Đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính

Bài báo nghiên cứu "Đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính" do ThS. Nguyễn Thị Phước (Giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính. Thông qua phương pháp nghiên cứu tài liệu, tác giả phân tích các thành phần cấu thành rủi ro kiểm toán và làm rõ những yếu tố tác động đến rủi ro này. Dựa trên các kết quả phân tích, bài viết đề xuất những nhân tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán, từ đó cung cấp một số gợi ý nhằm giảm thiểu rủi ro và cải thiện hiệu quả của quá trình kiểm toán.

Từ khóa: rủi ro, kiểm toán, báo cáo tài chính, rủi ro kiểm toán, kiểm toán viên.

1. Đặt vấn đề

Rủi ro kiểm toán là yếu tố quan trọng trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và độ tin cậy của kết quả kiểm toán. Việc đánh giá và quản lý rủi ro kiểm toán là một công việc không thể thiếu trong kế hoạch kiểm toán, giúp kiểm toán viên (KTV) xác định các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra những biện pháp phòng ngừa thích hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rủi ro kiểm toán có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán là cần thiết để cải thiện chất lượng kiểm toán, đồng thời giảm thiểu sai sót và gian lận trong báo cáo tài chính. Bài viết này sẽ tập trung vào việc phân tích và đề xuất các nhân tố có thể tác động đến rủi ro kiểm toán, từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu rủi ro, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán báo cáo tài chính.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm rủi ro kiểm toán

Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) 200, “Rủi ro kiểm toán là rủi ro do KTV đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán còn chứa đựng sai sót trọng yếu. Rủi ro kiểm toán là hệ quả của rủi ro có sai sót trọng yếu (gồm rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát) và rủi ro phát hiện”. Như vậy, rủi ro kiểm toán là khi báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán không trung thực hợp lý nhưng KTV nói rằng chúng trung thực hợp lý. Rủi ro nằm ở chỗ kiểm toán không phát hiện ra rằng báo cáo tài chính không trung thực hợp lý và điều này khiến công ty kiểm toán gặp rủi ro. Vì vậy, các công ty kiểm toán phải đưa ra các quy trình và kế hoạch để giảm thiểu rủi ro kiểm toán ở mức tốt nhất có thể.

2.2. Mô hình rủi ro kiểm toán

Theo VSA 200:

- Rủi ro kiểm toán là hệ quả của rủi ro có sai sót trọng yếu (gồm rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát) và rủi ro phát hiện. Do đó, mô hình rủi ro kiểm toán được thể hiện như sau:

AR = IR x CR x DR 

Trong đó:

AR (Audit risk): Rủi ro kiểm toán

IR (Inherent risk): Rủi ro tiềm tàng

CR (Control risk): Rủi ro kiểm soát

DR (Detection risk): Rủi ro phát hiện

- Rủi ro tiềm tàng là rủi ro tiềm ẩn, vốn có, do khả năng cơ sở dẫn liệu của một nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh có thể chứa đựng sai sót trọng yếu, khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, trước khi xem xét đến bất kỳ kiểm soát nào có liên quan;

Rủi ro tiềm tàng được coi là rủi ro chưa được xử lý, tức là mức độ rủi ro tự nhiên vốn có trong một quy trình hoặc hoạt động kinh doanh trước khi đơn vị được kiểm toán triển khai bất kỳ quy trình nào để giảm rủi ro. Đây là mức độ rủi ro trước khi đơn vị được kiểm toán áp dụng bất kỳ biện pháp kiểm soát nội bộ nào.

Một yếu tố chính gây ra rủi ro tiềm tàng là cách đơn vị tiến hành các hoạt động hàng ngày của mình. Một đơn vị không thể ứng phó với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng và cho thấy rằng mình không thể thích ứng có thể làm tăng mức độ rủi ro tiềm tàng. Một vấn đề khác có thể làm tăng mức độ rủi ro tiềm tàng là cách một đơn vị ghi lại các giao dịch và hoạt động phức tạp. Một đơn vị thu thập dữ liệu từ nhiều công ty con để kết hợp thông tin đó sau này được coi là tham gia vào công việc phức tạp, có thể bao gồm các sai sót trọng yếu và gây ra rủi ro tiềm tàng. Ngoài ra, rủi ro tiềm tàng có thể tăng lên do thiếu sự chính trực trong quản lý của đơn vị. Một công ty có thể giảm thiểu rủi ro tiềm tàng bằng cách triển khai các biện pháp kiểm soát nội bộ.

KTV có thể sử dụng rủi ro tiềm tàng để xác định các mối đe dọa tiềm ẩn, khả năng xảy ra sự cố và tác động tiềm ẩn. Khi tìm kiếm hồ sơ rủi ro của đơn vị được kiểm toán, KTV và công ty kiểm toán hãy cân nhắc các yếu tố rủi ro sau: đặc điểm doanh nghiệp, thực hiện xử lý dữ liệu, mức độ phức tạp, phong cách quản lý.

- Rủi ro kiểm soát là rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu, khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, đối với cơ sở dẫn liệu của một nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh mà kiểm soát nội bộ của đơn vị không thể ngăn chặn hoặc không phát hiện và sửa chữa kịp thời.

Rủi ro kiểm soát là khả năng xảy ra tổn thất bắt nguồn từ sự trục trặc của các biện pháp kiểm soát nội bộ có liên quan mà công ty triển khai để giảm thiểu rủi ro hoặc do hoàn toàn không có các biện pháp kiểm soát nội bộ phù hợp đó. Rủi ro kiểm soát xảy ra do những hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty. Nếu hệ thống kiểm soát nội bộ không được xem xét định kỳ, chúng có thể sẽ mất hiệu quả theo thời gian.

Có sự khác biệt rõ ràng giữa rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát. Rủi ro tiềm tàng xuất phát từ bản chất của hoạt động kinh doanh mà không triển khai các biện pháp kiểm soát nội bộ để giảm thiểu rủi ro. Rủi ro kiểm soát phát sinh do một tổ chức thiếu các biện pháp kiểm soát nội bộ đầy đủ để ngăn ngừa và phát hiện gian lận và sai sót.

Rủi ro phát hiện là rủi ro trong quá trình kiểm toán, các thủ tục KTV thực hiện nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán xuống tới mức thấp có thể chấp nhận được nhưng vẫn không phát hiện được hết các sai sót trọng yếu khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại;

Mặc dù rủi ro phát hiện không thể loại bỏ hoàn toàn, KTV có thể giảm thiểu rủi ro này bằng cách điều chỉnh một số yếu tố, bao gồm: thành phần của nhóm thực hiện kiểm toán, ví dụ, năng lực và kỹ năng của các KTV và quy mô của nhóm thực hiện kiểm toán; các loại thủ tục kiểm toán, ví dụ, mức độ của các thủ tục thực chất so với các thử nghiệm kiểm soát nội bộ, các thủ tục thu thập bằng chứng, bao gồm cả việc bằng chứng được tạo ra nội bộ hay bên ngoài; tính nghiêm ngặt của các thủ tục kiểm toán, ví dụ, quy mô mẫu và thời gian thực hiện kiểm toán; kiểm soát chất lượng, ví dụ, hệ thống kiểm soát chất lượng của công ty kiểm toán và các cuộc đánh giá của nhân viên có trình độ bên ngoài nhóm kiểm toán,…

Tóm lại, KTV sử dụng mô hình rủi ro kiểm toán để hiểu mối quan hệ giữa rủi ro phát hiện và các rủi ro kiểm toán khác, tức là rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và rủi ro kiểm toán tổng thể, cho phép KTV xác định mức rủi ro phát hiện có thể chấp nhận được: DR = AR/(IR x CR). Mục đích của kiểm toán là cắt giảm rủi ro kiểm toán xuống mức có thể chấp nhận được. Trong quá trình kiểm toán, KTV sẽ xem xét rủi ro kiểm soát và rủi ro tiềm tàng của đơn vị được kiểm toán, đồng thời tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị. Trong 3 loại rủi ro tạo nên rủi ro kiểm toán thì rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát là rủi ro của đơn vị được kiểm toán, chúng tồn tại độc lập với việc kiểm toán báo cáo tài chính, còn rủi ro phát hiện phụ thuộc vào KTV. Vì vậy, để đánh giá rủi ro kiểm toán, KTV và công ty kiểm toán phải đánh giá chủ yếu là rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát, từ đó KTV sẽ lựa chọn lịch trình, thời gian và phạm vi kiểm toán phù hợp.

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán

Từ những điểm tóm lược về rủi ro kiểm toán như trên, cho thấy, rủi ro kiểm toán chịu tác động bởi nhiều yếu tố, từ thực thể của đơn vị được kiểm toán đến KTV, vì vậy có thể khái quát những nhân tố sẽ ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán như sau:

3.1. Đặc điểm của doanh nghiệp

  • Ngành nghề hoạt động: một số ngành có rủi ro cao hơn do tính chất phức tạp của giao dịch, các ngành như ngân hàng, bảo hiểm, hoặc công nghệ có giao dịch phức tạp, bao gồm các công cụ tài chính phức tạp hoặc các hợp đồng dài hạn. Điều này có thể làm tăng khả năng xảy ra sai sót trong báo cáo tài chính; những ngành nghề nhạy cảm với biến động kinh tế, như bất động sản hoặc dầu khí, có thể đối mặt với rủi ro cao hơn do sự thay đổi nhanh chóng trong giá trị tài sản hoặc doanh thu; một số ngành có quy định pháp lý khắt khe hơn, điều này có thể tăng cường rủi ro nếu doanh nghiệp không tuân thủ đúng các yêu cầu.
  • Quy mô và tính đa dạng: doanh nghiệp lớn, đa quốc gia có thể có hệ thống phức tạp hơn, làm tăng rủi ro.
  • Tính đa dạng sản phẩm: doanh nghiệp cung cấp nhiều loại sản phẩm hoặc dịch vụ có thể gặp khó khăn trong việc phân bổ chi phí và doanh thu một cách chính xác, dẫn đến khả năng xảy ra sai sót cao hơn trong báo cáo tài chính.

3.2. Chất lượng nội bộ và quản lý

  • Hệ thống kiểm soát nội bộ: các doanh nghiệp có hệ thống kiểm soát nội bộ yếu có nguy cơ cao về sai sót và gian lận: một hệ thống kiểm soát nội bộ yếu không thể ngăn chặn các sai sót từ việc ghi chép, xử lý và báo cáo thông tin tài chính. Điều này làm tăng khả năng sai sót trước khi kiểm toán được thực hiện. Với một hệ thống kiểm soát nội bộ yếu, KTV có thể gặp khó khăn trong việc xác định các khu vực rủi ro và đánh giá tính chính xác của thông tin tài chính. Điều này có thể dẫn đến khả năng không phát hiện được sai sót hoặc gian lận trong báo cáo tài chính.
  • Khả năng và kinh nghiệm của ban quản lý: quản lý thiếu kinh nghiệm hoặc không tuân thủ quy trình có thể làm tăng rủi ro.

3.3. Tình hình tài chính và hoạt động

  • Tình hình tài chính: các dấu hiệu như nợ cao, thua lỗ có thể tăng cường rủi ro.
  • Biến động trong hoạt động kinh doanh: thay đổi lớn về doanh thu hoặc chi phí cũng có thể tạo ra rủi ro.
3.3.1. Yếu tố bên ngoài
  • Tình hình kinh tế: khủng hoảng kinh tế hoặc biến động thị trường có thể ảnh hưởng đến hoạt động và tài chính của doanh nghiệp.
  • Công nghệ: sự phát triển nhanh chóng của công nghệ có thể tạo ra rủi ro về bảo mật, quản lý dữ liệu, sản phẩm lỗi thời,...
3.3.2. Đánh giá của KTV
  • Kinh nghiệm và năng lực của KTV: kinh nghiệm và năng lực của KTV đóng vai trò quan trọng trong phát hiện và quản lý rủi ro ở quá trình kiểm toán. KTV có kinh nghiệm trong một ngành cụ thể sẽ nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất trong ngành đó. Điều này giúp họ nhận diện các rủi ro tiềm ẩn mà những KTV mới vào nghề có thể bỏ lỡ. KTV dày dạn kinh nghiệm thường có khả năng xác định các lĩnh vực rủi ro cao trong báo cáo tài chính và kiểm soát nội bộ, từ đó tập trung vào các khu vực này trong quá trình kiểm toán.
  • Phương pháp kiểm toán: quy trình và kỹ thuật mà KTV áp dụng không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của kiểm toán mà còn quyết định mức độ rủi ro họ phải đối mặt. Nếu KTV quyết định thực hiện kiểm tra kiểm soát, việc phát hiện các điểm yếu trong hệ thống kiểm soát nội bộ sẽ giúp xác định mức độ rủi ro kiểm soát. Nếu kiểm soát mạnh, KTV có thể giảm bớt mức độ kiểm tra chi tiết, từ đó giảm rủi ro phát hiện. KTV có thể thực hiện kiểm tra chi tiết các giao dịch và tài khoản cụ thể. Việc lựa chọn mẫu đúng và đủ lớn sẽ giúp tăng khả năng phát hiện sai sót, trong khi một mẫu nhỏ có thể làm tăng rủi ro phát hiện.

Trên đây là những yếu tố tác giả đề xuất, những yếu tố này tương tác với nhau và có thể tạo ra các mức độ rủi ro khác nhau trong mỗi cuộc kiểm toán.

4. Một số giải pháp giúp kiểm toán viên giảm rủi ro kiểm toán

Như đã đề cập, rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát phụ thuộc đơn vị được kiểm toán, chỉ có rủi ro phát hiện là phụ thuộc KTV, vì vậy để giảm rủi ro kiểm toán, KTV chủ yếu tập trung vào rủi ro phát hiện, tức tập trung vào yếu tố KTV.

4.1. Tìm hiểu kỹ đơn vị được kiểm toán và lập kế hoạch kiểm toán hợp lý

Trước khi thực hiện kiểm toán, KTV và công ty kiểm toán phải lập kế họach kiểm toán khoa học và hợp lý. Kế hoạch kiểm toán hợp lý là bước quan trọng trong quá trình kiểm toán, giúp KTV xác định và quản lý rủi ro một cách hiệu quả.

KTV cần nghiên cứu bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm ngành nghề, môi trường kinh doanh và các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tài chính. Việc này giúp xác định các yếu tố rủi ro tiềm ẩn. KTV cần xác định các khu vực có khả năng cao xảy ra sai sót, như doanh thu, chi phí, hoặc các khoản mục có tính chủ quan cao (như dự phòng). Kiểm tra hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nội bộ hiện tại, nếu KSNB yếu, rủi ro kiểm soát sẽ cao, điều này cần được phản ánh trong kế hoạch kiểm toán. Dựa trên đánh giá rủi ro, KTV cần chọn phương pháp và kỹ thuật kiểm toán phù hợp, như kiểm tra kiểm soát hoặc kiểm tra chi tiết. Phân bổ thời gian và nguồn lực cho các khu vực có rủi ro cao, đảm bảo KTV có đủ thời gian và công cụ để thực hiện kiểm toán hiệu quả.

4.2. Sử dụng các kỹ thuật kiểm toán phù hợp

Một trong những lý do phổ biến nhất khiến rủi ro phát hiện xảy ra là các kỹ thuật kiểm toán kém. Tức thời gian thử nghiệm cơ bản, nội dung thử nghiệm cơ bản và phạm vi thử nghiệm cơ bản không phù hợp để KTV phát hiện ra sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Vì vậy, trước khi áp dụng bất kỳ kỹ thuật kiểm toán nào, KTV cần phải hiểu rõ mục tiêu và phạm vi của cuộc kiểm toán. Điều này giúp KTV chọn lựa các kỹ thuật kiểm toán phù hợp nhất với từng phần công việc và loại hình doanh nghiệp. Việc xác định rõ mục tiêu giúp giảm thiểu các nguy cơ bỏ sót thông tin quan trọng, đồng thời tối ưu hóa quá trình kiểm toán.

4.3. Nâng cao kỹ năng và kiến thức kiểm toán

Việc thiếu kiến thức kiểm toán có thể dẫn đến lỗi trong kiểm toán hoặc sự không nhất quán. Một công ty kiểm toán sẽ dễ bị rủi ro kiểm toán cao nếu các thành viên trong nhóm kiểm toán của công ty thiếu các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp quan trọng. Vì vậy, việc đào tạo, cập nhật kiến thức và trao đổi kinh nghiệm kiểm toán là những vấn đề cần thiết trong một công ty kiểm toán.

4.4. Giám sát quá trình kiểm toán

Giám sát và theo dõi tiến độ cuộc kiểm toán cho phép KTV điều chỉnh phân bổ nhân lực và tài nguyên, đảm bảo các khu vực rủi ro cao được kiểm tra đầy đủ. Giám sát giúp KTV thường xuyên rà soát tài liệu và chứng cứ kiểm toán được thu thập để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ. Điều này giúp phát hiện sớm bất kỳ thiếu sót nào trong quy trình kiểm toán. KTV có thể cung cấp phản hồi ngay lập tức cho nhóm kiểm toán về những vấn đề phát sinh, giúp họ điều chỉnh và cải thiện quy trình kiểm toán. Khi phát hiện rủi ro mới, KTV có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm toán để tăng cường kiểm tra ở các khu vực có nguy cơ cao hơn. Giám sát giúp đảm bảo các quy trình kiểm toán được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn và quy định. Việc này giảm thiểu khả năng xảy ra sai sót do không tuân thủ quy trình.

4.5. Sử dụng công nghệ và công cụ tự động hóa

Công nghệ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và có thể cung cấp cho các nhóm kiểm toán và tổ chức các công cụ để quản lý tốt hơn các biện pháp kiểm soát nội bộ, quy trình, tài liệu, dữ liệu, phân tích và hoạt động của họ. Bằng cách tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, phân tích dữ liệu và tự động hóa, các tổ chức có thể nhanh chóng xác định gian lận, rủi ro và lỗi trước khi kiểm toán và giảm đáng kể rủi ro kiểm toán.

5. Kết luận

Trong bối cảnh kiểm toán báo cáo tài chính, việc hiểu rõ các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán vô cùng quan trọng. Các yếu tố như đặc điểm của doanh nghiệp, hệ thống kiểm soát nội bộ, kinh nghiệm và năng lực của KTV, phương pháp kiểm toán, các yếu tố bên ngoài đơn vị được kiểm toán,… không chỉ định hình khả năng phát hiện sai sót mà còn quyết định chất lượng và độ tin cậy của báo cáo tài chính. Việc nhận diện và quản lý hiệu quả các yếu tố này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro kiểm toán, từ đó bảo vệ lợi ích của các bên liên quan. Do đó, các KTV cần chủ động áp dụng các giải pháp phù hợp để nâng cao tính chính xác và minh bạch trong báo cáo tài chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kiểm toán Nhà nước. Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Truy cập tại: https://www.sav.gov.vn/Pages/chuan-muc-kt.aspx.
2. Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Truy cập tại: https://www.sav.gov.vn/Pages/chuan-muc-kt.aspx.
3.  Bộ môn Kiểm toán, Khoa Kế toán - Kiểm toán (2021). Kiểm toán. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. NXB Lao động, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Thị Hường (2020). Đề xuất mô hình các nhân tố ảnh hưởng đển rủi ro tiềm tàng trong kiểm toán báo cáo tài chính. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Truy cập tại https://kinhtevadubao.vn/de-xuat-mo-hinh-cac-nhan-to-anh-huong-den-rui-ro-tiem-tang-trong-kiem-toan-bao-cao-tai-chinh-3618.html
5. Chang, She-I; Tsai, Chih-Fong; and Hwang, Chia-Ling (2007). The Development of Audit Detection Risk Assessment System: Using the Fuzzy Theory and Audit Risk Model. PACIS 2007 Proceedings, 78
6. Pece Nikolovskia *, Igor Zdravkoskib, Goce Menkinoskic, Snežana Dičevskad, Vera Karadјovae (2016). The Concept of Audit Risk. International Journal of Sciences: Basic and Applied Research (IJSBAR) 27(1), 22-31.

 

Proposing key factors influencing audit risk in financial statement audits

Master. Nguyen Thi Phuoc

Faculty of Accounting and Auditing

Van Lang University

Abstract:

This paper investigates the factors influencing audit risk in financial statement auditing. Utilizing a documentary research approach, the study examines the components of audit risk and identifies key factors that contribute to it. Based on the analysis, the paper highlights critical factors affecting audit risk and offers practical recommendations to mitigate these risks, thereby enhancing the efficiency and reliability of the auditing process.

Keywords: risk, auditing, financial statements, audit risk, auditor.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]