TÓM TẮT:
Dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Những mô hình kinh doanh du lịch chăm sóc sức khỏe đã được hình thành, đang ở giai đoạn đầu, nhưng được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bài viết phân tích những thuận lợi của Việt Nam trong phát triển thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe và kinh nghiệm của những quốc gia khác; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm phát triển loại hình du lịch này.
Từ khóa: du lịch, chăm sóc sức khỏe.
1. Đặt vấn đề
Du lịch chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện từ lâu và ngày nay đã trở thành một xu hướng của du lịch thế giới. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã dự báo trong thời gian tới xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt: những chuyến du lịch dài ngày của du khách sẽ không còn là những chuyến đi du lịch tham quan đơn thuần, mà thay vào đó là hình thức du lịch tận hưởng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe.
Theo báo cáo Kinh tế Sức khỏe toàn cầu đã được công bố cuối năm 2021, Viện Sức khỏe toàn cầu (GWI) dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2020 - 2025 có thể sẽ là 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành Chăm sóc sức khỏe nói chung […]. Bên cạnh đó, theo Báo cáo các xu hướng của du lịch quốc tế, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng dự báo đến năm 2030, du khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách […].
Theo kết quả khảo sát của Wellness Tourism Association, có đến 76% người được hỏi cho biết họ muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch cải thiện sức khỏe và 55% số người trong mẫu khảo sát chia sẻ rằng họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý.
Du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển loại hình du lịch này. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia khác nhau trên thế giới, từ đó có thể giúp Việt Nam phát huy lợi thế và tìm kiếm thêm nguồn thu nhập đến từ thị trường ngách này.
2. Một số lợi thế trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe được người Pháp khai thác từ thế kỷ trước, đến nay vẫn còn dấu ấn tại Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bà Nà (Đà Nẵng)... Đến nay, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đã đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên các hoạt động ngoài trời kết hợp với phương pháp trị liệu như tắm khoáng nóng (onsen), tắm bùn, xông hơi, spa, detox (thanh lọc, thải độc), thiền định, yoga, đi bộ... nhằm chăm sóc sức khỏe, đồng thời xoa dịu tinh thần, gia tăng khả năng chữa lành cho du khách. Đó là Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (Ba Vì, Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Khu nghỉ dưỡng APEC Mandala Wyndham Mũi Né (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận), hay Hệ thống nghỉ dưỡng của Tập đoàn Flamingo tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng), Tân Trào (Tuyên Quang)... Những khu nghỉ dưỡng này đều tận dụng lợi thế về cảnh quan nhằm kết nối con người với thiên nhiên để tìm lại sự cân bằng về thể chất và tinh thần. Ví dụ như MEDI Thiên Sơn đã tận dụng khung cảnh thiên nhiên gắn với rừng cây, suối, thác để du lịch được trải nghiệm du lịch khám phá, sống hòa cùng thiên nhiên để tìm lại chính mình. Còn khu du lịch nghỉ dưỡng APEC Mandala Wyndham Mũi Né (xã Hòa Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) lại sử dụng tối đa lợi thế của bãi tắm đẹp để thiết kế sản phẩm du lịch chữa bệnh với cát. Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui chơi trên cát, vùi mình trong cát để chữa các bệnh về cơ và da, hay tắm khoáng bùn nhằm điều trị các bệnh về xương khớp...
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Bờ biển dài khoảng 3.260km, nhiều bãi tắm đẹp, trải dài từ Bắc vào Nam như Trà Cổ, Hạ Long, Cát Bà, Cửa Lò, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né, Long Hải, Vũng Tàu, Phú Quốc rất thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng. Vùng ven biển nước ta còn có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú, có giá trị sử dụng trong chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Ngành Địa chất phát hiện được khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó, có nhiều nguồn, loại vừa có tác dụng chữa bệnh vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ đời sống. Nguồn nước khoáng nóng này được phân bố hầu khắp các tỉnh, có 4 suối nước nóng trên 800C, có suối nước nóng nhất lên tới trên 1000C, như suối khoáng Bang Quảng Bình trên 1050C, suối nước nóng Nghĩa Thuận, Quảng Ngãi gần 1000C, suối nước nóng Bưng Thị, Bình Thuận 870C và suối nước nóng Bình Châu ở Bà Rịa - Vũng Tàu 840C.
Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, trên 400 loài động vật được sử dụng làm thuốc với nhiều chế phẩm thuốc y học cổ truyền, kết hợp chế biến thành đặc sản ẩm thực trong lành, bổ dưỡng. Hơn nữa, Việt Nam có nền y học Dân tộc cổ truyền quý báu, đặc sắc trên thế giới, có thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng, thậm chí có thể chữa những căn bệnh mà Tây Y chưa có hướng giải quyết lâu dài. Từ đó, hệ thống bệnh viện y học dân tộc có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, ở Việt Nam, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, những ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện với cảnh quan phù hợp có thể khai thác phát triển du lịch nói chung và du lịch gắn với các hoạt động như thiền, yoga...
Với tất cả những tiềm năng và điều kiện nêu trên, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển tốt loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.
3. Kinh nghiệm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe trên thế giới
3.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Theo thông tin từ trang web du lịch Nhật Bản (5), Nhật Bản cũng có tiềm năng về nguồn suối nước khoáng nóng phong phú, đa dạng với khoảng hơn 26.000 suối nước khoáng nóng, trong đó có hơn 3.000 resort có suối nước khoáng nóng. Tại đất nước Nhật Bản, việc người dân đi đến một điểm chỉ để tắm nước khoáng nóng như là một truyền thống từ lâu đời. Các Spa nước khoáng nóng, resort tại Nhật Bản vì thế đã phát triển từ lâu, với mục tiêu nhắm vào thị trường khách du lịch nội địa. Có nhiều hình thức Spa tại suối khoáng nóng (onsen), một số có khu lưu trú truyền thống gọi là ryokan và một số khác lại chỉ là bể nước nóng mở công cộng (gọi là sento).
Một số ryokan còn cung cấp dịch vụ mát xa và Spa bên cạnh dịch vụ tắm khoáng nóng truyền thống như khách sạn Seiryoso ở Shimoda. Trải nghiệm tại một ryokan, du khách không chỉ đến để tắm nước khoáng nóng mà còn trải nghiệm những yếu tố truyền thống mang tính tín ngưỡng của người Nhật Bản, được biểu hiện ở mọi khía cạnh về không gian, thời gian. Mỗi suối khoáng đều có một câu chuyện riêng, là sự cộng hưởng của mặt đất và dòng nước, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc biệt.
Nắm bắt xu hướng phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe, Nhật Bản đã sử dụng hệ thống onsen và ryokan như là một sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nổi bật để giới thiệu tới khách du lịch quốc tế. Các khu nước khoáng nóng nổi tiếng được quảng bá rộng rãi trên các website về du lịch của Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Hiệp hội Ryokan Nhật Bản,… với các ngôn ngữ quốc tế. Ngoài ra, các quy tắc truyền thống khi tắm onsen, lựa chọn loại hình onsen… cũng được các công ty cung cấp dịch vụ khuyến nghị trước và hướng dẫn cho du khách quốc tế một cách đầy đủ, rõ ràng. Một số quy định truyền thống khắt khe của Nhật Bản không phù hợp với khách du lịch quốc tế cũng đã được cân nhắc thay đổi cho linh hoạt hơn, ví dụ như việc gần đây Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các ryokan cho phép khách du lịch có hình xăm lớn vào tắm tại onsen công cộng (ở Nhật Bản, người có hình xăm lớn bị coi là thuộc giới giang hồ nên các khách sạn hạn chế tiếp để tránh ảnh hưởng tới du khách khác). Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của các cơ sở suối khoáng nóng, Ủy ban Môi trường Nhật Bản có quy định về việc các cơ sở này phải nộp mẫu nước để xét nghiệm 1 năm 1 lần và thông báo kết quả này tới các khách hàng.
3.2. Kinh nghiệm của Thái Lan
Thái Lan là một quốc gia thuộc Đông Nam Á và có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong cảnh đất nước, vẻ đẹp trang phục và con người, thời tiết, khí hậu và tài nguyên với Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan công bố trong Báo cáo doanh thu du lịch năm 2021, nước này đã thu được 11,9 tỷ Baht từ du lịch sức khỏe trong năm 2021, tăng 47% so với năm 2020. Trong đó, 5 thị trường khách du lịch y tế lớn nhất của Thái Lan là Kuwait, Campuchia, Myanmar, Nhật Bản và Trung Quốc. Dự kiến trong năm 2023, du lịch y tế của Thái Lan có thể mang lại doanh thu 25 tỷ baht (hơn 700 triệu USD).
Thành công này đến từ việc Thái Lan xây dựng kế hoạch phát triển du lịch quốc gia rất rõ ràng. Giai đoạn 2023-2027, Thái Lan đặt mục tiêu lọt “Top 5” điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch sức khỏe theo xếp hạng của Viện Sức khỏe toàn cầu, với mức tăng trưởng trung bình của riêng lĩnh vực này là 8%/ năm. Từ mục tiêu này, các cơ quan liên quan đang tích cực thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để biến mục tiêu này sớm trở thành hiện thực.
Bộ Y tế Thái Lan đã và đang triển khai chính sách “Sức khỏe để giàu có” bằng việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế và chữa lành để củng cố kinh tế Thái Lan. Liên quan đến lĩnh vực này, y học và dược liệu cổ truyền được ưu tiên chú trọng để tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước. Đồng thời, Thái Lan đã phát triển mạnh cơ sở hạ tầng y tế, tăng cường thu hút sự tham gia của các bệnh viện tư nhân và các cơ sở spa, xây dựng hình ảnh các thành phố thảo dược để giới thiệu các điểm du lịch về sức khỏe.
Bên cạnh đó, Thái Lan đẩy mạnh phát triển các mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe với việc sử dụng y học xanh và kinh tế sáng tạo nhằm nâng cao các chương trình chăm sóc sức khỏe và du lịch chữa bệnh. Ủy ban Trung tâm Y tế đã phê duyệt các hướng dẫn nhằm phát triển “Hành lang Sức khỏe Andaman” (AWC) theo mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu của AWC là tăng cường khả năng cạnh tranh về du lịch sức khỏe ở 4 tỉnh nằm dọc biển Andaman bao gồm Phuket, Krabi, Phang Nga và Ranong, nhằm mang lại sự phục hồi kinh tế, du lịch sau đại dịch Covid-19 tại các địa phương này. Đồng thời, Thái Lan cũng chú trọng đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực y tế, nhằm đào tạo nhiều bác sĩ có thể đáp ứng các yêu cầu cao hơn.
4. Bài học rút ra cho Việt Nam nhằm phát triển du lịch sức khỏe
Từ thực tế phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam và phân tích những thành công của Nhật Bản và Thái Lan trong việc gia tăng nguồn thu từ thị trường du lịch sức khỏe, tác giả rút ra một số bài học, cũng chính là giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế về nguồn nước khoáng nóng, phong cảnh thiên nhiên. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh những chương trình khuyến mãi, quảng cáo đến người dân nội địa nhằm khai thác những tiềm lực này, từng bước hình thành thói quen nghỉ dưỡng và đi tắm suối nước nóng đối với người dân Việt Nam.
Thứ hai, ngành Du lịch cần có định hướng, chính sách cụ thể trong việc phát triển loại hình du lịch sức khỏe, định hướng dịch vụ và sản phẩm để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gấp rút xây dựng, kết nối tour và đưa vào khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Các công ty du lịch bổ sung sản phẩm du lịch thiền/yoga, các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành, song hành cùng các tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, vốn đã quá quen thuộc. Các tour này đều có huấn luyện viên hướng dẫn riêng cho du khách.
Cần có sự phối hợp giữa ngành Du lịch và ngành Y tế nhằm đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này. Hai ngành cần liên kết xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe ở cả trong và ngoài nước.
Thứ ba, tăng cường đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cả ngoại ngữ cho đội bác sỹ, y sỹ, nhân viên y tế để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch cần chăm sóc sức khỏe.
Thứ tư, Nhà nước và các ngành liên quan, trước hết là ngành Du lịch cần tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe trên thị trường trong nước và thế giới để thu hút khách quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Viện Sức khỏe toàn cầu -GWI (2021). Báo cáo Kinh tế sức khỏe toàn cầu.
- Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
- World Tourism organization and European travel commission (2018). Exploring health tourism, UNWTO, Madrid.
- Wellness Tourism Association (2022). Bảng khảo sát nhu cầu du lịch của du khách quốc tế.
- UNWTO (2023). Báo cáo xu hướng của du lịch quốc tế
- Anchana NaRanong & Viroj NaRanong (2011). The effects of medical tourism: Thailand’s experience, https://scielosp.org/article/ssm/content/raw/?resource_ssm_path=/media/assets/bwho/v89n5/v89n5a09.pdf
- Patricia Erfurt-Cooper (2021). Patricia Erfurt-Cooper
Experiences of some countries in developing medical tourism and lessons learned for Vietnam
Master. Nguyen Anh Tu1
Master. Tran Ngoc Anh1
1Hanoi Open University
Abstract:
Medical tourism has been more popular in Vietnam. Medical tourism business models have been formed. Although these business models are in the early stages of development, they have great potential and can grow strongly in the coming years, especially in the context of Vietnam’s increasingly international integration. This paper analyzed Vietnam's advantages in developing medical tourism products and presented the experiences of some countries to draw lessons for Vietnam about the development of medical tourism.
Keywords: tourism, health care.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2023]