Chính sách về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Bài báo nghiên cứu "Chính sách về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Thân Trọng Ngọc Trâm (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.

TÓM TẮT:

Ngành Du lịch tại Việt Nam đang được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn với tiềm năng to lớn, tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy những kết quả mà ngành đạt được chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng vốn có. Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức lớn về mặt phát triển bền vững. Bài viết nghiên cứu thực trạng và các chính sách về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong những năm vừa qua, từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Từ khóa: pháp luật, chính sách, du lịch bền vững, bối cảnh hội nhập.

1. Đặt vấn đề

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động phát triển du lịch bền vững đã trở thành một xu thế chung đối với ngành. Các tiêu chí nhằm thúc đẩy tính bền vững ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch. Tại Việt Nam trong những năm qua, ngành Du lịch đã gặt hái được nhiều thành công nhất định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ đối với đời sống văn hóa và xã hội. Đảng và Nhà nước đã khẳng định du lịch là một lĩnh vực kinh tế chiến lược, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Đặc biệt, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước và theo kịp trình độ quốc tế về du lịch.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành Du lịch Việt Nam đã nêu rõ sự tập trung vào các yếu tố góp phần bảo đảm tính bền vững môi trường, tạo nên “đòn bẩy” quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Ngành Du lịch tại Việt Nam nhận thấy nhiều còn thách thức cần vượt lên trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như những vấn đề trong quản lý môi trường, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Do đó, vấn đề hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam được đặt ra, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và bền vững của ngành Du lịch trong tương lai.

2. Khái niệm du lịch bền vững tại Việt Nam

Ngày nay trên thế giới, du lịch được biết đến là một trong những ngành công nghiệp “không khói” hàng đầu, với thị trường phát triển nhanh, nắm giữ những vị trí quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Du lịch bền vững đang là xu hướng phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Thuật ngữ du lịch bền vững (Sustainable Tourism) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, được định nghĩa bởi Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế (World Tourism and Travel Council - WTTC) như sau: “là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn bảo đảm những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”.

Tại Việt Nam, trong khoản 14, Điều 3, Luật Du lịch năm 2017 đã đưa ra khái niệm “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Phát triển du lịch bền vững gồm 3 nội dung cơ bản: (1) Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế du lịch cao hợp lý, ổn định, liên tục, (2) Thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, (3) Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phát triển các tài nguyên có khả năng tái sinh. Với đặc thù sẵn có, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển du lịch, nhất là các điểm tham quan du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái đến văn hóa, Việt Nam đang dần chú trọng đến phát triển du lịch bền vững nhằm bắt kịp xu thế phát triển của ngành Du lịch trên thế giới. 

3. Thực trạng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

 Là một trong 10 quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất toàn cầu, Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế đang dần gặt hái những thành quả kinh tế - xã hội đến từ ngành Du lịch. Cụ thể như việc phục hồi nhiều lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, vấn đề liên kết phát triển du lịch với các giá trị văn hóa, lịch sử đã được quan tâm và có nhiều góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.

Theo Trung tâm Thông tin Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tính đến tháng 7/2023, ngành Du lịch đã thu hút tổng số du khách nội địa đã đạt 76,5 triệu lượt và tổng số du khách quốc tế đã đạt xấp xỉ 6,6 triệu lượt. Tổng thu nhập từ du khách nội địa 7 tháng đầu năm đạt hơn 416,6 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 1/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hôi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế. Từ đó, Việt Nam liên tiếp đạt được những thứ hạng cao tại các bảng xếp hạng và giải thưởng quốc tế, điển hình là Việt Nam được Hiệp hội giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm du lịch Di sản hàng đầu thế giới” vào năm 2022 [2].

Có thể thấy, bối cảnh hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành Du lịch Việt Nam khai thác, triển khai hoạt động kinh doanh thông qua những cam kết, ưu đãi mở cửa thông thoáng đối với các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch, điều hành tour, dịch vụ hướng dẫn du lịch; Đồng thời thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đã có những đóng góp tích cực cho phát triển du lịch, góp phần hình thành các sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng,  tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đã đạt được, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của hội nhập quốc tế như: Thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; Những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; Sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc của từng vùng, từng địa phương; Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải chưa có sự liên kết tạo nên hệ sinh thái bền vững; Nguồn nhân lực chất lượng cao còn khan hiếm và phần lớn chưa có tư duy, kỹ năng áp dụng và phát triển yếu tố bền vững của ngành.

Đặc biệt đối về mặt các chính sách và hoạt động quản lý của nhà nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chính sách về thu hút đầu tư, phát triển du lịch đảm bảo tính bền vững và liên kết đa ngành chưa có những đột phá. Chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời điều chỉnh trước những yêu cầu về du lịch bền vững trên giới và khu vực; Chính sách thị thực dành cho khách du lịch còn có điểm chưa phù hợp, về thời hạn tạm trú còn ngắn; Hiệu quả hợp tác giữa các ngành liên quan để bảo đảm quản lý tài nguyên môi trường trong du lịch đang gặp khó khăn. Hay các doanh nghiệp hoạt động độc lập, không có sự kết nối chặt chẽ với chính sách quản lý điểm đến, tạo ra sự không đồng nhất trong ngành Du lịch. Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch theo hướng bền vững còn hạn chế. Ý thức tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường du lịch chưa được nâng cao đã gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch. Trên thực tế, người dân sinh sống trong khu vực du lịch thường xâm phạm đến các tài nguyên du lịch mà không ý thức được hết ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

4. Thực trạng chính sách pháp luật về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Năm 2023 vừa qua, “Du lịch và đầu tư xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới đã cho thấy sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh để hướng tới phát triển bền vững. Nắm bắt được điều này, Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua đã có những bước thực hiện xây dựng, thực thi các chính sách về phát triển du lịch bền vững.

Chính sách pháp luật tại Việt Nam đối với hoạt động phát triển du lịch bền vững, chủ yếu được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật, đưa ra cơ sở pháp lý nhằm triển khai thực hiện. Đối với chính sách du lịch, văn bản pháp luật là những quy định không bắt buộc mà có ý nghĩa định hướng và kích thích sự phát triển. Cụ thể vào năm 2017, nhận định phát triển du lịch sẽ phát huy được lợi thế quốc gia, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương mạnh mẽ và nâng lên tầm cao mới cho ngành này tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết số 08-NQ/TW đã xác định đất nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, thực trạng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, ngoài các quan điểm chỉ đạo tập trung phát triển du lịch như một ngành kinh tế tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, Nghị quyết thể hiện sâu sắc quan điểm chỉ đạo phát triển. Sự ra đời của Nghị quyết đã góp phần nhận thức, tư duy và hành động về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực, vị thế của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã được định hình rõ nét hơn.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn; Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân để du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Nghị quyết đã đề ra 7 nhiệm vụ bao gồm: (1) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; (2) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (3) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; (4) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; (5). Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; (6) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (7) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

5. Một số kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống nội quy, quy chế, quy định cụ thể về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng quy chế quản lý khách du lịch, nội quy lễ hội, các bộ quy tắc ứng xử..., tuyên truyền để du khách tôn trọng và có thái độ đúng nhằm bảo vệ môi trường, xã hội, truyền thống của cộng đồng khi tham gia hoạt động du lịch. Đôn đốc, giám sát thường xuyên các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch.

 Thứ hai, cần tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bao gồm việc thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến luật pháp và chính sách phát triển du lịch bền vững, tăng cường việc kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch nhằm quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường. Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc đánh giá và đo lường mức độ ảnh hưởng do hoạt động du lịch gây đối với tài nguyên và môi trường là một vấn đề quan trọng. Việc hợp tác chặt chẽ quản lý du lịch cùng các ngành liên quan nhằm giảm thiểu sự cố và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp hạn chế tác động của các hoạt động kinh tế trong những lĩnh vực khác (xây dựng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp...) đến môi trường tại các khu, điểm du lịch. Nghiên cứu, xác định giới hạn áp lực của hoạt động du lịch lên tài nguyên, môi trường; theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng tài nguyên, tránh sử dụng quá mức gây nguy cơ cạn kiệt, suy giảm hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Phối hợp kịp thời giữa cơ quan quản lý chuyên ngành về du lịch với các cơ quan, các ngành chức năng liên quan trong việc khắc phục sự cố, tình trạng suy thoái, xuống cấp của tài nguyên du lịch.

Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách về phát triển du lịch bền vững đến các nhà đầu tư, du khách và mọi người dân trên địa bàn du lịch. Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc cấp phép và hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch, việc tổ chức và tham gia các hoạt động du lịch, các sự kiện văn hóa, du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm quy định về khảo sát, đánh giá tác động môi trường khi đầu tư dự án du lịch; kiên quyết xử lý các dự án phát triển du lịch vi phạm các quy định trong những lĩnh vực này. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đối tượng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch, cộng đồng dân cư trong nỗ lực chung để bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch.

Thứ tư, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động triển du lịch bền vững. Bao gồm việc phát triển và thực hiện chiến lược nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường và đáp ứng sự phát triển của ngành Du lịch. Nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân lực cho hệ thống quản lý và lao động toàn ngành Du lịch bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực phù hợp với các yêu cầu thị trường. Hoàn thiện pháp luật và chính sách liên quan về tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo nhằm tổ chức đào tạo ngắn hạn. Tăng cường công tác giáo dục cộng đồng và mở các khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức du lịch phục vụ cộng đồng.

Thứ năm, thúc đẩy và quản lý hoạt động gọi vốn đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững. Điều này bao gồm việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành Du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường để nâng cao năng lực thu hút đầu tư của từng địa phương. Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm vệ sinh môi trường. Tăng cường năng lực kết nối giữa điểm tham quan du lịch và tạo kết nối giữa du lịch và các ngành kinh tế. Việc thu hút đầu tư cho du lịch cần gắn với việc thẩm định và đánh giá năng lực của từng nhà đầu tư, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của từng dự án phát triển du lịch. Hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào ngành Du lịch, phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng khu du lịch làng nghề làm đồ lưu niệm phục vụ du lịch. Tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều nguồn, bao gồm ngân sách địa phương, vốn huy động từ doanh nghiệp du lịch, huy động nguồn vốn hợp tác quốc tế nhằm đầu tư phát triển ngành Du lịch.

Thứ sáu, phát triển quảng bá và thúc đẩy du lịch bền vững. Xây dựng chiến lược, chương trình và hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch cho các sản phẩm du lịch thân thiện với thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan địa phương và Trung ương cũng như với các tổ chức du lịch nội địa và quốc tế nhằm nâng cao hoạt động quảng bá du lịch. Đầu tư nguồn kinh phí phù hợp vào hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch. Thúc đẩy đến cộng đồng các hình ảnh du lịch bền vững tích cực có trách nhiệm thông qua hoạt động quảng bá.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017). Luật Du lịch năm 2017.
  2.  Trung tâm Thông tin Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2023). Thông tin du lịch tháng 7/2023. Truy cập tại: https://images.vietnamtourism.gov.vn/vn//dmdocuments/2023/thong_tin_du_lich_thang_7_2023_1.pdf.
  3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  4. Chính phủ (2020). Quyết định số 147/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
  5. Lê Anh (2022). Phát triển du lịch theo hướng thống nhất, xanh và bền vững. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-du-lich-theo-huong-thong-nhat-xanh-va-ben-vung-628704.html.
  6. Nguyễn Lâm Tùng (2017). Một số giải pháp phát triển ngành Du lịch Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/mot-so-giai-phap-phat-trien-nganh-du-lich-viet-nam.html.
  7. World Tourism and Travel Council. Sustainable growth. Available at: https://wttc.org/initiatives/sustainable-growth.

 

Policies on sustainable tourism development

in the context of Vietnam’s international integration process

Than Trong Ngoc Tram

University of Law, Hue University

Abstract:

The tourism industry is considered one of the key economic sectors with great potential in Vietnam. However, the current achieved results of this industry are not really commensurate with its inherent potential. In the context of international integration, Vietnam's tourism industry is increasingly facing many challenges in terms of sustainable development. This study analyzed the current situation and policies on sustainable tourism development in Vietnam. Based on the study’s findings, some recommendations were made to improve policies on sustainable tourism development in the context of international integration.

Keywords: law, policy, sustainable tourism, integration context.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]