Triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chủ động trong việc triển khai, phối kết hợp các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác năm 2024; linh hoạt trong cách thức triển khai công việc cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Về quản lý cạnh tranh, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã tăng cường công tác giám sát và quản lý cạnh tranh, đặc biệt là trong kiểm soát tốt các hoạt động tập trung kinh tế; tập trung rà soát, theo dõi và xử lý các vụ việc điều tra và xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh.
Trong năm 2024, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia đã xem xét 24 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm 10 vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh, 11 vụ việc về hành vi không lành mạnh và 3 vụ việc về hành vi tập trung kinh tế.
Về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước. Công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bán hàng đa cấp được duy trì hiệu quả, đúng pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo đạt hiệu quả cao.
Thông qua các hoạt động của Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp đã tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng nhận diện, phòng tránh các biểu hiện biến tướng của kinh doanh đa cấp cho mọi tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức; cảnh báo về các hình thức đào tạo đội nhóm bằng các hình thức phản cảm như bắn chun, đánh roi…
Đồng thời, chuyển thông tin về 11 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Hà Nội, Công an tỉnh Nam Định để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời.
Về bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã tập trung công tác triển khai kế hoạch tổ chức, thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, nhằm mục tiêu sớm đưa Luật vào cuộc sống một cách toàn diện, hiệu quả. Đồng thời, đã chủ động, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đồng thời đảm bảo tiến độ và chất lượng của các hoạt động chuyên môn, nổi bật là hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức; huy động, kêu gọi nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ trì và phối hợp thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Trong năm 2024, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận 8.446 cuộc gọi đến, trong đó, các tổng đài viên của Uỷ ban đã tiếp nhận và trả lời 5.536 cuộc gọi, chiếm khoảng 78,7%. Trong số 5.536 cuộc gọi được trả lời, có khoảng 65,5% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng 787 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng qua 4 phương thức, gồm: Qua đường bưu điện, công văn (chiếm khoảng 67%); qua hộp thư điện tử (chiếm khoảng 31,2%); qua website (chiếm khoảng 1%) và qua Cổng dịch vụ công quốc gia (chiếm khoảng 1%).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, năm 2024 là năm thứ 2 Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia đi vào hoạt động. Được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Bộ Công Thương cùng với sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia đã đạt được một số kết quả nhất định.
Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho ngành, lĩnh vực quản lý, cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị và đổi mới, sáng tạo để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị và đổi mới, sáng tạo để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia mong muốn nhận được những đánh giá khách quan của đại biểu tham dự, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân để Ủy ban thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2025, góp phần nâng cao hình ảnh của đơn vị và sự phát triển chung của ngành Công Thương” - ông Lê Triệu Dũng bày tỏ.
Phát huy vai trò của cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm 2024, dù có sự điều chỉnh nhiều về công tác nhân sự, bộ máy tổ chức, song thành tích đạt được của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là rất khả quan trong cả 3 lĩnh vực: Cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quản lý về bán hàng đa cấp.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân biểu dương, ghi nhận những thành tích này. Đồng thời, Thứ trưởng cũng ghi nhận, biểu dương sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị không chỉ trong bộ mà còn các đơn vị ngoài bộ, và đặc biệt là sự phối hợp giữa Ủy ban với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước.
Phát huy vai trò của cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, để hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiến hành điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu, năm 2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, phát hiện và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, tăng cường thực thi pháp luật để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
“Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tập trung xây dựng cuốn Sách báo cáo về cạnh tranh, tổng kết đầy đủ các số liệu, câu chuyện; đồng thời định hướng tuyên truyền, cảnh báo đến các doanh nghiệp để thực hiện tốt pháp luật về cạnh tranh. Đặc biệt, ngay trong quý I/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải xây dựng mô phỏng xử lý vụ việc về hạn chế cạnh tranh để chúng ta thực hành” - Thứ trưởng yêu cầu.
Thứ tư, cần phát huy hơn nữa sự sáng tạo trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Không nhìn vào nguồn lực hiện có để điều chỉnh mà phải chủ động sáng tạo bởi càng phát huy sáng tạo, chúng ta sẽ càng làm được nhiều, khi đó sẽ có thêm nguồn lực của các tổ chức xã hội trong công tác này” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ năm, tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đồng thời, mạnh dạn hơn trong việc phối hợp các lực lượng chức năng từ trung ương đến các địa phương trong quản lý loại hình kinh doanh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Thứ bảy, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của công chức, điều tra viên, viên chức, người lao động, gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ
Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực thi luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời đẩy mạnh xây dựng luật pháp quốc tế.