Để hạn chế tới mức thấp nhất những nguy cơ gây sự cố cục bộ trên hệ thống điện thì ngành Điện nói chung và Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) nói riêng rất cần sự chung tay, thay đổi ý thức sử dụng điện của khách hàng và đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiết giảm chi phí, tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và Thủ đô Hà Nội những ngày qua đã làm lượng điện tiêu thụ tăng rất mạnh. Ghi nhận từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào trưa ngày 18/7/2022, công suất tiêu thụ điện toàn miền Bắc lập đỉnh mới là 22.800MW và tại Thủ đô Hà Nội cũng rất cao ở mức 4.814 MW. Nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao kéo theo nguy cơ xảy ra sự cố trên lưới điện, nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chung tay cùng ngành điện cắt giảm phụ tải trong những đợt cao điểm nắng nóng.
Là đơn vị chuyên sản xuất bánh răng và các loại phụ tùng cho động cơ, Công ty TNHH CreditUp Industry Việt Nam có 5 trạm biến áp riêng để vận hành những cỗ máy dập 4000 tấn và các lò nung cao tần.
Để gia công được những chi tiết cơ khí chính xác thì mỗi tháng, công ty tiêu thụ hết 1,1 triệu KWh điện, tương ứng với khoảng hơn 2 tỷ đồng tiền điện. Dù nhu cầu phục hồi sản xuất, đáp ứng những đơn hàng sau đại dịch Covid–19 là bức thiết. Tuy nhiên trước hiện tượng thời tiết diễn biến cực đoan bất thường, lãnh đạo công ty cũng đã phối hợp với EVNHANOI thực hiện điều chỉnh phụ tải để giảm lượng điện năng tiêu thụ.
Ông Chu Jen Chuan, Giám đốc điều hành Công ty TNHH CreditUp Industry Việt Nam cho biết: "Công ty và Ngành điện đã đạt được những thỏa thuận trong việc điều chỉnh phụ tải đảm bảo an ninh năng lượng. Chúng tôi xác định và chủ động các giải pháp như bố trí ca làm việc vào giờ thấp điểm, tận dụng công nhân bảo dưỡng, vệ sinh máy móc nhà xưởng, cũng như ưu tiên các phần đóng gói bao bì, đồng thời tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí, tạo thêm nhiều giá trị khác cho doanh nghiệp".
Còn tại Trung tâm thương mại (TTTM) AEONMall Hà Đông, sau đại dịch, TTTM đang ở trong giai đoạn cao điểm đón khách quay trở lại mua sắm, sử dụng các dịch vụ nên công suất tiêu thụ điện cũng tăng cao.
Để tối ưu chi phí, trung tâm dù đã sử dụng phương pháp làm mát bằng nước thay vì khí gas như các hệ thống điều hòa nhiệt độ thông thường nhằm tiết kiệm điện năng, nhưng mỗi tháng, hệ thống làm mát, chiếu sáng cũng như các tiện ích sử dụng điện khác của TTTM này cũng tiêu thụ tới gần 7 tỷ đồng tiền điện. Trong những ngày nắng nóng, việc điều chỉnh phụ tải ở những TTTM lớn như thế này cũng góp phần không nhỏ vào việc giữ an toàn lưới điện.
Ông HiroYuki Tanaka Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMall Việt Nam cho biết: Chúng tôi thực hiện tối ưu hệ thống chiếu sáng và điều hòa trung tâm nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành TTTM, thực hiện chương trình ECO-DAY nhằm tiết kiệm năng lượng vào mỗi thứ 6 cuối cùng của tháng, nhiệt tình tham gia các chương trình tiết kiệm điện do Ngành điện tổ chức…
Bên cạnh sự chung tay, đồng hành của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì EVNHANOI cũng có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng xảy ra sự cố trên lưới điện. Ông Hoàng Quang Đạo, Giám đốc trung tâm điều độ hệ thống điện Hà Nội chia sẻ: "Việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc, xử lý triệt để 100% các khiếm khuyết , tồn tại trên lưới điện là việc làm thường xuyên của EVNHANOI. Các công trình đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo lưới điện cũng đã được hoàn thành xong trước ngày 30/4/2022. Vào thời điểm nắng nóng, EVNHANOI sẽ dồn hết mọi nguồn lực để đảm bảo cung cấp điện cho Thủ đô an toàn và tin cậy nhất".