Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam và Campuchia đã ký kết và thực hiện các Bản Thỏa thuận trong các giai đoạn: 2006-2007, 2010-2011, 2012-2013, 2014-2015, 2016-2017, 2019-2020, 2021-2022. Ngày 19/04/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về việc ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2023 – 2024.
Ngày 02/06/2023, Bộ Công Thương đã ký kết với phía Campuchia Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023 – 2024. Theo quy định tại Điều 12 và Điều 14 của Bản Thỏa thuận, Bản Thỏa thuận có hiệu lực kể từ ngày 02/06/2023 và hết hạn vào ngày 31/12/2024.
Trong giai đoạn 2021-2022, để thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu tại Bản Thỏa thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2021/NĐ-CP ngày 13/09/2021 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2021 – 2022. Theo quy định, Nghị định có hiệu lực cho đến hết ngày 31/12/2022.
Nhằm tuân thủ cam kết của Việt Nam tại điều ước quốc tế đã ký kết, Việt Nam cần ban hành Nghị định quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023-2024.
Nghị định được xây dựng nhằm đảm bảo thực hiện đúng cam kết của Việt Nam tại Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2023-2024 (được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn tất việc ký kết Bản Thỏa thuận với phía Campuchia vào ngày 02/6/2023), đảm bảo tính tương thích của Nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, bao gồm việc tuân thủ Hiệp định Hải quan ASEAN (Điều 19 Hiệp định Hải quan ASEAN) về việc áp dụng Danh mục AHTN 2022 của ASEAN và Danh mục HS phiên bản 2022 của Tổ chức Hải quan thế giới khi xây dựng Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực thi Bản Thỏa thuận.
Biểu thuế 29 mặt hàng hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt được thu hẹp 02 dòng hàng so với 31 mặt hàng
Theo dự thảo, ban hành kèm theo Nghị định này 01 Biểu thuế và 02 danh mục tương ứng tại 03 phụ lục:
Phụ lục I, quy định danh mục hàng hóa áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% của Việt Nam đối với các mặt hàng có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia tương ứng với các mặt hàng thuộc Phụ lục I của Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia (bao gồm cả mặt hàng lúa gạo và lá thuốc lá chưa chế biến nằm trong số lượng hạn ngạch quy định tại Điều 3, 4 Bản Thỏa thuận).
Phụ lục II, quy định danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan của Việt Nam: phù hợp với quy định tại Điều 3, 4 của Bản Thỏa thuận về mặt hàng (gạo, lá thuốc lá khô) và số lượng, tỷ lệ quy đổi.
Phụ lục III, danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng hưởng ưu đãi đặc biệt: quy định này tại Nghị định là phù hợp với quy định tại Phụ lục III Bản Thỏa thuận.
Biểu thuế 29 mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại Nghị định này được thu hẹp 02 dòng hàng so với 31 mặt hàng tại Nghị định 83/2021/NĐ-CP ngày 13/9/2021 (đưa 02 mặt hàng là các thực phẩm giòn có hương liệu khác có mã HS là 1905.90.80 và Loại khác có mã HS là 1905.90.90 ra khỏi Biểu thuế ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Campuchia trong Thỏa thuận giai đoạn 2023 - 2024 do thuế suất mặt hàng này đã về 0% theo Hiệp định ATIGA).
Điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
Dự thảo quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nếu:
1. Hàng hóa thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định;
2. Có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Campuchia cấp;
3. Thông quan qua các cặp cửa khẩu nêu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định.
Thuế suất và hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng lúa gạo và lá thuốc lá chưa chế biến có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia
Dự thảo quy định việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định, bao gồm mặt hàng lúa gạo và mặt hàng lá thuốc lá chưa chế biến.
Đối với mặt hàng lúa gạo: Trường hợp nhập khẩu trong hạn ngạch quy định tại Phụ lục II thì áp dụng mức thuế suất 0%; trường hợp nhập khẩu vượt hạn ngạch thì có thể áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Campuchia cùng là thành viên, hoặc có thể được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) theo quy định tại Nghị định Biểu thuế MFN và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Đối với mặt hàng lá thuốc lá: Trường hợp nhập khẩu trong hạn ngạch quy định tại Phụ lục II, thì áp dụng mức thuế suất 0%; trường hợp nhập khẩu vượt hạn ngạch quy định tại Phụ lục II, nhưng vẫn nằm trong tổng mức hạn ngạch theo WTO, thì số lượng này được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi; trường hợp nhập khẩu vượt hạn ngạch quy định tại Phụ lục II và nằm ngoài tổng mức hạn ngạch theo WTO, thì áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với mặt hàng lá thuốc lá chưa chế biến, theo quy định tại Nghị định Biểu thuế MFN và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Các mặt hàng lúa gạo do các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại các tỉnh của Campuchia tiếp giáp biên giới Việt Nam nhập khẩu về Việt Nam không tính vào số lượng hạn ngạch của mặt hàng lúa gạo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Các mặt hàng lúa gạo và lá thuốc lá chưa chế biến có xuất xứ từ Campuchia do các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu về Việt Nam để tái xuất đi các thị trường khác thực hiện theo cơ chế tạm nhập tái xuất không tính vào số lượng hạn ngạch của mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Dự thảo Nghị định quy định:
Về Phạm vi điều chỉnh
Quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và điều kiện hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2023-2024.
Về Đối tượng áp dụng
Phù hợp với đối tượng thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Hải quan, Nghị định này quy định 03 đối tượng áp dụng là: (1) Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan; (3) Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia.