Mô hình các yếu tố ảnh hưởng để chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên

Đề tài Mô hình các yếu tố ảnh hưởng để chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên do ThS. Trần Khải Hoàn (Kiểm toán Nhà nước) thực hiện.

TÓM TẮT:

Chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên là một trong những vấn đề đáng được quan tâm, không chỉ đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu đề ra mà còn góp phần trong việc đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Trong nội dung bài báo này, tác giả đề xuất mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên (định hướng tại Kiểm toán Nhà nước). Thông qua đó, tác giả xây dựng những nền tảng ban đầu để phục vụ các nghiên cứu tiếp theo về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Từ khóa: nguồn nhân lực, kiểm toán viên, yếu tố ảnh hưởng.

1. Cơ sở lý luận

1.1. Nhân lực và nguồn nhân lực

Nhân lực được hiểu là toàn bộ khả năng về thể lực và trí lực của con người được vận dụng trong quá trình lao động sản xuất. Nó cũng được xem là sức lao động của con người - một nguồn lực quý giá nhất trong các yếu tố sản xuất của các tổ chức.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu trong lực lượng sản xuất. Với vai trò quyết định sự vận động và phát triển của lực lượng sản xuất, nguồn nhân lực quyết định sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Trong các lý thuyết về “vốn”, “tăng trưởng”, nguồn nhân lực đều được coi là yếu tố hàng đầu, đảm bảo cho sự phát triển sản xuất và dịch vụ.

Có nhiều quan niệm về nguồn nhân lực, tuy khác nhau ở cách tiếp cận nhưng đều có điểm chung khi cho rằng đó là khái niệm về số dân cư, cơ cấu dân cư và chất lượng dân cư của một đất nước với tất cả các đặc điểm về thể chất, tinh thần, sức khỏe, trí tuệ, năng lực, phẩm chất và lịch sử của dân tộc đó.

1.2. Phát triển nguồn nhân lực

Về phát triển nguồn nhân lực (Human resources development) có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Theo Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh: “Phát triển nguồn nhân lực là quá trình phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức tay nghề, tính năng động xã hội và sức sáng tạo của con người, nền văn hóa; truyền thống lịch sử…”

Với cách tiếp cận phát triển từ góp độ xã hội, phát triển nguồn nhân lực là quá trình tăng lên về mặt số lượng (quy mô) nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng hợp lý. Với cách tiếp cận phát triển từ góc độ cá nhân, phát triển nguồn nhân lực là quá trình làm cho con người trưởng thành, có năng lực xã hội (thể lực, trí lực, tâm lực) và tính năng động xã hội cao. [8]

UNESCO sử dụng khái niệm phát triển nguồn nhân lực dưới góp độ hẹp là làm cho toàn bộ sự lành nghề của dân cư luôn luôn phù hợp trong mối quan hệ phát triển đất nước.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO): Sự phát triển nguồn nhân lực như một quá trình mở rộng các khả năng tham gia hiệu quả vào phát triển nông thôn bao gồm cả năng lực sản xuất.

Còn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, phát triển nguồn nhân lực không chỉ chiếm lĩnh trình độ lành nghề hoặc bao gồm cả vấn dề đào tạo nói chung mà còn là phát triển năng lực và sử dụng năng lực đó của con người để phát triển tiến tới có việc làm hiệu quả, cũng như thỏa mãn nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Do vậy, có thể hiểu, phát triển nguồn nhân lực là quá trình làm biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế - xã hội. Quá trình đó bao gồm phát triển về mọi mặt: thể lực, trí lực, tâm lực, đồng thời phân bổ, sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả nhất nguồn nhân lực thông qua hệ thống phân công lao động và giải quyết việc làm để phát triển kinh tế - xã hội.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên

Xác định tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay [8].

Để có cơ sở đánh giá, xác định chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên nhà nước (KTVNN), cần phải dựa vào những tiêu chí nhất định. Những tiêu chí đó - xét về mặt lý thuyết, là những yếu tố làm nên giá trị của nguồn nhân lực; xét về mặt thực tiễn, là những điều kiện đòi hỏi công tác quản lý cán bộ, công chức phải đáp ứng để bảo đảm và phát huy vai trò to lớn của nguồn nhân lực KTVNN. Có thể phân chia các tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực KTVNN thành các loại cơ bản sau đây:

2.1. Phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức của mỗi kiểm toán viên

Phẩm chất chính trị của KTVNN được thể hiện ở mức độ nhận thức, ý thức chấp hành và kỹ năng vận dụng được những tư tưởng, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào trong công việc, cũng như trong đời sống xã hội. Cụ thể là nhận thức đúng đắn về đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, biết vận dụng và phát huy những giá trị tư tưởng trên vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Phẩm chất đạo đức của kiểm toán viên được thể hiện thông qua: đạo đức cá nhân và đạo đức công vụ. Nếu như đạo đức cá nhân là điều kiện không thể thiếu đối với một công dân tốt thì đạo đức công vụ còn là điều kiện không thể thiếu của một quốc gia phát triển, gắn liền với đạo đức phục vụ nhân dân. Hai mặt đạo đức này luôn gắn liền với một con người đó là "kiểm toán viên".

Ở Việt Nam hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức công vụ của KTVNN, bao gồm: Hiến pháp; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Kiểm toán Nhà nước, Quyết định số 04/2016/QĐ-KTNN ngày 29/8/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên.

Giả thuyết 1: Phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tác động thuận chiều tới chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên

2.2. Số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực kiểm toán viên

Chất lượng của nguồn nhân lực kiểm toán viên với tính cách là một chỉnh thể thống nhất được thể hiện ở số lượng và cơ cấu của nguồn nhân lực kiểm toán viên. Đây là yếu tố định lượng để xây dựng nguồn nhân lực kiểm toán viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước trong từng thời kỳ.

Số lượng kiểm toán viên thể hiện sự đầy đủ về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm toán. Số lượng kiểm toán viên được xác định trên cơ sở:

- Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Kiểm toán nhà nước;

- Yêu cầu kiểm toán hàng năm đối với các đơn vị quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Cơ cấu nguồn nhân lực kiểm toán viên là mối quan hệ nội tại của nguồn nhân lực kiểm toán viên, thể hiện sự hài hòa, cân đối giữa các ngạch kiểm toán viên, giữa các ngành nghề đào tạo,...

Về cơ cấu ngạch: bao gồm kiểm toán viên cao cấp, kiểm toán viên chính, kiểm toán viên.

Về cơ cấu ngành nghề đào tạo: cơ cấu ngành nghề đào tạo phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm toán theo từng loại hình kiểm toán, cụ thể:

 Đối với loại hình kiểm toán báo cáo tài chính: đối tượng của loại hình kiểm toán báo cáo tài chính thường là bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính của các đơn vị tổ chức kinh doanh, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo quyết toán ngân sách các cấp. Tiêu chuẩn, chuẩn mực cho việc đánh giá thông tin của loại kiểm toán này thường là các chuẩn mực kế toán, các quy định pháp lý về kế toán và những quy định khác có liên quan. Do vậy, đòi hỏi kiểm toán viên phải được đào tạo ở trình độ đại học trở lên trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế,...

Đối với loại hình kiểm toán tuân thủ: kiểm toán tuân thủ là loại kiểm toán nhằm để xem xét đơn vị được kiểm toán có tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định mà các cơ quan có thẩm quyền cấp trên hoặc cơ quan chức năng của nhà nước hoặc cơ quan chuyên môn đề ra hay không. Đối tượng của kiểm toán tuân thủ cũng khá linh hoạt. Nó có thể là việc tuân thủ pháp luật của đơn vị được kiểm toán trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án hay việc tuân thủ các quy tắc do các cơ quan nhà nước cấp trên đề ra, như kiểm tra đánh giá về việc tuân thủ các quy định về thuế giá trị gia tăng, hay các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động,... Các tiêu chuẩn, chuẩn mực để đánh giá thông tin ở loại kiểm toán này chính là các quy định của pháp luật, các chuẩn mực chuyên môn dùng để đánh giá sự tuân thủ pháp luật của đơn vị được kiểm toán.

 Đối với loại hình kiểm toán hoạt động: kiểm toán hoạt động là loại kiểm toán nhằm để xem xét và đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động được kiểm toán. Có rất nhiều lĩnh vực khác nhau cần phải kiểm tra và theo dõi về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả nên đối tượng của kiểm toán hoạt động cũng rất phong phú và đa dạng, như việc đánh giá cơ cấu tổ chức, một phương án kinh doanh, một quy trình công nghệ, một hệ thống máy tính, hay một loại tài sản, thiết bị mới đưa vào hoạt động,... Việc xác định các tiêu chuẩn, chuẩn mực để đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của các hoạt động là việc làm rất khó khăn, việc lượng hóa các mặt trên thành các tiêu chuẩn để đánh giá là việc làm mang nặng tính chủ quan. Do vậy, để thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động đòi hỏi kiểm toán viên phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán, tài chính, kinh tế, khoa học, kỹ thuật,...

Giả thuyết 2: Số lượng và cơ cấu phù hợp tác động tốt tới chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên

2.3. Năng lực kiểm toán viên  

Đối với kiểm toán viên, năng lực hoạt động được xác định bởi nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố cơ bản như: trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và tình trạng sức khỏe.

Thứ nhất, trình độ văn hóa.

Trình độ văn hóa là một tiêu chí quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động của kiểm toán viên. Trình độ văn hóa làm nền tảng, cơ sở cho việc nhận thức, tiếp thu và áp dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán viên hạn chế về trình độ văn hóa sẽ dẫn đến hạn chế về khả năng nhận thức, tiếp thu và áp dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động kiểm toán nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán viên.

Thứ hai, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ được hiểu là những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định được biểu hiện qua các cấp độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học,... Đó là những kiến thức người học được trang bị theo các chuyên ngành nhất định được thể hiện qua hệ thống bằng cấp: đại học, sau đại học,... Đây là những kiến thức mà kiểm toán viên không thể thiếu để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ giúp kiểm toán viên có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán, kiểm toán viên phải đáp ứng các yêu cầu chung về trình độ nghiệp vụ như sau: có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán; đã có thời gian làm việc liên tục từ 5 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán Nhà nước từ 3 năm trở lên; đã tốt nghiệp chương trình bồi dưỡng kiểm toán viên và được Tổng Kiểm toán Nhà nước cấp chứng chỉ.

Kiểm toán viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ càng cao, càng có uy tín trong lĩnh vực đang công tác và càng có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán được giao.

Thứ ba, trình độ lý luận chính trị.

Trình độ lý luận chính trị là cơ sở xác định lập trường quan điểm của công chức nói chung và của kiểm toán viên nói riêng. Có trình độ lý luận chính trị giúp kiểm toán viên xây dựng được lập trường, quan điểm đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong điều kiện tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước theo yêu cầu của Đảng ở nước ta hiện nay. Do vậy, để nâng cao năng lực của kiểm toán viên cần phải nâng cao trình độ lý luận chính trị cho nguồn nhân lực kiểm toán viên.

Thứ tư, tình trạng sức khỏe (thể chất tâm lý).

Sức khỏe của con người được đánh giá qua nhiều tiêu chí, trong đó cơ bản nhất là thể lực và trí lực. Trí lực được đánh giá thông qua sự minh mẫn linh hoạt trong xử lý công việc. Nếu chỉ có trình độ năng lực chuyên môn mà không có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, cũng không thể biến trình độ năng lực chuyên môn thành hoạt động thực tiễn. Sự phát triển bình thường về thể chất và tâm lý trong một cơ thể khỏe mạnh là một tiêu chí quan trọng về năng lực của người công chức nói chung và của kiểm toán viên nói riêng.

Thứ năm, kỹ năng làm việc của kiểm toán viên.

Kiểm toán là một ngành đặc thù, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định. Yếu tố con người được nói đến chính là những người trực tiếp thực hiện việc kiểm toán. Điều đó đòi hỏi kiểm toán viên, những người trực tiếp thực hiện việc kiểm toán cần phải có những kỹ năng làm việc phù hợp, như: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng phỏng vấn; kỹ năng chuẩn bị báo cáo kết quả kiểm toán; kỹ năng xây dựng nhóm làm việc hiệu quả và kỹ năng quản lý thời gian.

Giả thuyết 3: Trình độ văn hóa tác động thuận chiều với chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên

Giả thuyết 4: Trình độ chuyên môn tác động thuận chiều với chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên

2.4. Khả năng hoàn thành nhiệm vụ của kiểm toán viên

Mức độ hoàn thành nhiệm vụ là một tiêu chí được đánh giá dựa trên sự xem xét tổng thể các tiêu chí khác từ phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao,... Việc kiểm toán viên hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ nào, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là một tiêu chí, là thước đo quan trọng trong việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên. Không thể có một nguồn nhân lực kiểm toán viên có chất lượng tốt khi tỷ lệ kiểm toán viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm lệ thấp. Một trong những căn cứ để đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi kiểm toán viên cũng như toàn bộ nguồn nhân lực kiểm toán viên có thể dựa trên các thành tích mà kiểm toán viên đạt được thông qua các hình thức và danh hiệu khen thưởng hàng năm.

Giả thuyết 5: Khả năng đáp ứng nhiệm vụ tác động tới chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên

3. Đề xuất mô hình nghiên cứu

Đã có một số nghiên cứu được công bố trước đây có liên quan một phần tới chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên, tiêu biểu như:

Nguyễn Đình Hựu [5]"Xây dựng phương thức và nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công chức Kiểm toán Nhà nước"

Hà Thị Mỹ Dung [4]“Chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên của Kiểm  toán Nhà nước”, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Đoàn Xuân Tiên [2] “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, KTV theo định hướng Chiến lược Phát triển cơ quan Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020”.

Đặng Văn Thanh [3] “Giải pháp tăng cường chất lượng công tác kiểm soát đạo đức nghề nghiệp KTVNN”.

Bùi Văn Mai [1]“Ngành Kiểm toán đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực đạt trình độ quốc tế”.

Cùng với những kết luận có được từ những nghiên cứu đã công bố, cộng với những giả thuyết  đưa ra, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên như Hình 1.

4. Kết luận

Việc đề xuất mô hình các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên là một trong những bước khởi đầu quan trọng, thông qua việc đề xuất mô hình này, tác giả sẽ có những nền tảng ban đầu cho việc nghiên cứu tiếp theo đảm bảo cho quá trình nghiên cứu của tác giả khi tham gia những chương trình đào tạo nhằm nâng cao kiến thức trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Văn Mai (2010), Ngành Kiểm toán đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực đạt trình độ quốc tế, Báo Kinh tế Việt Nam, (8), tr.11-13.
  2. Đoàn Xuân Tiên (2014), Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, KTV theo định hướng Chiến lược Phát triển cơ quan Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Kiểm toán Nhà nước, Hà Nội.
  3. Đặng Văn Thanh (2014), Giải pháp tăng cường chất lượng công tác kiểm soát đạo đức nghề nghiệp KTVNN, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Kiểm toán Nhà nước, Hà Nội.
  4. Hà Thị Mỹ Dung (2015), Chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán viên của Kiểm  toán Nhà nước”, Luận án tiến sỹ kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
  5. Nguyễn Đình Hựu (1998), Xây dựng phương thức và nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công chức Kiểm toán Nhà nước, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Kiểm toán Nhà nước, Hà Nội.
  6. Quốc hội (2015), Luật Kiểm toán Nhà nước số 81/2015/QH13 ngày 24/6/2015; Luật số 55/2019/QH14 của Quốc hội: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, ban hành ngày 26/11/2019.
  7. Kiểm toán Nhà nước (2016), Quyết định số 1793/QĐ-KTNN ngày 04/11/2016 Ban hành quy định về tiêu chí thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng thành viên Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn Kiểm toán Nhà nước của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Công văn số 1588/KTNN-CĐ ngày 28/11/2016 về điều chỉnh văn bản của Vụ Trưởng vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán.
  8. Chính phủ, (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2017.
  9. Chính phủ (2021), Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

Model of factors influencing the quality of auditor human resources

MASTER. TRAN KHAI HOAN

State Audit Office of Vietnam

Abstract:

The quality of auditor human resources is one of the issues that deserves attention, it not only ensures the completion of the set goals but also contributes significantly to ensuring the healthy development of the economy. In this article, the author proposes a model of factors affecting the quality of auditor human resources (oriented at state audit). Through that, the author builds the initial foundations to serve further research in this field in the future.

Keywords: human resources, auditor, influencing factors

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương