Tóm tắt:
Phát triển kinh tế xanh (PTKTX) là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết nghiên cứu thực trạng quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay. Từ đó cho thấy những khó khăn, thách thức để PTKTX thì Nhà nước cần tăng cường quản lý đối với PTKTX, bảo đảm điều khiển, chỉ đạo hoạt động chung đối tượng quản lý, nhằm cân bằng tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, ngăn ngừa những thiệt hại về môi trường, sinh thái.
Từ khóa: quản lý nhà nước, kinh tế xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế.
1. Kinh tế xanh và quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh
1.1. Quan niệm về quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh
Khái niệm kinh tế xanh (KTX) ban đầu được sử dụng trong mối quan hệ với các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Những ý tưởng cấu thành nội hàm khái niệm KTX được hình thành rất sớm, lần đầu được đề cập một cách chính thức vào năm 1989, do các chuyên gia kinh tế thuộc nhóm tư vấn chính sách về chất lượng cuộc sống của Anh đề cập trong báo cáo phân tích của nhóm[1]. Về sau, khái niệm này được sử dụng ngày càng phổ biến hơn. Năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền KTX: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” của UNEP đưa ra định nghĩa về KTX được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, đó là: “Nền KTX giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền KTX có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.” Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về KTX: “Là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”.
Như vậy, có thể thấy, KTX là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền KTX, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Nội hàm của KTX bao gồm: phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội.
Phát triển KTX là một trong các nội dung của phát triển bền vững, để bảo đảm PTKTX đúng hướng, đạt hiệu quả thì Nhà nước cần có biện pháp quản lý phù hợp. Quản lý nhà nước là những hoạt động dựa trên pháp luật và quyền lực của nhà nước, do các cơ quan, tổ chức mang quyền lực nhà nước thực hiện; là thực hiện các hoạt động có tính chất chấp hành, điều hành; là hoạt động có mục tiêu rõ ràng đó là xác lập một trật tự ổn định, xây dựng và củng cố bộ máy tổ chức, phát triển xã hội theo những gì mà tầng lớp, giai cấp cầm quyền mong muốn. Hoạt động quản lý nhà nước giúp điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội để đạt được những mục tiêu, chiến lược của cả nước đã được hoạch định trước đó.
Từ đó, ta có thể hiểu quản lý nhà nước đối với PTKTX là: quản lý nhà nước đối với PTKTX là sự tác động có tổ chức của các cơ quan nhà nước, bằng pháp luật do nhà nước ban hành, tác động tới hoạt động phát thải carbon, sử dụng tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững, mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội.
Quản lý nhà nước đối với PTKTX được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ các cơ quan có thẩm quyền chung tới các cơ quan chuyên môn (Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường…), tác động tới hành vi của doanh nghiệp, người tiêu dùng… nhằm điều chỉnh hành vi, bảo đảm lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội.
1.2. Nội dung quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh
Thứ nhất, hoạch định chiến lược, chính sách và ban hành pháp luật về PTKTX.
Đây là giai đoạn lập kế hoạch, mở đường cho cả quy trình quản lý, là cơ sở, tiền đề tiến hành các giai đoạn tiếp theo trong quá trình quản lý. Bên cạnh chiến lược, chính sách, hệ thống pháp luật cần được xây dựng và hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý nhà nước đối với PTKTX.
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với PTKTX cần đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Những văn bản này phải là công cụ hữu hiệu để các chủ thể quản lý tác động lên các quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý.
Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về PTKTX.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về PTKTX đảm bảo đúng, đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các kiến thức về PTKTX phải thường xuyên được cập nhật đến đối tượng quản lý. Đổi mới, kết hợp sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp như qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hội thảo, hội nghị, các phong trào... để nâng cao ý thức của người dân, cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước. Điều quan trọng nhất là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phù hợp với đối tượng mới mang lại hiệu quả, chú trọng những đối tượng đặc thù.
Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ quan quản lý PTKTX.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với PTKTX thực hiện nhiệm vụ quản lý và là chủ thể đưa ra các quyết định quản lý. Quản lý có hiệu quả hay không phụ thuộc vào sự đồng bộ, thống nhất, phân chia chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền trong bộ máy. Xây dựng hệ thống cơ quan này nằm trong tổng thể chương trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, theo các nguyên tắc chung, thống nhất, tạo thành cơ chế đồng bộ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.
Thứ tư, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về PTKTX.
Thông qua kiểm tra, giám sát quá trình thực thi các chính sách của Nhà nước về PTKTX, chủ thể quản lý có thể kịp thời định hướng và điều chỉnh để hoạt động của đối tượng quản lý đúng hướng, giảm thiểu các rủi ro, đảm bảo quyền và lợi ích của họ.
Các cơ quan quản lý nhà nước về PTKTX phải làm tốt công tác tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế xanh đã được duyệt, kịp thời phát hiện và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế xanh cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tế. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh để kiến nghị và điều chỉnh.
Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trực tiếp tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, thúc đẩy hoạt động PTKTX, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng.
2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay
2.1. Thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay
Năm 2012, trong Chiến lược quốc gia đầu tiên mang tính tổng thể về lĩnh vực PTKTX ở Việt Nam lần đầu tiên khái niệm KTX được đề cập tới gắn với tăng trưởng xanh[2]. Trong thời gian hơn 10 năm, dưới dự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, hành vi sản xuất và tiêu dùng thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhiều đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế xanh; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều khu đô thị và vùng nông thôn mới được hình thành.
Giai đoạn 2020 - 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng GDP có sự sụt giảm ở mức 2,87% và 2,55%, nhưng đến năm 2022 mức tăng trưởng đạt 8,12% ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Năm 2023, mặc dù GDP chỉ đạt 5,05%, nhưng vẫn cao hơn nhiều giai đoạn trước đó nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới.
Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023
Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê
Việc PTKTX đã có ảnh hưởng tích cực đến lao động trong nước, cơ cấu lao động Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rõ nét theo hướng phi nông nghiệp. Xu hướng này phù hợp với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, góp phần bổ sung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế quốc gia. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020 - 2021.
Hình 2: Cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2023
Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê
Việt Nam là 1 trong 5 nước đạt được ngưỡng giảm phát thải carbon đề ra trong mục tiêu Đóng góp quốc gia tự quyết định[3]. Đến năm 2022, Việt Nam có tổng phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng sơ cấp là 270,0 triệu tấn (giảm 1,1% so với 2021), chiếm 0,8% tổng phát thải CO2 của thế giới và mức phát thải bình quân đầu người là 2,492 tấn/người, chỉ bằng 57,8% bình quân của thế giới và rất thấp so với nhiều nước trên thế giới, cũng như trong khu vực.[4]
Bên cạnh những kết quả khả quan, PTKTX còn nhiều hạn chế.
Dựa trên các yếu tố lịch sử, công nghệ sản xuất ở Việt Nam về cơ bản lạc hậu, hệ thống máy móc đã cũ, tiêu hao năng lượng lớn; nguồn năng lượng chủ yếu từ nguyên liệu thô. Trong thời gian gần đây, một số dây chuyền sản xuất hiện đại được sử dụng, tuy nhiên chất lượng nguồn lao động cho nền kinh tế xanh chưa cao nên chưa khai thác và sử dụng được một cách hiệu quả.
Việc PTKTX cũng chưa mang tính hệ thống, chưa đồng bộ, nhiều khu vực khó khăn chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển; thói quen sản xuất, tiêu dùng của nhiều doanh nghiệp cũng như người dân còn lãng phí, chưa có ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều khu vực người dân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nên chỉ tập trung vào lợi nhuận đạt được mà chưa quan tâm tới tính bền vững trong sản xuất, tiêu dùng.
2.2. Ưu điểm và hạn chế trong quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, hoạch định chiến lược, chính sách và ban hành pháp luật về PTKTX.
Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. với mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia[5].
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh. Để thể chế hóa đường lối của Đảng, nhiều văn bản luật được ban hành như: Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Lâm nghiệp năm 2017,... cùng các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp quy khác đó là: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bên cạnh Chiến lược tăng trưởng xanh, Nhà nước còn có các chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược Quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu… mà nội dung của các chiến lược còn nhiều điểm chưa thống nhất; nguồn lực đầu tư chưa nhiều, chủ yếu dựa vào tài trợ của các tổ chức phi chính phủ;… chưa có đạo luật nào quy định tập trung, đầy đủ về tăng trưởng xanh. Yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tăng trưởng xanh trên cơ sở kế thừa nền tảng pháp lý và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về PTKTX.
Ngày 30/5/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh. Tại cuộc họp Phó Thủ thướng đã đưa ra kết luận: phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí, các Bộ, ngành, địa phương trong tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội để thay đổi nhận thức, hành vi, đạo đức về thực hành sản xuất, tiêu dùng, lối sống xanh; nghiên cứu để có các kênh, chương trình riêng về tăng trưởng xanh để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về tăng trưởng xanh, hướng dẫn thực hành lối sống, hành vi sản xuất, tiêu dùng xanh; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa nội dung này vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo trong các cấp học (bao gồm cả đào tạo nghề)[6].
Nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức (Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” do Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Nam Định phối hợp tổ chức ngày 26/6/2024; Hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”… do Trường Đại học Thương mại phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, Đại học Quốc gia Chung Nam, Hàn Quốc, Trường Đại học Sofia, Bulgaria đồng tổ chức ngày 18/5/2023…) góp phần làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế xanh, truyền tải được các nội dung về PTKTX tới cộng đồng.
Bên cạnh đó, những mô hình sản xuất, tiêu dùng điển hình trong bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ xanh… được lan tỏa, hình thành phong trào tiêu dùng xanh và xem đó như là một trong các tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mặc dù vậy, công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, mang nặng tính lý thuyết.
Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ quan quản lý PTKTX.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với PTKTX tiếp tục được hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội, dần đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh được thành lập ngày 5/9/2022 (theo Quyết định số 1044/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, tiếp đó, các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo về tăng trưởng xanh cấp tỉnh (Đồng Nai, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lào Cai…).
Với khối lượng công việc lớn, tính chất mới và phức tạp, trong khi đó kinh tế xanh chỉ là một trong số nội dung của tăng trưởng xanh nên với cơ quan chuyên trách là Ban chỉ đạo về tăng trưởng xanh không thể giải quyết được triệt để, nhanh chóng và kịp thời. Thêm vào đó, ban chỉ đạo mới được tổ chức đến cấp tỉnh, chưa tổ chức được ở các cấp thấp hơn cũng gây khó khăn trong quản lý.
Thứ tư, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về PTKTX.
Hiện nay, với hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hành vi sản xuất, tiêu dùng… để phát hiện vi phạm. Hàng năm, có hàng nghìn vụ việc gây ô nhiễm môi trường; khai thác, sử dụng trái phép tài nguyên được phát hiện và xử lý, có những vụ việc hết sức nghiêm trọng.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 được Tổng cục Thống kê công bố cho biết các cơ quan chức năng đã phát hiện 628 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 595 vụ với tổng số tiền phạt 17,4 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023 đã phát hiện 16.641 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 14.873 vụ với tổng số tiền phạt là 282,1 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm trước[7].
Cơ quan kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở, khu vực sản xuất hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường kéo dài từ trước đây để lại. Qua kiểm tra thực tế, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã phát hiện một số tổ chức có vi phạm về bảo vệ môi trường như liên quan đến xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; vi phạm công tác báo cáo bảo vệ môi trường; vi phạm về giấy phép môi trường; vi phạm về chương trình quan trắc môi trường định kỳ.
Mục tiêu giảm nhẹ trong biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay mang tính tự nguyện chưa bị ràng buộc bởi các cam kết quốc tế. Trên thực tế, còn nhiều vụ việc vi phạm đã bị phát hiện nhưng chưa được xử lý hoặc chưa bị phát hiện.
3. Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Trước những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với PTKTX ở Việt Nam hiện nay, để thực hiện lộ trình xây dựng và PTKTX một cách hiệu quả trong thời gian tới, cần có những giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng cơ sở pháp lý về phát triển kinh tế xanh.
Các đạo luật hiện hành về các vấn đề nước, khí hậu, môi trường, đất đai… chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh ở một ngành, lĩnh vực cụ thể, chưa có sự tập trung, thống nhất thành hệ thống với những tiêu chí cụ thể để đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng xanh. Việt Nam cần xây dựng Luật Tăng trưởng xanh, trong đó tập trung thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, thể hiện rõ nội dung định hướng phát triển kinh tế: chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường[8].
Ngoài Luật Tăng trưởng xanh, đối với các lĩnh vực cụ thể cũng cần có những đạo luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đó như: Luật Kinh doanh khí thải nhà kính, Luật Biến đổi khí hậu…
Thứ hai, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xanh.
Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho các ngành KTX như: giảm thuế, ưu đãi về vốn… Hoạt động sản xuất, tiêu dùng xanh thường có mức chi phí cao hơn so với các hoạt động thông thường nên cần được ưu đãi, có như vậy các doanh nghiệp, cá nhân mới có động lực để tiếp tục thực hiện mục tiêu xanh.
Chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế; nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, phát triển năng lượng tái tạo cũng cần được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho PTKTX.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phát triển kinh tế xanh.
Để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội nhận thức rõ về KTX, một trong những biện pháp quan trọng là cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về PTKTX theo hướng gia tăng hàm lượng thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức. Cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của PTKTX. Kịp thời phổ biến quá trình thể chế hóa nghị quyết, trong đó tập trung đăng tải, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật của Quốc hội, các chính sách của Chính phủ, chương trình hành động của các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PTKTX
Phổ biến các thực hành tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa với thiên nhiên, gắn kết với các giá trị truyền thống. Chú trọng giáo dục về kỹ năng mềm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để hình thành phong cách, ý thức sống xanh, văn minh, cống hiến và sáng tạo. Nâng cao năng lực nhận diện nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh đối với hàng hóa, sản phẩm; tăng cường phổ biến thông tin sản phẩm, dịch vụ phát thải thấp, thân thiện môi trường.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế xanh.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong quản lý nhà nước đối với PTKTX có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và trình độ nghiệp vụ cao. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi tuyển công chức, bảo đảm công bằng, công khai, an toàn, dân chủ và đúng luật, đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới công tác đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, công chức bảo đảm trung thực, khách quan, phản ánh đúng kết quả thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Tiếp tục khuyến khích về vật chất, tinh thần đối với người có tài, có trình độ cao tham gia bảo vệ môi trường, PTKTX. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo bước chuyển biến tích cực trong lề lối làm việc của từng cá nhân với tinh thần phục vụ nhân dân.
Kịp thời thành lập cơ quan chuyên trách quản lý phát triển kinh tế xanh tới cấp cơ sở, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động xử lý, bảo vệ môi trường. Sự tham gia của các chủ thể tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hiện thông tin và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật. Một cơ quan không thể thực hiện hiệu quả quản lý, mà phải có sự vào cuộc, hợp tác của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về phát triển kinh tế xanh.
Các hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây hại cho môi trường, hạn chế PTKTX cần được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định.
Cần nhận thức đúng vai trò quan trọng của thanh tra, kiểm tra sẽ làm cơ sở cho việc thực hiện pháp luật đúng đắn, đồng thời tăng tính nghiêm minh của pháp luật. Phải đổi mới hình thức thanh tra, kiểm tra phù hợp với nội dung và mục đích thanh tra, kiểm tra. Tăng cường tiến hành thanh tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… nhằm đảm bảo tính trung thực và phát huy hiệu quả của hoạt động này. Xây dựng bộ tiêu chí để kiểm tra đảm bảo tính khách quan, chính xác; tránh sai sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, tránh xử lý oan sai.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
[1] D. W. Pearce & Markandya Anil & Barbier Edward (1989). Blueprint for a Green Economy. DOI:10.4324/9780203097298.
[2] Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.
[3] Mạnh Hà (tháng 1/2024). Việt Nam thuộc top 5 nước đạt ngưỡng giảm phát thải carbon. Truy cập tại: https://vietnamnet.vn/viet-nam-thuoc-top-5-nuoc-dat-nguong-giam-phat-thai-carbon-2242290.html.
[4] Nguyễn Cảnh Nam (tháng 3/2024). Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng trên toàn cầu và những vấn đề Việt Nam cần quan tâm. Truy cập tại: https://nangluongvietnam.vn/phat-thai-co2-tu-tieu-dung-nang-luong-tren-toan-cau-va-nhung-van-de-viet-nam-can-quan-tam-32229.html.
[5] Chính phủ (2012). Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2012 về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Điều 1.
[6] Văn phòng Chính phủ (2023). Thông báo số 227/TB-VPCP ngày 16 tháng 6 năm 2023, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, điểm g mục II.
[7] Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội quý IV và năm 2023.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mục I.
State Management of Green Economy Development in Vietnam Today
PhD. DO THU HIEN
Faculty of State and Law, Academy of Journalism and Communication
Abstract:
Green economy development is both a goal and a responsibility for every nation, including Vietnam. This article examines the current state of government management in promoting green economy development in Vietnam. It highlights the challenges and difficulties faced in this area, emphasizing the need for the government to strengthen its management to ensure that economic growth is balanced with human development and the prevention of environmental and ecological damage.Keywords: state management, green economy, green economy development, economy.