Giải pháp phát triển thị trường du lịch gia đình và nhóm nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài báo nghiên cứu "Giải pháp phát triển thị trường du lịch gia đình và nhóm nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh" do Trần Văn Tâm (Khoa Thương mại và Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết phân tích ảnh hưởng cụ thể của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp du lịch; đánh giá các chính sách phát triển du lịch mà Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng, cùng với việc nghiên cứu nhu cầu đi du lịch qua việc lựa chọn mẫu ngẫu nhiên. Dựa trên những phân tích này, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với điều kiện bình thường mới và tuân thủ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19".

Từ khóa: du lịch, phân khúc, sản phẩm mới, chất lượng phục vụ, giá, nguồn lực, TP. Hồ Chí Minh.

1. Phân tích thực trạng và xác định bối cảnh nghiên cứu

TP. Hồ Chí Minh với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của Việt Nam, luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thành phố này không chỉ nổi tiếng với những địa danh lịch sử, văn hóa phong phú như Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Chợ Bến Thành, mà còn hấp dẫn bởi nền ẩm thực đa dạng và sự năng động của cuộc sống đô thị. Điều này tạo nên một bức tranh đa sắc, phản ánh sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Nhằm tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng du lịch sẵn có, TP. Hồ Chí Minh đã xác định rõ các mục tiêu phát triển trong "Chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030". Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 bởi UBND TP. Hồ Chí Minh, một bản đề cương chiến lược về phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 đã được phê duyệt, bao gồm nhiều hướng dẫn cụ thể từ việc định hình thị trường, phát triển sản phẩm du lịch chủ chốt, cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đến việc áp dụng khoa học công nghệ. Mục tiêu được đặt ra là biến TP. Hồ Chí Minh thành điểm đến du lịch sống động hàng đầu châu Á vào năm 2030, với các chỉ tiêu cụ thể về tăng trưởng khách du lịch, doanh thu và đóng góp vào GDP cũng như cho ngành Dịch vụ của thành phố.

Tuy nhiên, năm 2020 đã chứng kiến sự ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 lên ngành Du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, với các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức do các đợt dịch bùng phát. Dù phải trải qua nhiều khó khăn, ngành Du lịch thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhờ vào sự phối hợp và thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh. Năm 2023, ngành Du lịch đã đón được gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch trên 160 ngàn tỷ đồng. Định vị thương hiệu du lịch ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế, được vinh danh là “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á”; nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023 (C.M, 2024). Trong bối cảnh dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý du lịch đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch phục hồi du lịch, phân chia thành 3 giai đoạn với mục tiêu mở cửa trở lại hoạt động du lịch một cách an toàn và linh hoạt. Việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP bởi Chính phủ cũng là một bước ngoặt quan trọng, hướng dẫn cách thức thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và dần mở cửa ngành Du lịch trong tình hình mới.

Nhằm xác định rõ ràng nhu cầu và xu hướng du lịch trong tình hình mới, dưới góc phân tích chính sách và theo dõi tình hình xã hội, nghiên cứu tập trung vào các đối tượng là gia đình và các doanh nghiệp nhỏ, qua đó phản ánh một mong muốn mạnh mẽ về việc du lịch an toàn, linh hoạt với các điểm đến xanh, khép kín. Kết quả này không chỉ góp phần vào việc hiểu rõ hơn về tâm lý và nhu cầu của du khách, mà còn định hình các chiến lược phát triển du lịch cho TP. Hồ Chí Minh trong tương lai.

2. Phân tích những thuận lợi và khó khăn khi triển khai chương trình

2.1. Những thuận lợi để doanh nghiệp khai thác

Phát triển thị trường khách du lịch đi theo nhóm nhỏ, gia đình và caravan tại TP. Hồ Chí Minh mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch trong việc khai thác và mở rộng thị trường (Nguyễn Trọng Hiếu, 2017). Thành phố có lợi thế về văn hóa đa dạng và phong phú, cung cấp một loạt các điểm đến từ di sản lịch sử, văn hóa đến ẩm thực độc đáo, làm nền tảng vững chắc để tạo ra các gói du lịch hấp dẫn và đa dạng. Ví dụ, quận 1 và quận 5 (Chợ Lớn) không chỉ thu hút du khách bởi lịch sử và văn hóa, mà còn bởi các trải nghiệm ẩm thực phong phú, từ những quán cà phê cổ kính đến các gánh hàng rong đặc trưng. Điều này giúp tăng cường trải nghiệm du lịch cho nhóm nhỏ và gia đình, từ đó tăng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội cũng là một lợi thế lớn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và quảng bá các sản phẩm du lịch của mình đến nhóm khách hàng mục tiêu. Sử dụng các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram, hay các ứng dụng đặt phòng như Airbnb cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi và tiếp thị hiệu quả, đặc biệt là đối với những nhóm khách du lịch tìm kiếm trải nghiệm du lịch cá nhân hóa và độc đáo (Lê Thị Vân Anh, 2022). Cuối cùng, sự nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi khám phá thành phố, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường du lịch nhóm nhỏ, gia đình và caravan.

2.2. Những khó khăn cần xem xét và tìm cách khắc phục

Phát triển thị trường khách du lịch đi theo nhóm nhỏ, gia đình và caravan ở TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải linh hoạt và sáng tạo trong cách tiếp cận (Nguyễn Trọng Hiếu, 2017). Đặc biệt, việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng và phức tạp của mỗi nhóm khách du lịch là một bài toán khó. Ví dụ, gia đình với trẻ em mong muốn các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với mọi lứa tuổi, từ khu vui chơi dành cho trẻ em, các bảo tàng tương tác, cho đến những hoạt động ngoại khóa giáo dục, đòi hỏi sự an toàn và dịch vụ chăm sóc khách hàng cao. Một ví dụ điển hình là khu du lịch Suối Tiên, nơi cung cấp nhiều trải nghiệm giáo dục và giải trí cho cả gia đình, từ vườn thú, công viên nước, đến những cuộc triển lãm văn hóa.

Trong khi đó, những nhóm nhỏ thường tìm kiếm những trải nghiệm du lịch độc đáo và cá nhân hóa hơn, như khám phá những quán cà phê độc đáo ở Quận 1, hoặc tham gia vào các tour đi bộ khám phá văn hóa địa phương ở Chợ Lớn. Những trải nghiệm như vậy đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về địa điểm và văn hóa địa phương. Đối với du lịch caravan, thách thức nằm ở việc tạo ra các điểm dừng chân với đầy đủ tiện nghi như nơi đậu xe an toàn, cung cấp nước sạch, điện và dịch vụ an ninh. Khu vực ven biển Cần Giờ là một ví dụ, nơi có thể phát triển thành điểm dừng chân lý tưởng cho du lịch caravan với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các dịch vụ tiện ích (Phạm Viết Hồng, 2021). Cuối cùng, việc tiếp thị và quảng bá cho từng nhóm khách du lịch cũng cần sự đa dạng trong cách thức và thông điệp, để thu hút và tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách.

3. Đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường khách du lịch đi theo nhóm nhỏ, gia đình, caravan

Từ những nội dung phân tích trên để phục hồi phát triển du lịch, các doanh nghiệp cần phải có lộ trình và giải pháp cấp thiết, rõ ràng, cụ thể, gắn liền với thực tế mong muốn nhu cầu của khách hàng và nghiên cứu tại các doanh nghiệp. Tác giả đề xuất 6 nhóm giải pháp sau:

Một là, phân khúc thị trường theo nhóm, tập trung đối tượng gia đình, nhóm bạn hoặc cộng đồng nhỏ đại phương. Xác định thị trường Caravan, du lịch theo nhóm gồm thương nhân, gia đình, người du lịch tự tổ chức và di chuyển bằng xe với 2 thành viên trở lên trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với nhu cầu của khách du lịch (Lê Thế Giới & Cao Trí Dũng, 2019), thích ứng được tình hình dịch bệnh và giải quyết được nhu cầu du lịch của một bộ phận không nhỏ người dân trong điều kiện bình thường mới; thị trường khách là cán bộ các cơ quan nhà nước đi theo bộ phận hoặc lịch trình làm việc theo mùa. Thị trường này hiện nay có nhu cầu rất lớn và là tiền đề để góp phần phục hồi dần ngành Du lịch, đảm bảo phù hợp các định hướng phát triển của thành phố.

Hai là, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp cho khách gia đình, nhóm nhỏ, Caravan bao gồm: 1) Các doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng xây dựng hoặc thiết lập lại bộ tiêu chí du lịch cho các chương trình dịch vụ du lịch theo hình thức khép kín, an toàn; phải thể hiện rõ các nội dung liên quan tất cả các hoạt động trong và có chú dẫn chi tiết cho từng nội dung. Bộ tiêu chí xây dựng theo hướng du lịch vùng xanh, an toàn; 2) Xây dựng lại tất cả các chương trình du lịch cho các điểm đến du lịch vùng xanh gói gọn trong ngày; trước mắt ngoài tour du lịch Cần Giờ và Củ Chi, Tây Ninh đã được triển khai thì phải tiếp tục xây dựng các điểm đến xanh, an toàn khác cho du khách có nhiều chọn lựa như cù lao Hòa Thắng (Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cù lao Thới Sơn tỉnh Tiền Giang, cù lao An Bình tỉnh Vĩnh Long, cù lao Tân Phong (Thuy et al., 2021). Mở rộng các chương trình theo nội dung liên kết vùng nhưng phải đảm bảo tiêu chí theo Nghị quyết 128/NQ-CP; 3) Xây dựng các chương trình sản phẩm du lịch Caravan với các sản phẩm dịch vụ cho các nhóm gia đình đăng ký riêng lẻ theo từng sản phẩm kết nối điểm đến của các địa phương giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương có điều kiện bình thường mới. Tất cả hoạt động của chương trình theo hướng an toàn, bảo đảm vùng xanh, khép kín như: vòng cung Đà Lạt - Phan Thiết; Vũng Tàu - Phan Thiết; Phan Thiết - Phan Rang - Nha Trang - khám phá xứ Trầm Hương,… về thăm đất võ Bình Định.

Ba là, chú trọng an toàn dịch vụ phục vụ cho khách gia đình, nhóm nhỏ, caravan như là: 1) Cần đặc biệt quan tâm đến an toàn, an ninh cho du khách khi tham gia các chương trình du lịch. Có các phương án phòng chống dịch bệnh một cách cụ thể, hiệu quả. Bộ phận dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển và vui chơi giải trí phải chấp hành và thực hiện tốt quy định về an toàn, vệ sinh, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa tai nạn, tệ nạn xã hội, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất. 2) Dịch vụ vận chuyển đối với các xe vận chuyển du lịch sắp xếp bố trí mỗi xe 45 chỉ chở 20 khách, xe 29 chở 12 khách du lịch là khách các gia đình, xe 16 chỗ chở 8 khách, các xe 7 chỗ chỉ chở 4 khách và các xe gia đình có chất lượng cao phục vụ các nhóm đối tượng khách du lịch là nhóm nhỏ và các gia đình có nhu cầu đi du lịch (Nguyen Trong Hieu, 2017).

Bốn là, thực hiện chương trình chăm sóc khách hàng có chiến lược thường xuyên và liên tục, các vấn đề bao gồm: 1) Các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng, hoặc nâng cấp bộ phận chăm sóc khách hàng thành phòng, từ đó đưa ra kế hoạch chăm sóc một cách cụ thể có qui trình bài bản; triển khai theo hướng đi từng gia định, khảo sát nhu cầu mong muốn của khách hàng, sử dụng công nghệ thông tin để khảo sát; 2) Liên lạc và hệ thống nhu cầu của các nhóm khách hàng thân thiết, tiềm năng của doanh nghiệp. Thường xuyên liên lạc và nắm bắt, chăm sóc khách hàng như việc thăm nom, chúc mừng các ngày trọng đại của gia đình: sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, tiến hành khảo sát lấy ý kiến khách để nắm bắt được cảm nhận, mong muốn của khách hàng đã sử dụng dịch vụ và điều chỉnh một cách kịp thời cho doanh nghiệp của mình, nắm bắt được những vấn đề mà khách hàng đang không hài lòng và những thắc mắc mà họ gặp phải khi sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện nghiên cứu hữu hiệu nhất nhằm đạt tối ưu sự thỏa mãn của khách hàng khi sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp; 3) Xác định rõ được các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách, tiến hành khảo sát khách trong thời gian khách sử dụng dịch vụ và sau khi khách sử dụng xong dịch vụ, tổ chức đánh giá thường xuyên về sự hài lòng của khách hàng để đưa ra những nội dung giải quyết nhanh những vấn đề liên quan đến du khách, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí từng nhân sự phục vụ sự hồi phục dần ngành Du lịch (Tuân, 2015); 4) Ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc khách hàng: việc ứng dụng công nghệ theo các bước, quy trình rõ ràng giúp nhân viên theo dõi, thống kê được những vấn đề liên quan đến khách từ những khâu nhỏ nhất như sinh nhật, mong muốn về sản phẩm tại các địa phương, trong các chương trình du lịch, chất lượng dịch vụ, phục vụ của các điểm đến góp phần hoàn thiện sản phẩm đặc thù cho doanh nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp.

Năm là, áp dụng xây dựng chính sách giá linh hoạt và đẩy mạnh quảng bá du lịch tập trung nhóm khách gia đình, nhóm nhỏ, caravan (Nguyen Trong Hieu, 2017). Các nội dung cần thực hiện, đó là: 1) Các doanh nghiệp du lịch xây dựng giá cả theo hình thức chi phí thấp áp dụng linh động cho khách gia đình và nhóm khách đi xe tự lái (Caravan). 2) Xây dựng sự khác biệt hóa sản phẩm của từng địa phương, với mục tiêu đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách tạo ra sản phẩm, dịch vụ được xem là duy nhất như mỗi chương trình dành cho nhóm khách gia đình có sự khác biệt khi đến điểm tham quan. Chương trình đó là tạo điều kiện cho khách gia đình được chủ động tham gia các hoạt động trực tiếp như nấu các bữa cơm cùng với nhân viên khách sạn, ăn uống cùng nhau như người nhà, cùng tham gia các hoạt động của gia đình trong suốt thời gian du lịch. Tiếp đó xây dựng những nội dung, chương trình đặc thù tại các điểm đến là vùng xanh, an toàn và có những hoạt động mang dấu ấn riêng biệt. Tại các điểm đến đối với khách caravan sẽ có các chương trình giao lưu giữa các thành viên gia đình khác nhau, các chương trình giao lưu tìm hiểu văn hóa, bản sắc, nét đặc thù của từng địa phương đi qua, đồng thời luôn tổ chức xen kẽ những chương trình ủng hộ, thiện nguyện cho các con em gặp khó khăn tại các địa phương, điều này vừa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc; 3) Thay đổi phương thức quảng cáo và thực hiện ngay nội dung đưa sản phẩm đến từng nhà, tập trung vào các đối tượng khách du lịch là gia đình, đi theo nhóm nhỏ, an toàn. Đẩy nhanh việc quảng các các chương trình này được thực hiện thông qua việc nâng cấp các phương tiện công nghệ, các công cụ từ điện thoại thông minh cho đến các trang thương mại điện tử, các tạp chí, báo đài (Nguyễn, 2017).

Sáu là, tăng cường nguồn nhân lực bồi dưỡng cải thiện đội ngũ làm du lịch, nhằm khắc phục lỗ hổng nguồn nhân lực do tác động rất khốc liệt của đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phải thu dụng, kêu gọi nhân lực cũ trở lại làm việc và tuyển dụng nhân sự mới (Dung et al., 2022). Các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng tổ chức thực hiện huấn luyện, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở tất cả các bộ phận để thích ứng tình hình mới và nâng cao kiến thức của nhân lực nhằm hỗ trợ cho khách hàng một cách tốt nhất.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. C. M. (2024). Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Truy cập tại: https://g2.by/vz2d.
  2. Dung N. T., Nga N. T. T., & Hương N. T. X. (2022). Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm Nghiệp, 2, 98-106.
  3. Lê Thế Giới, Cao Trí Dũng (2019). Phát triển du lịch đường bộ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây: Tiếp cận thực tiễn và hàm ý chính sách. Tạp chí Khoa học Kinh tế,  số 7(01)
  4. Lê Thị Vân Anh (2022). Giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ số vào hệ sinh thái du lịch Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-phat-trien-ung-dung-cong-nghe-so-vao-he-sinh-thai-du-lich-viet-nam-90067.htm.
  5. Nguyễn Đ. S. (2017). Cụm thiết kế đồ họa quảng cáo sản phẩm công ty du lịch biển Seahorse Travel. Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Hữu nghị Việt - Hàn.
  6. Nguyễn Trọng Hiếu (2017). Tiềm năng, hiện trạng và giải pháp khai thác du lịch huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đồng Tháp, 25, 63-69.
  7. Phạm Viết Hồng (2021). Đánh giá tiềm năng tài nguyên du lịch tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Sài Gòn.
  8. Đinh Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu Thủy, Đỗ Văn Phúc. Trần Việt Hoàng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (2021). Tiềm năng ngành du lịch Việt Nam và phương hướng phát triển du lịch sau dịch bệnh Covid-19.
  9. Tuân H. T. (2015). Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch tại các điểm du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học, 10 (76), 87.

 

Solutions for developing the family and small group tourism market

in Ho Chi Minh City

Tran Van Tam

Faculty of Commerce and Tourism, Industrial University of Ho Chi Minh City

Abstract:

This paper analyzed the specific effects of the COVID-19 pandemic on tourism businesses, evaluated tourism development policies adopted by Ho Chi Minh City, and explored travel demand through random sample selection. Based on the paper’s findings, new normal conditions, and the Government’s Resolution 128, some tourism development solutions were proposed for businesses in Ho Chi Minh City.

Keywords: tourism, segment, new products, service quality, price, resources, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]