Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở một số quốc gia và những gợi mở cho Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở một số quốc gia và những gợi mở cho Việt Nam" do Nguyễn Thị Phi Yến (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết phân tích mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) tại một số quốc gia, như: Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Đức, từ đó rút ra những đặc điểm riêng và chung trong tổ chức CQĐP ở mỗi nước. Phân tích mô hình tổ chức CQĐP ở Việt Nam, qua phân tích, bài viết chỉ ra những bất cập còn tồn tại trong mô hình tổ chức CQĐP ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu mô hình tổ chức CQĐP ở một số quốc gia, bài viết đưa ra một số gợi mở cho việc đổi mới mô hình tổ chức CQĐP tại Việt Nam.

Từ khóa: chính quyền địa phương, mô hình tổ chức, phân quyền, tự chủ, đơn vị hành chính.

1. Đặt vấn đề

CQĐP là một trong những bộ phận quan trọng và không thể thiếu trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước (BMNN). Một CQĐP mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả tạo ra sự thông suốt trong vận hành của BMNN; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Một mô hình tổ chức CQĐP hợp lý giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại. Tuy nhiên, mô hình tổ chức CQĐP ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, bộ máy cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, dẫn đến chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn. Việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự rõ ràng, chưa tạo ra sự tự chủ cho chính quyền địa phương. Trước thực tiễn đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức CQĐP ở một số quốc gia trên thế giới là cần thiết, nhằm rút ra những bài học phù hợp, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất đổi mới mô hình tổ chức CQĐP ở Việt Nam theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng đã được đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Kết luận số 127- KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

2. Mô hình tổ chức chức chính quyền địa phương ở một số quốc gia

2.1. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản

Theo quy định tại Điều 92 Hiến pháp Nhật Bản năm 1946: “Các quy tắc về tổ chức, hoạt động bộ máy CQĐP được pháp luật quy định phù hợp với nguyên tắc tự trị địa phương”. Hiến pháp Nhật Bản xác định việc tổ chức và hoạt động của Bộ máy CQĐP phải phù hợp với nguyên tắc tự trị địa phương. Điều này thể hiện việc định hướng trong tổ chức CQĐP cần phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương, đảm bảo sự “tự trị” độc lập của CQĐP so với chính quyền trung ương. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1946, Nhật Bản ban hành Luật Tự trị địa phương năm 1947, đạo luật này đã được sửa đổi bổ sung năm 2021. CQĐP của Nhật Bản được tổ chức theo 2 cấp: cấp khu vực (cấp tỉnh) và cấp cơ sở (cấp dưới tỉnh). Cấp khu vực bao gồm 47 đơn vị hành chính [5] được gọi chung là cấp tỉnh trong đó có các đơn vị hành chính với các tên gọi khác nhau: Đô (to), đạo (do), phủ (fu) và huyện (ken). Tokyo là đô, Hokkaido là đạo, Kyoto và Osaka là phủ, cùng 43 tỉnh còn lại hợp thành 47 đơn vị cấp tỉnh của Nhật Bản. Cấp cơ sở (cấp dưới tỉnh) gồm 1.719 [4] đơn vị hành chính: Thành phố (shi), thị trấn (machi hoặc cho), làng (mura hoặc son). Ngoài ra, Tokyo được chia thành 23 quận đặc biệt (ku), mỗi quận có quyền tự trị tương đương với thành phố. Cũng theo quy định tại Điều 93 Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 “Các địa phương sẽ tổ chức hội đồng nhân dân như một cơ quan để thảo luận, biểu quyết phù hợp với quy định của luật pháp. Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, thành viên của các hội đồng nhân dân và các công chức địa phương khác theo quy định của pháp luật đều được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp trong cộng đồng”. Từ đó, cho thấy việc tổ chức CQĐP ở Nhật Bản áp dụng hệ thống đại diện kép, trong đó quyền lực được phân chia giữa hai cơ quan đó là Hội đồng nhân dân (HĐND) và cơ quan hành chính địa phương. Đứng đầu cơ quan hành chính ở cấp tỉnh là Tỉnh trưởng (Governor), cấp dưới tỉnh là Thị trưởng (Mayor), cả 2 đều được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp trong cộng đồng (dân bầu). HĐND là cơ quan lập pháp ở địa phương, gồm các thành viên cũng được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp trong cộng đồng (dân bầu). CQĐP có thẩm quyền trong quản lý tài sản của mình, thực thi các công việc, quản trị hành chính và ban hành các quy định của mình phù hợp với các quy định của pháp luật [3]. Quốc hội không thể thông qua một đạo luật để áp dụng cho một địa phương nếu đa số cử tri của địa phương đó không chấp thuận [3].

Với cơ cấu tổ chức này bảo đảm sự phân quyền và tự chủ cho các địa phương, đồng thời tạo ra cơ chế kiểm soát cân bằng giữa cơ quan hành chính và cơ quan lập pháp địa phương.

2.2. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Pháp

Theo quy định tại Điều 72 Hiến pháp Pháp năm 1958 “Các đơn vị hành chính lãnh thổ hiến định của Cộng hòa Pháp bao gồm xã, tỉnh, các vùng, các đặc khu và các lãnh thổ hải ngoại. Các đơn vị hành chính lãnh thổ ban hành các quyết định thuộc thẩm quyền theo sự phân cấp. Các đơn vị hành chính lãnh thổ này được quản lý theo hình thức tự quản bởi các Hội đồng dân cử địa phương và theo các điều kiện do pháp luật quy định. Trong các đơn vị hành chính lãnh thổ, đại diện của Nhà nước, đại diện của các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo cho lợi ích quốc gia, kiểm tra về mặt hành chính và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật”. Từ quy định trên của Hiến pháp Pháp cho thấy, CQĐP ở Pháp được tổ chức ở các đơn vị hành chính xã, tỉnh, các đặc khu và các lãnh thổ hải ngoại. Tại các đơn vị hành chính này có CQĐP gồm Hội đồng dân cử và đại diện Nhà nước, đại diện thành viên Chính phủ (đại diện của chính quyền trung ương tại địa phương). CQĐP hoạt động theo cơ chế phân quyền, CQĐP cấp dưới không chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ CQĐP cấp trên. Không một đơn vị hành chính lãnh thổ nào có thể thực hiện quyền lực của mình thay cho một đơn vị hành chính lãnh thổ khác [3].

2.3. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Trung Quốc

Theo quy định tại Điều 30 Hiến pháp Trung Quốc năm 1982: “Các khu vực hành chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được phân định như sau: Cả nước phân thành Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh, Khu tự trị phân thành Châu tự trị, Huyện, Huyện tự trị, Thành phố. Huyện, Huyện tự trị phân thành Hương, Hương dân tộc, Trấn. Thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố tương đối lớn phân thành Khu và Huyện. Châu tự trị phân thành Huyện, Huyện tự trị, Thành phố. Khu tự trị, Châu tự trị, Huyện tự trị đều là khu tự trị dân tộc địa phương”. Có thể khái quát các đơn vị hành chính (ĐVHC) của Trung Quốc như sau: Cấp tỉnh: Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc Trung ương (hiện nay Trung Quốc có khoảng 34 ĐVHC cấp tỉnh [2]); cấp huyện: Châu tự trị, Huyện, Huyện tự trị, Thành phố, Khu; cấp xã: Hương, Hương dân tộc, Trấn. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết Nhà nước có thể thành lập khu hành chính đặc biệt. Trong khu hành chính đặc biệt, thi hành chế độ căn cứ theo tình hình cụ thể do Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc quy định theo pháp luật [3].

 Trừ khu hành chính đặc biệt, khu tự trị, châu tự trị, huyện tự trị, các đơn vị hành chính ở Trung Quốc thì CQĐP gồm: Đại hội đại biểu nhân dân địa phương và Chính phủ địa phương. Đại hội Đại biểu nhân dân các cấp địa phương là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương [3]. Chính phủ nhân dân các cấp địa phương là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước các cấp địa phương, là cơ quan hành chính nhà nước cấp địa phương [3]. Đại hội Đại biểu nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thành lập Khu và Thành phố thuộc tỉnh do Đại hội Đại biểu nhân dân cấp dưới bầu cử. Đại hội Đại biểu nhân dân Huyện, thành phố không thành lập Khu, Khu trực thuộc thành phố, Hương, Hương dân tộc, Trấn do nhân dân bầu cử trực tiếp. Đại hội Đại biểu nhân dân các cấp địa phương có quyền bầu và bãi miễn chính phủ nhân dân cùng cấp như Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố, Chủ tịch huyện, Phó Chủ tịch huyện, Chủ tịch khu, Phó Chủ tịch khu, Hương trưởng, Phó Hương trưởng, Trấn trưởng, Phó Trấn trưởng.

2.4. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Đức

Khác với Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Đức là nhà nước liên bang, bao gồm 16 bang và 3 thành phố được hưởng quy chế đặc biệt như một bang (Berlin, Bremen, Hamburg). Trong đó, 15 bang tiến hành phân chia lãnh thổ bang thành 2 cấp: huyện và xã, riêng bang Bayern phân chia lãnh thổ bang thành 3 cấp: khu, huyện, xã. Hiện nay, Đức có 40 huyện và 14.561 xã [13]. Hiến pháp Đức bảo đảm quyền tự chủ của các đơn vị hành chính địa phương, cho phép quản lý các công việc địa phương trong khuôn khổ pháp luật. Tại các bang, người dân được đại diện bởi một cơ quan được lựa chọn từ cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín [3]. Mô hình CQĐP Đức có đặc điểm giống của nước Pháp nhưng không có cơ quan đại diện của chính quyền cấp trên xuống giám sát chính quyền cấp dưới [1]. Mỗi cấp CQĐP ở Đức hoạt động độc lập và không chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên. Tuy nhiên, mỗi cấp chính quyền phải tuân thủ quy định của pháp luật bang và liên bang.

Từ việc nghiên cứu về CQĐP ở một số nước, chúng tôi rút ra những điểm chung sau đây:

Thứ nhất, ĐVHC và CQĐP có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc phân chia ĐVHC tác động rất lớn đến tổ chức CQĐP.

Thứ hai, việc tổ chức CQĐP trên cơ sở các cấp hành chính. Có CQĐP 2 cấp, CQĐP 3 cấp.

Thứ ba, việc tổ chức các cấp CQĐP có sự phân biệt giữa chính quyền nông thôn, đô thị, miền núi, yếu tố dân tộc, diện tích, dân số…

Thứ tư, CQĐP ở các nước đều có cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân bầu ra, đại diện cho nhân dân với các tên gọi khác nhau như: HĐND, Hội đồng dân cử, Đại hội đại biểu nhân dân địa phương,…

Thứ năm, ngoài cơ quan đại diện cho nhân dân, ở các nước còn có thêm cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính ở địa phương, hoặc cá nhân có thẩm quyền quản lý hành chính tại địa phương như: tỉnh trưởng, thị trưởng,… những cá nhân này có thể được bầu thông qua cơ quan đại diện ở địa phương, do nhân dân trực tiếp bầu ra, hoặc là đại diện từ trung ương,…

Thứ sáu, tổ chức CQĐP thể hiện mối quan hệ với chính quyền trung ương, mối quan hệ này tùy theo mức độ: độc lập, độc lập tương đối,… thể hiện trong sự tự chủ hay còn gọi là tự quản ở địa phương. Tùy theo từng mô hình tổ chức CQĐP (tản quyền, phân quyền hay tập quyền).

3. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam

Theo quy định tại Điều 111 Hiến pháp năm 2013: “1. CQĐP được tổ chức ở các ĐVHC của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Cấp CQĐP gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, ĐVHC - kinh tế đặc biệt do luật định”. Các ĐVHC của Việt Nam bao gồm: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); ĐVHC - kinh tế đặc biệt. Luật Tổ chức CQĐP năm 2025 quy định: “CQĐP ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là cấp CQĐP gồm có HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND). Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp CQĐP tại ĐVHC cụ thể thì CQĐP ở ĐVHC đó là UBND [6]. CQĐP tại ĐVHC - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập ĐVHC - kinh tế đặc biệt đó [6]. Luật Tổ chức CQĐP năm 2025 cũng xác định và phân biệt chính quyền ở nông thôn và chính quyền ở đô thị. Theo đó, CQĐP ở nông thôn gồm CQĐP ở tỉnh, huyện, xã. CQĐP ở đô thị gồm CQĐP ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

Hiện nay, mô hình tổ chức CQĐP được tổ chức theo 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Việc tổ chức cấp CQĐP tại các đơn vị hành chính của Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống nhau, đã có sự phân biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, thể hiện trong cơ cấu tổ chức của các cấp CQĐP. Theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2019 “CQĐP ở quận là cấp CQĐP, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP” [8]. “CQĐP ở phường là cấp CQĐP, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP”[8]. “Trường hợp ĐVHC cấp huyện ở hải đảo chia thành các ĐVHC cấp xã thì tại ĐVHC cấp xã tổ chức cấp CQĐP, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP” [8]. Việc quy định này cho thấy, ở các ĐVHC như quận, phường, các ĐVHC cấp xã ở hải đảo có thể không là cấp CQĐP khi Quốc hội quy định. Và nếu ở các ĐVHC này không được xác định là cấp CQĐP thì không nhất thiết phải tổ chức cả HĐND và UBND. Luật Tổ chức CQĐP năm 2025 cụ thể hóa hơn quy định này tại Khoản 1 Điều 2 “CQĐP ở các ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là cấp CQĐP gồm có HĐND và UBND. Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp CQĐP tại ĐVHC cụ thể thì CQĐP ở ĐVHC đó là UBND”. Luật Tổ chức CQĐP năm 2025, mở rộng phạm vi các ĐVHC được Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP. Không chỉ dừng lại ở quận, phường, các ĐVHC cấp xã ở hải đảo. Luật Tổ chức CQĐP năm 2025 mở rộng cho tất cả các đơn vị hành chính: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trừ ĐVHC - kinh tế đặt biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó. Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hải Phòng ĐVHC quận, phường không tổ chức cấp CQĐP. CQĐP ở quận, phường chỉ bao gồm UBND, không có HĐND [10][11][12]. Ở Thành phố Hà Nội ĐVHC phường không tổ chức cấp CQĐP. CQĐP ở phường chỉ bao gồm UBND [9]. Mặt dù hiện nay, việc tổ chức mô hình CQĐP phần nào đã có sự phân biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Tuy nhiên, việc tổ chức chính quyền đô thị ở các ĐVHC thuộc chính quyền đô thị như thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn chưa đảm bảo sự thống nhất trong cả nước, chưa thống nhất quy định trong Luật Tổ chức CQĐP, để tạo nên sự khác biệt giữa chính quyền nông thôn và đô thị. Do đó, việc áp dụng thống nhất chưa được mở rộng và áp dụng cho các đô thị khác. Do vậy, mô hình CQĐP ở các đơn vị hành chính đô thị còn lại chưa có sự khác biệt với các ĐVHC thuộc chính quyền nông thôn như tỉnh, huyện, xã. Hơn nữa, việc sử dụng thuật ngữ “CQĐP” và “Cấp CQĐP” trong Hiến pháp năm 2013 tạo ra sự không thống nhất trong tổ chức CQĐP. Nếu ở những ĐVHC Quốc hội quy định không phải là cấp CQĐP, tức ở đó chỉ tổ chức UBND thì ở những nơi đó có được xác định là CQĐP không. Bên cạnh đó, tại Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định: “CQĐP tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên”. Vậy, nếu ở các ĐVHC không được xác định là cấp CQĐP, việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn trong Khoản 1 Điều 112 của Hiến pháp sẽ được triển khai thực hiện như thế nào.

4. Một số gợi mở cho Việt Nam trong việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia, cùng với việc nghiên cứu mô hình tổ chức CQĐP ở Việt Nam, tác giả đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc đổi mới mô hình tổ chức CQĐP như sau:

Thứ nhất, cần tổ chức hợp lý các ĐVHC, điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối hiện nay đã được đặt ra trong Kết luận số 127- KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc tổ chức hợp lý ĐVHC, làm căn cứ tổ chức CQĐP tinh gọn. Tổ chức hợp lý các ĐVHC không chỉ là thực hiện việc hợp nhất các ĐVHC với nhau để giảm số lượng ĐVHC hiện tại, tăng quy mô của ĐVHC cả về diện tích tự nhiên, quy mô dân số tạo không gian phát triển cho địa phương mà cần phải xem xét thiết kế tổng thể hệ thống hành chính lãnh thổ của Việt Nam. Cần phân biệt giữa ĐVHC tự nhiên và ĐVHC nhân tạo hay ĐVHC và ĐVHC chuyên biệt, để thiết lập những cơ chế pháp lý phù hợp cho các ĐVHC. Các nước như Nhật, Pháp, Đức, Trung Quốc, đều có sự phân biệt này. Để giải quyết được vấn đề này, trước hết cần xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trong quy định về ĐVHC. Việc sửa đổi theo hướng quy định các ĐVHC bao gồm: cấp tỉnh, cấp xã và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Thứ hai, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản. Việc không tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp, bỏ cấp huyện giúp tinh gọn bộ máy CQĐP, tạo động lực cho việc xây dựng CQĐP, tập trung nguồn lực để xây dựng CQĐP hiệu lực, hiệu quả. Để xem xét tổ chức CQĐP theo hướng này, trước hết cần xem xét sửa đổi Điều 111 Hiến pháp năm 2013 theo hướng: “Các Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn thành lập HĐND và UBND. Chính quyền địa phương tại ĐVHC - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập ĐVHC - kinh tế đặc biệt đó”. Việc quy định như trên tạo ra một chính quyền địa phương hoàn chỉnh, đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức CQĐP, tránh việc thiết lập CQĐP chỉ có UBND. Không nên phân biệt giữa “CQĐP” và “cấp CQĐP” bởi vì đã là CQĐP là phải có cơ cấu đầy đủ cả HĐND và UBND.

Thứ ba, cần có sự phân biệt giữa CQĐP ở các đơn vị hành chính khác nhau, chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Quy định về cơ sở pháp lý cụ thể trong Luật Tổ chức CQĐP, không rải rác trong nhiều văn bản như hiện nay, để đảm bảo thống nhất trong cả nước.

Thứ tư, cần tăng số lượng đại biểu HĐND, việc tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ dẫn đến việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, các ĐVHC sẽ tăng về số lượng quy mô diện tích, dân số,… Do đó, số lượng đại biểu HĐND sẽ tăng lên phù hợp cho tính đại diện ở địa phương.

Thứ năm, tăng cường phân cấp, phân quyền cho CQĐP, đảm bảo sự độc lập và quyền tự chủ, tự quyết của các địa phương.

Thứ sáu, cần tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức của CQĐP đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt là chính quyền cấp xã. Khi mà địa vị của cấp xã đã thay đổi so với trước, khi tiến hành bỏ cấp huyện.

5. Kết luận

Việc tổ chức CQĐP cần hướng đến tinh gọn, hiệu quả, trao quyền nhiều hơn cho địa phương, đồng thời đảm bảo sự giám sát chặt chẽ để tránh lạm quyền. Mô hình tổ chức CQĐP sau tinh gọn cần bảo đảm: tổ chức hợp lý theo từng ĐVHC, tăng cường quyền giám sát cho HĐND, UBND hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn, CQĐP có quyền tự chủ hơn, bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn, minh bạch hơn.

 

 TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  [1] Lê Thị Hoài Ân (2015). Mô hình tổ chức chính quyền địa phương một số nước trên thế giới. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5(285), tháng 3/2015.

[2] Nguyễn Sơn Bách (2024). Sự đa dạng của chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc. Tạp chí Quản lý nhà nước, Số 338 (tháng 3/2024).

[3] Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao (2012). Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia. NXB Hồng Đức, Hà Nội.

[4] Quốc Đạt (2025). Mô hình chính quyền ba cấp nhìn từ thế giới. Truy cập tại https://daibieunhandan.vn/mo-hinh-chinh-quyen-ba-cap-nhin-tu-the-gioi-post406335.html.

[5] Minh Phương (2025). Nhật Bản với mô hình địa phương 2 cấp. Truy cập tại https://thanhnien.vn/nhat-ban-voi-mo-hinh-dia-phuong-2-cap-185250313223039363.htm.

[6] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2025). Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2025.

[7] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2015). Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015.

[8] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2019). Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019.

 [9] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2024). Luật Thủ đô năm 2024.

[10] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2020). Nghị quyết số 131/2020/QH14 về Tổ chức Chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[11] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2024). Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

 [12] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2024). Nghị quyết số 169/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

[13] Lê Kim Thoa, Nguyễn Sỹ Đại (2006). Tổ chức chính quyền địa phương Cộng hòa Liên bang Đức. Hà Nội: NXB Tư pháp, tr. 80.

 

Local government organization in some countries

and policy suggestions for Vietnam

Nguyen Thi Phi Yen

Law of University, Hue University

Abstract:

This study examines the models of local government organization in selected countries, including Japan, France, China, and Germany, identifying both their unique and shared characteristics. It then analyzes the current structure of local government in Vietnam, highlighting existing shortcomings and limitations. Drawing on comparative insights from international models, the study proposes recommendations for reforming and improving the local government organization in Vietnam.

Keywords: local government, organizational model, decentralization, autonomy, administrative unit.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15/2025]