Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời của các dân tộc huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Con gái Mường từ 10 tuổi đã được mẹ dạy dệt vải; lớn hơn chút nữa đã có thể tự dệt và khâu thành váy áo và những vật dụng cho cuộc sống hàng ngày. Ngày nay do vải công nghiệp rẻ và sẵn, dệt thổ cẩm đòi hỏi nhiều thời gian, nên nhiều nơi bà con không làm nữa.
Với mong muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm quê hương và tìm cách đưa sản phẩm tự cấp tự túc này trở thành sản phẩm hàng hoá, năm 2010, bà Dương Thị Bin đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành (ở xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn) chuyên sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thổ cẩm.
Để giúp Công ty khởi nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 4 lớp đào tạo 200 học viên dệt thổ cẩm. Có nguồn lao động trẻ, năng động với sự thay đổi, bà Bin đã đi thực tế nhiều vùng từ Bắc vào Nam để tham khảo các mô hình hoạt động của những làng nghề đang thành công, tìm đến các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm. Đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và những chuyến đi, bà Bin có những cải tiến vào trong những sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng nhưng vẫn đảm bảo những nét truyền thống đặc sắc.
Đơn hàng về đều đều, bà lại đến từng hộ gia đình vận động chị em tham gia tổ sản xuất. Ở đây, người thì dệt, người thì khâu nên sản phẩm làm ra nhanh hơn, nhiều hơn và bắt mắt hơn. Công việc đều, thu nhập cao hơn, lại không phải đi xa, nhiều chị em tìm đến xin vào tổ sản xuất. Đến nay, Công ty Lục Nghiệp Thành đã hình thành nên 6 tổ sản xuất với hơn 600 khung dệt trong xã và các xã lân cận, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm chị em với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng.
Bà Bùi Thị Vân, xóm Lục, xã Yên Nghiệp, là một trong những thợ dệt lành nghề nhất ở địa phươngĐể Làng nghề dệt thổ cẩm Làng Lục thực sự phát triển, bà Dương Thị Bin, Giám đốc Công ty Lục Nghiệp Thành mong muốn, các cơ quan quản lý quan tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu bông, tơ để giảm bớt chi phí cho việc mua các nguyên liệu sản xuất; tổ chức để Làng Lục được giao lưu, liên kết, trao đổi kinh nghiệm với các làng nghề khác trong và ngoài tỉnh nhằm vươn tới những tiến bộ mới trong kỹ thuật và những tiềm năng mới trong sáng tạo để sản phẩm của Làng nghề có tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường.
“Lý tưởng nhất là được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình hỗ trợ mua máy se sợi để không phải lấy sợi từ Nam Định nữa, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho bà con. Có việc và thu nhập ổn định họ sẽ không còn rời gia đình đi làm ăn xa nữa, thậm chí có người sẽ quay lại quê làm việc”, bà Bin trăn trở.
Được biết, hiện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình đang lập đề án hỗ trợ máy móc cho Làng Lục. Khi thành hiện thực, đây là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân nơi đây phát triển bền vững hướng tới mục tiêu tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.