Từ đầu năm nay xuất hiện tình trạng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ cho sự phục hồi kinh tế, như: Nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng ở mức cao; cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng. Cùng lúc, việc chậm giải ngân đầu tư công vốn kéo dài trong nhiều năm, đến nay chưa có chuyển biến đáng kể, kể cả các dự án lớn, hạ tầng quan trọng.
Theo các chuyên gia, chậm chễ trong giải ngân vốn đầu tư công, một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế.
Đồng thời, nền kinh tế chịu rất nhiều áp lực khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo tình hình trong những tháng cuối năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều khả năng phục hồi ngày càng chậm lại, thậm chí có thể xảy ra suy thoái ngắn hạn. Nhiều nước tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn, mạnh hơn, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu; xung đột tại Ucraina có thể kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm tàng rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực…
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn. Nhiều tổ chức quốc tế nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”.
Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam liên tục được nâng mức dự báo, trong khi thế giới và nhiều quốc gia khác liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng. Gần đây nhất IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5/2022). Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021)
Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.
Thách thức của Việt Nam hiện nay là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, linh hoạt điều phối giữa chính sách tài chính và tiền tệ. Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, trong đó việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế là rất phù hợp với phát triển kinh tế số, phát triển mới bền vững. Trong đó, trọng tâm là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở phục hồi kinh tế để kiểm soát lạm phát.
Mục tiêu phục hồi là phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Đồng thời, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Tiếp đến là tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.
Nhằm vào các mục tiêu: phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách là giải pháp đồng bộ bảo đảm sự cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát.