Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Bài báo nghiên cứu "Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay" do ThS. Nguyễn Hữu Kỷ Tỵ (Bộ môn Lý luận Chính trị, Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết phân tích thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành địa phương tiên phong, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, xứng đáng là trung tâm chính trị - văn hóa, đầu tàu kinh tế của cả nước.

Từ khóa: kinh tế xanh, phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh.

 1. Tính tất yếu trong phát triển kinh tế xanh ở thành phố Hồ Chí Minh

Thuật ngữ “kinh tế xanh” được sử dụng rộng rãi từ năm 2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và sự cần thiết “kích thích kinh tế xanh”, từ đó trong Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, tháng 10/2008) đã đưa ra “Sáng kiến ​​kinh tế xanh”. Năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” của UNEP đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, đó là “nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”. Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời 2 mục tiêu: bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững. Theo Liên minh châu Âu (EU) cho rằng “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”. Từ những khái niệm cho thấy, kinh tế xanh là cơ sở cho sự phát triển bền vững của quốc gia; là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường. Kinh tế xanh là những hoạt động tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người; đồng thời, những hoạt động này cũng thân thiện với môi trường. Kinh tế xanh là cần thiết, bởi nó cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, tạo ra việc làm, ngăn chặn ô nhiễm môi trường, sự nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường. Kinh tế xanh có vai trò rất quan trọng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường, chủ động đẩy mạnh tăng trưởng xanh trên diện rộng, cam kết Net Zero vào năm 2050. Với cam kết trên đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong mục tiêu phát triển của Việt Nam, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.

Hiện nay, Thành phố đóng góp 1/5 GDP quốc gia, hơn một phần tư thu ngân sách, dẫn đầu về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, chiếm gần 30% số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, dù có mức phát triển nhanh, nhưng Thành phố đang phải đối mặt với các vấn đề phát thải khí nhà kính lớn nhất, với khoảng 57,6 triệu tấn - chiếm 23,3% cả nước, ô nhiễm môi trường do xử lý nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy hoạch và quản lý đất thiếu hiệu quả, liên kết đô thị - nông thôn còn yếu, gây khó khăn cho việc hỗ trợ tiếp cận hạ tầng bình đẳng, nâng cấp chuỗi giá trị cho nền nông nghiệp xanh và du lịch sinh thái,... Từ chính thực tiễn trên, thành phố ý thức rõ rằng hiện nay mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, Thành phố đã từng bước chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững [3].

2. Thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh

Nhằm mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh một cách bền vững, hướng tới trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, các cấp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xem vấn đề phát triển kinh tế xanh là trọng tâm trong xây dựng và định hướng chính sách phát triển. Thành phố đã thông qua Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 và xem đây là 1 trong 13 nội dung cụ thể của Chương trình Đột phá phát triển hạ tầng Thành phố. Trong Chương trình này, Thành phố đặt mục tiêu tổng quát: “Phát huy kết quả tích cực đạt được trong việc triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường các giai đoạn từ năm 2011 - 2020, tiếp tục tập trung các giải pháp ngăn chặn xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường Thành phố, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” [4]. Từ đó, Chương trình xác định 3 mục tiêu cụ thể tập trung thực hiện là: tiếp tục giữ vững và nâng chất các chỉ tiêu đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020; phòng ngừa, giảm thiểu tác động của nước thải, khí thải và chất thải rắn đến môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Từ những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2030 được xem là công cụ đo lường, giám sát, nhằm giúp lãnh đạo Thành phố trong quá trình định hướng và điều chỉnh các mục tiêu phát triển đô thị; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái, tạo điều kiện để thành phố có thể ứng phó tốt với rủi ro, cải thiện môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhằm qua đó có thể xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ trở thành một thành phố phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ, mà còn cung cấp một môi trường an toàn và lành mạnh cho người dân, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến thăm hoặc sống tại đây. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của người dân thành phố, các tổ chức quốc tế và địa phương, cá nhân làm việc tại đây về việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 29 tháng 12 năm 2022, Thành phố đã ban hành Quyết định số 4589/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 [5]. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tích hợp tăng trưởng xanh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (ban hành ngày 24/6/2023) đã tạo ra nhiều điều kiện cho việc phát triển kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một số quy định cụ thể quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển nền kinh tế xanh được nêu trong Nghị quyết như sau:

Về quản lý đầu tư: Nghị quyết đã có những đề cập rõ đến các cơ chế của Thành phố về quản lý đầu tư, cụ thể: Hội đồng nhân dân Thành phố được bổ trí vốn đầu tư công hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người dân; cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư với các dự án thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa; áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; TP. Hồ Chí Minh được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao với điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát ngân sách, UBND Thành phố sẽ chủ trì quy định về đánh giá năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính [3].

Về tài chính, ngân sách nhà nước: Thành phố cũng đã được dỡ bỏ một số rào cản trong việc quản lý và sử dụng ngân sách cho sự phát triển của mình. Một số điểm nhấn quan trọng, như: Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định, điều chỉnh tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí 2015. Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm các khoản thu từ việc điều chỉnh; sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ; hằng năm, Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu Ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách Thành phố so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng ngân sách để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND Thành phố đại diện chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ cho Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC). Bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách để hỗ trợ lãi suất cho các dự án được HFIC cho vay; quyết định việc thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp đang sử dụng; được thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; quyết định sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính để lắp đặt hệ thống điện mặt trời [3].

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường: được phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; Phê duyệt điều chỉnh cục bộ, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc ở vị trí khác tương đương về quy mô; xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; Có cơ chế khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường. Thành phố được quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức đặt hàng với nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang xử lý có thu hồi năng lượng.

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố: thành phố được thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên [3].

Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân với một số trường hợp nhằm khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định các lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm giải pháp công nghệ mới và nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ. Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định tiền lương, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Ngoài ra, vào tháng 9/2023, thành phố đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”. Thông qua Diễn đàn, thành phố đã có những trao đổi, đóng góp thẳng thắn, thực chất, sâu sắc và toàn diện về hiện trạng và xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững trên thế giới, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi có thể áp dụng đối với thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh, như: phát triển nguồn lực bằng việc huy động tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh kết nối trong nước và quốc tế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hệ thống chính sách liên quan nhằm đảm bảo trọng tâm giúp quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng Chiến lược Phát triển ngành Chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nghiên cứu, khảo sát mô hình, kết nối vùng nguyên liệu, tìm kiếm địa điểm xây dựng kho lạnh, khu dự trữ, bảo quản tại các địa phương thuộc miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ phục vụ cho ngành Công nghiệp thực phẩm của thành phố phát triển bền vững. Theo số liệu của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang dần phát triển đi vào chiều sâu. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản, người tiêu dùng còn rất quan tâm đến xuất xứ, nguồn gốc, an toàn sử dụng hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng do các cơ quan chuyên môn công nhận, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống.

Về khía cạnh doanh nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thích ứng nhanh với những thay đổi thói quen tiêu dùng. Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm tại Thành phố đã bắt đầu hướng đến kinh tế xanh. Đây là tín hiệu tích cực cần được nhân rộng để hướng đến phát triển, tăng trưởng bền vững.

3. Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh

Để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình phát triển nền kinh tế xanh, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, trong quá trình triển khai phát triển kinh tế xanh không thể làm theo phong trào mà cần có trọng tâm, trọng điểm. Cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung để hỗ trợ lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, nhất là trong các ngành, lĩnh vực Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh,… Cần có lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành Công nghiệp sang các ngành mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao và chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp.

Hai là, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, trường đại học... nghiên cứu, tổ chức, chủ trì các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam và tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài trên các lĩnh vực phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... tích cực lựa chọn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam và của thành phố.

Ba là, cần có chính sách đầu tư tài chính, ngân hàng mạnh mẽ vào các dự án xanh như năng lượng, vận tải, sản xuất…; có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp trong thành phố đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (cả các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa) dễ dàng tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững của Nhà nước và Thành phố, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực chuyển hướng đầu tư sang sản xuất xanh, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra.

4. Kết luận

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm chính trị - kinh tế - tài chính lớn của cả nước  đang hướng đến là một thành phố phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đang nỗ lực tạo ra sự phát triển đồng đều của các yếu tố kinh tế, khoa học công nghệ, xã hội và môi trường. Được xem là đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước. Trong những năm qua, Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn cố gắng đưa Thành phố ngày càng phát triển, với các tiêu chí cao về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự và đảm bảo môi trường, xứng đáng là một thành phố đầu tầu về phát triển kinh tế của cả nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2020). Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Quốc hội (2023). Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/6/2023.
  4. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2021). Quyết định số 1055/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030, ngày 29/3/2021.
  5. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2021). Quyết định số 4859/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030.

 

Some solutions for the development of green economy in Ho Chi Minh City

Master. Nguyen Huu Ky Ty

Department of Political Theory, Ho Chi Minh University of Technology,

Vietnam National University - Ho Chi Minh City  

Abstract:

This paper analyzed the current development of the green economy in Ho Chi Minh City. Developing economic activities towards green, sustainable growth is a top priority, and countries are aiming to achieve prosperity, environmental sustainability, and social justice. For Ho Chi Minh City, the green economy is not only an inevitable development choice but also an opportunity to become a pioneer in Vietnam, keep up with the world's development trend, and affirm its role as Vietnam’s political, cultural, and economic center.

Keywords: green economy, sustainable development, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]