ hầm lò Núi Béo, Bộ Công Thương đã có văn bản số 614/BCT-KHCN ngày 22/01/2013 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hiệp y danh mục các nhiệm vụ thuộc Dự án KHCN: “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”. Ngày 31/01/2013 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 172/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt danh mục các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Dự án KHCN nêu trên. Đại diện Bộ Công Thương – ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ KHCN nhấn mạnh, với sự nỗ lực hết sức mình, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã chứng minh được khả năng đảm đương một dự án KHCN lớn. Đây là dự án có tính chất thí điểm của Bộ Công Thương, thể hiện chủ trương gắn các công trình nghiên cứu với địa chỉ sản xuất cụ thể, đưa sản phẩm vào thực tế.

Mục tiêu của dự án là tiếp cận, nắm bắt và làm chủ được công nghệ thiết kế và đào giếng đứng, đề xuất được các giải pháp xử lý kỹ thuật trong quá trình đào chống giếng đứng tại mỏ than hầm lò Núi Béo; làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo một số trang thiết bị trục tải giếng đứng. Trên cơ sở triển khai thử nghiệm tại mỏ than Núi Béo, phấn đấu sau năm 2015 sẽ triển khai nhân rộng và làm chủ hoàn toàn khi thi công xây dựng giếng đứng cho các mỏ hầm lò tương tự khác.

Hiệu quả thiết thực

Sau thời gian thực hiện Dự án, các đơn vị trong nội bộ Vinacomin sẽ có đủ khả năng thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, triển khai thi công xây dựng giếng một cách độc lập không phụ thuộc vào nước ngoài.Tham dự lễ ký kết, ông Nguyễn Đình Hậu – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ khẳng định, Bộ Khoa học Công nghệ tin tưởng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin được Bộ Công Thương lựa chọn giao thực hiện Dự án sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của hai Bộ. Bởi đây là cơ hội để nâng cao kỹ năng kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu về nghiên cứu thiết kế, sản xuất chế tạo, lắp đặt và vận hành các thiết bị kết cấu cơ khí lớn, phức tạp của hệ thống trục tải giếng đứng. Từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo sản phẩm; giảm dần việc thuê chuyên gia và nhập khẩu thiết bị nước ngoài, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam. Mục tiêu của KHCN Việt Nam trong giai đoạn tới là tăng dần tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm nghiên cứu, do đó các dự án có gắn với sản xuất thực tế sẽ được ưu tiên tạo điều kiện.

Phía Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, ông Vũ Mạnh Hùng cũng khẳng định, Tập đoàn sẽ tạo mọi điều kiện để Viện Khoa học Công nghệ Mỏ triển khai Dự án có chất lượng, đảm bảo tiến độ đề ra, đồng thời đáp ứng đầy đủ thủ tục thanh quyết toán theo qui định. Thành công của Dự án giúp nâng cao tiềm lực KHCN của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đồng thời góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật, kỹ năng sản xuất công nghệ của các đơn vị hợp tác sản xuất. Tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất tiếp cận công nghệ chế tạo sản phẩm kỹ thuật cao, từ đó hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm thiết bị máy móc để hiện đại hoá sản xuất, phát triển cơ khí ngành than xứng tầm với thương hiệu Tập đoàn Than - Khoáng sản.

Là đơn vị được tin tưởng lựa chọn nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ cam kết sẽ thực hiện theo đúng các nội dung ký kết trong hợp đồng, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch. 6 nhiệm vụ thuộc Dự án sẽ do các chuyên gia có kinh nghiệm đảm nhiệm, nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất của Dự án.

Sự thành công của Dự án chế tạo thiết bị trục tải giếng đứng sẽ là tiền đề để đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam có thêm kỹ năng, kinh nghiệm tiến sâu vào các lĩnh vực tư vấn thiết kế giếng đứng, công nghệ thi công giếng đứng, chế tạo và lắp đặt các kết cấu cơ khí phức tạp trong ngành Than - Khoáng sản. Từng bước đưa công nghệ thiết kế đào giếng đứng, thiết kế chế tạo hệ thống trục tải giếng đứng phát triển có khả năng cạnh tranh với các đơn vị trong khu vực và trên thế giới.
Hồ Nga